6 kết quả nổi bật sau nửa năm thực hiện Nghị quyết số 57
Hệ sinh thái khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo tiếp tục phát triển mạnh mẽ, với 858 doanh nghiệp khoa học công nghệ, 45 doanh nghiệp công nghệ cao và trên 73.000 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động.

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan các gian hàng giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp khoa học-công nghệ tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (13/1/2025).
Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển bản lề, trong đó khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nền tảng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và khả năng thích ứng trước các biến động dài hạn. Trước yêu cầu cấp thiết đó, Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ban hành ngày 22/12/2024 (Nghị quyết 57) đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm lớn lớn từ các cấp ủy đảng, chính quyền, các nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ngày 13/1/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã chỉ ra những định hướng chiến lược và được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đồng thuận, xem đây như một "khoán 10" trong lĩnh vực khoa học và công nghệ”. Tổng Bí thư khẳng định: “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là lựa chọn, mà là con đường sống còn”.
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025, diễn ra ngày 2/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phát triển Khoa học, Công nghệ, Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số đánh giá, qua 6 tháng triển khai, Nghị quyết 57 đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong toàn hệ thống chính trị. Những kết quả có được là sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, trực tiếp và thường xuyên của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ban Chỉ đạo Trung ương, đồng thời sự thống nhất, quyết tâm chính trị rất cao của tất cả các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.
Báo cáo nêu 6 kết quả nổi bật:
Thứ nhất, về thể chế, chính sách: Quốc hội đã thông qua hai luật rất quan trọng, có tính nền tảng, là Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và Luật Công nghiệp Công nghệ số, đặt nền móng pháp lý mới cho phát triển các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, dữ liệu lớn. Chính phủ đã ban hành hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật quan trọng (16 nghị định, 01 nghị quyết), trong đó có các nghị định về cải cách thủ tục hành chính một cửa, một cửa liên thông, và phân cấp, phân quyền phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy chính quyền hai cấp.
Thứ hai, về chỉ đạo, điều hành: Ban Chỉ đạo Trung ương đã chỉ đạo rất quyết liệt, sự đột phá lớn nhất trong cách làm 6 tháng qua là việc Ban Chỉ đạo đã ban hành và tổ chức thực hiện đồng thời hai kế hoạch lớn, có ý nghĩa đặc biệt: Kế hoạch hành động chiến lược (Kế hoạch số 01) và Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW. Đây là hai kế hoạch thể hiện cách tiếp cận rất mới, có tầm nhìn, cụ thể hóa những quan điểm chỉ đạo rất quyết liệt, sát thực tiễn.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã thu hút, tập hợp 277 chuyên gia tham gia các chương trình trọng điểm về trí tuệ nhân tạo, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực chiến lược.
Thứ ba, về chuyển đổi số và hạ tầng dữ liệu: Hiện Hệ thống giám sát, đánh giá thực hiện Nghị quyết 57 đã được đưa vào vận hành. Cùng với đó, Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, sáng kiến, giải pháp Khoa học, Công nghệ, Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số tạo sự liên kết giữa các hệ thống và bước đầu hình thành nền tảng quản trị dựa trên dữ liệu thời gian thực.
Ban Bí thư ban hành Kiến trúc Chuyển đổi số Đảng phiên bản 3.0, cùng với việc Văn phòng Trung ương Đảng triển khai phần mềm quản lý văn bản, phòng họp không giấy, kết nối đến tận cấp xã, tạo ra bước phát triển mới trong hiện đại hóa hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng.
Thứ tư, về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo: Chính phủ đã ban hành Danh mục công nghệ chiến lược, xác định 11 nhóm công nghệ có vai trò then chốt trong quá trình phát triển nhanh, bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Qua rà soát, đối chiếu với thực tiễn triển khai và xu hướng công nghệ toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2025, Ban Chỉ đạo Trung ương cho rằng danh mục đã tập trung đúng hướng vào các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn như: Bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và dữ liệu lớn (Big Data).
"Việc lựa chọn các công nghệ này phù hợp với năng lực nghiên cứu, phát triển và ứng dụng và thể hiện tầm nhìn chiến lược của Việt Nam", báo cáo nêu rõ.
Hệ sinh thái khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục phát triển mạnh mẽ, với 858 doanh nghiệp khoa học-công nghệ, 45 doanh nghiệp công nghệ cao và trên 73.000 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động. Bộ Khoa học và Công nghệ đã thu hút, tập hợp 277 chuyên gia tham gia các chương trình trọng điểm về trí tuệ nhân tạo, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực chiến lược.
Thứ năm, về huy động nguồn lực xã hội: Một điểm rất nổi bật trong 6 tháng đầu năm là sự đồng hành, tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước. Đây là nét mới, cho thấy Nghị quyết 57 không chỉ là việc của Nhà nước mà đã thực sự lan tỏa ra xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, tạo thành một phong trào xã hội rộng lớn, tạo thêm nguồn lực và động lực triển khai hiệu quả các nhiệm vụ.
Thứ sáu, về mô hình quản trị mới: Ban Chỉ đạo Trung ương cho rằng Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW không chỉ đơn thuần là kế hoạch thực hiện nhiệm vụ mà còn là một mô hình quản trị hoàn toàn mới, đưa toàn bộ nhiệm vụ vào hệ thống quản lý nhiệm vụ điện tử, cho phép cấp xã trực tiếp báo cáo, Ban Chỉ đạo giám sát, kiểm tra độc lập, cấp tỉnh điều hành thời gian thực.
Đây chính là mô hình quản trị mẫu dựa trên dữ liệu, có thể nhân rộng cho các chương trình, kế hoạch lớn của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn tới, đặc biệt trong điều kiện tổ chức bộ máy hai cấp ở địa phương.
Bên cạnh những kết quả nổi bật trên, Ban chỉ đạo Trung ương thẳng thắn chỉ ra việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Một số nhiệm vụ còn chậm tiến độ; thể chế, chính sách trên nhiều lĩnh vực chưa đồng bộ, chưa đáp ứng kịp yêu cầu thực tiễn; hạ tầng số và dữ liệu quốc gia còn phân tán; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu còn hạn chế; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu hụt, nhất là trong các ngành công nghệ mũi nhọn.
“Đáng lưu ý, tư duy của một số đồng chí chủ trì từng mảng vẫn còn chủ quan, chưa nhận thức hết tính cấp bách, tính toàn diện và tính hệ thống của những vấn đề đặt ra, dẫn đến chưa quyết liệt, chưa sáng tạo trong tổ chức triển khai”, báo cáo nêu rõ.
Đặc biệt, việc xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, chuyên ngành đã đạt được những kết quả nền tảng, nhưng cần chuyển sang một giai đoạn mới: từ tập trung hoàn thiện, xây dựng là chính, sang ưu tiên kết nối, khai thác để tạo ra giá trị thực chất, phục vụ chỉ đạo, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội.
Ban Chỉ đạo Trung ương ghi nhận rằng 6 tháng đầu năm 2025 thực sự là giai đoạn khởi đầu với nhiều kết quả nổi bật, tạo nền móng vững chắc để triển khai Nghị quyết 57 trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu lớn đã đặt ra, cần tiếp tục triển khai với tinh thần “Kiên quyết, kiên trì, kiên định, làm bằng được để củng cố niềm tin của toàn xã hội”, quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ điểm nghẽn, tập trung nguồn lực để tạo ra những kết quả thực chất, bền vững trong 6 tháng cuối năm 2025 và những năm tiếp theo./.
Toàn văn Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW ngày 19/6/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số về thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị