Hơn 60 năm trước, từ thị xã, nay là thành phố Hà Giang lên đến Mèo Vạc chưa có đường đi như bây giờ. Khi đó chỉ có con đường mòn gập ghềnh dành cho người đi bộ và ngựa thồ hàng. Nhằm thúc đẩy phát triển KT – XH của Cao nguyên đá Đồng Văn, Trung ương và Khu ủy Việt Bắc đã cho chủ trương mở đường Hà Giang - Đồng Văn, được gọi là đường Hạnh Phúc, Quốc lộ 4C.
Ngày 10.9.1959 là ngày khởi công mở đường Hạnh Phúc lên Cao nguyên đá Đồng Văn. Trải qua bao gian khổ, hy sinh với sự tham gia của trên 1.200 dân công và sự giúp đỡ của trên 1.000 thanh niên xung phong các tỉnh, đến ngày 20.3.1965, con đường đã hoàn thành. Điểm đầu con đường từ phường Quang Trung, thành phố Hà Giang và kết thúc ở thị trấn Mèo Vạc với chiều dài 185km. Ngày công thực hiện là 2.246.321 ngày với khối lượng 2.899.638m3 đất đá. Chi phí làm đường vào thời giá khoảng những năm 60 của thế kỷ trước hết trên… 5,5 triệu đồng.
55 năm sau ngày con đường Hạnh Phúc hoàn thành, từ chỗ Cao nguyên đá lạnh lẽo ngày nào, nay đời sống KT-XH của đồng bào các dân tộc được thay đổi, vươn lên mạnh mẽ. Hàng ngày, có hàng ngàn lượt xe ô tô bon bon ngược xuôi trên tuyến đường Hạnh Phúc.
Cung đường Hạnh Phúc hôm nay
Đoạn đường vượt qua đèo Mã Pì Lèng là con đường gian khó nhất, trải qua 11 tháng, bao thanh niên xung phong phải treo mình trước dòng Nho Quế sâu thăm thẳm, con đường dài 21km treo trên vách đá nối từ Đồng Văn sang đến Mèo Vạc, điểm cuối của con đường Hạnh Phúc đã được hoàn thành...
Thật trùng hợp, năm 2012 Liên hợp quốc đã lấy ngày 20.3 là ngày Quốc tế hạnh phúc. Ngày này năm 1965 ở Hà Giang chính là ngày hoàn thành con đường Hạnh Phúc huyền thoại mang ấm no cho đồng bào trên Cao nguyên đá Đồng Văn.
Dụng cụ mở đường thô sơ của thanh niên xung phong, dân công
Danh sách 14 liệt sỹ hy sinh trong quá trình làm đường Hạnh Phúc
Bài hát Hà Giang mãi tự hào
Các cựu thanh niên xung phong thắp hương cho đồng đội hy sinh, nằm lại tại huyện Yên Minh.
Con đường Hạnh Phúc chạy qua 6 huyện, thành phố của Hà Giang với trên 20 xã, phường, thị trấn, ngoài ý nghĩa thúc đẩy phát triển KT – XH, giờ đây con đường Hạnh Phúc còn trở thành tuyến đường ưa thích của đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn...
Bài hát cung đường mùa Xuân
Qua 55 năm, con đường Hạnh Phúc vẫn tiếp tục được duy tu, nâng cấp, mở rộng, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân các dân tộc và sự phát triển của Cao nguyên đá.
Bảo tàng đường Hạnh Phúc ở huyện Mèo Vạc
Tượng đài thanh niên xung phong và nhân dân các dân tộc mở đường Hạnh Phúc.
Phòng Báo điện tử và CTV ảnh (Thực hiện)