6 bất cập lớn nhất của Luật Đất đai năm 2013
Luật Đất đai giữ vị trí trung tâm trong hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai. Tuy nhiên, còn tồn tại nhiều nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, lạc hậu, nhiều vấn đề mới phát sinh cần hoàn thiện.
Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 29/11/2013 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2014.
Trong một cuộc làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Luật Đất đai giữ vị trí trung tâm trong hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai, có tầm quan trọng đặc biệt, phạm vi tác động rất rộng, tính chất phức tạp và rất khó, rất chuyên sâu.
Trong quá trình tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW về đất đai cũng đã cho thấy có nhiều nội dung mâu thuẫn, chồng chéo trong các luật chuyên ngành với Luật Đất đai, một số nội dung đã lạc hậu, nhiều vấn đề mới cũng đã phát sinh cần được nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện.
Việc sửa đổi Luật Đất đai hướng tới gỡ bỏ những nút thắt chồng chéo, khơi thông nguồn lực đất đai, giúp ổn định đời sống xã hội, tiếp thêm động lực cho thị trường bất động sản.
Báo cáo kết quả giám sát và kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu ra sáu bất cập lớn của Luật Đất đai năm 2013:
- Một số quy định của Luật Đất đai năm 2013 chưa tương thích với Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật có liên quan.
- Vướng mắc, bất cập trong quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Cụ thể là về kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2013 chưa thể hiện đầy đủ các không gian quy hoạch; quyền giám sát của HĐND các cấp chưa rõ ràng, còn chung chung, việc lấy ý kiến người dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa đầy đủ.
- Vướng mắc, bất cập trong quy định về giao đất, cho thuê đất, quy định về tài chính với đất đai.
- Vướng mắc, bất cập trong quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải quyết tranh chấp về đất đai.
- Vướng mắc, bất cập trong quy định về quyền sử dụng đất đai của cộng đồng dân tộc thiểu số.
- Vướng mắc, bất cập về tham vấn người dân trong lĩnh vực đất đai. Còn thiếu quy định về tham vấn ý kiến nhân dân; chỉ nêu về hình thức nhân dân tham gia vào quá trình thực hiện quyền, trách nhiệm bằng hình thức dân chủ đại diện là thông qua các cơ quan như Quốc hội, HĐND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... Còn cơ chế để nhân dân trực tiếp tham gia giám sát thì luật chưa quy định.
Tiến sỹ Vũ Đình Ánh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường, giá cả (Bộ Tài chính) – nhấn mạnh: Dù đã có những tiến bộ trong quản lý, sử dụng đất đai theo Luật Đất đai năm 2013 song trên thực tế vẫn còn rất nhiều lỗ hổng, cả trong các văn bản quy phạm pháp luật lẫn thực thi pháp luật về đất đai cũng như trong thanh tra, kiểm tra, giám sát. Vì vậy, những sai phạm về đất đai gây thiệt hại nặng nề cho nhà nước, doanh nghiệp và người dân có xu hướng xảy ra phổ biến hơn với mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Tiến sỹ Kinh tế Nguyễn Minh Phong (nguyên Trưởng phòng Phòng Nghiên cứu kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội) kiến nghị: Trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai thì cần bổ sung, hoàn thiện các quy định để bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý đất đai. Cụ thể, xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai; xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông. Đồng thời, cần bảo đảm công khai, minh bạch, có cơ chế đồng bộ, cụ thể để xử lý vi phạm quy định về giao đất, cho thuê đất, nhất là liên quan tới đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/6-bat-cap-lon-nhat-cua-luat-dat-dai-nam-2013/281585.html