6 khó khăn của đề án hạ tầng đô thị chuyển 5 huyện lên quận, TP

Theo Sở QH-KT TP, hiện cơ sở dữ liệu phục vụ việc đánh giá thực trạng tại năm huyện chưa đồng bộ, chưa có một hệ thống cơ sở dữ liệu hoàn thiện theo từng nhóm dữ liệu…

Sở QH-KT TP.HCM vừa có báo cáo gửi Sở Nội vụ TP về tiến độ dự thảo đề cương đề án nhánh hạ tầng đô thị của Đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc TP thuộc TP.HCM), trong đó nêu nhiều khó khăn, vướng mắc.

Nhiều khó khăn khi xây dựng đề cương đề án

Cụ thể, theo Sở QH-KT TP, đề cương đề án nhánh hạ tầng đô thị là nền tảng cơ sở để Sở Nội vụ tổng hợp, hướng dẫn UBND các huyện tổ chức kêu gọi tư vấn nghiên cứu lập Kế hoạch triển khai xây dựng Đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc TP thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021-2030. Nội dung đề cương đề án nhánh này cũng có nghiên cứu, tham khảo các mô hình phát triển đô thị và kinh nghiệm quốc tế về quản lý mở rộng và phát triển khu vực ven đô các đô thị lớn trên thế giới.

Một khu đất đang kêu gọi đầu tư ở huyện Củ Chi. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Một khu đất đang kêu gọi đầu tư ở huyện Củ Chi. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Về các khó khăn, vướng mắc khi xây dựng đề cương đề án, Sở QH-KT TP nêu ra các nội dung cơ bản. Thứ nhất là khó khăn trong việc tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ. Thứ hai, Đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc TP thuộc TP.HCM) có liên quan đến nhiệm vụ chuyên môn của nhiều ngành. Do đó cần có sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan, sự hỗ trợ của UBND TP, các sở, ngành giúp UBND các huyện xây dựng đề án phù hợp, khả thi với đặc điểm, điều kiện của từng huyện.

Thứ ba là cơ sở dữ liệu phục vụ việc đánh giá thực trạng tại năm huyện chưa đồng bộ, đầy đủ. Chưa có một hệ thống cơ sở dữ liệu hoàn thiện theo từng nhóm dữ liệu (dân cư, hạ tầng, hoạt động kinh tế, tài nguyên, đất đai...) dẫn tới việc phân tích và dự báo là khó khăn.

Thứ tư là việc chuyển năm huyện thành quận đòi hỏi nguồn lực rất lớn, trong bối cảnh ngân sách TP đang gặp khó khăn, việc xây dựng mô hình khả thi, có tính thực tế và có thể triển khai để hình thành kinh tế đô thị bền vững cho năm huyện đòi hỏi cần thời gian tập trung nghiên cứu, tìm tòi các giải pháp đột phá, sáng tạo.

Thứ sáu là việc xây dựng đề án của các huyện diễn ra cùng lúc với trung ương đang tiến hành các bước để sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 1210/2016 và Nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 13. Do đó, trong thời gian tới có thể sẽ cần thêm thời gian rà soát các tiêu chí để sửa đổi, bổ sung đề án đầu tư - xây dựng của năm huyện để phù hợp với quy định.

Ý kiến chuyên gia về đề cương đề án

Tại báo cáo này của Sở QH-KT TP cũng đưa ra nhiều ý kiến của chuyên gia góp ý cho đề cương đề án. “Cần bổ sung mục tiêu đề án, xác định định hướng phát triển mục tiêu đề án, căn cứ lý luận đô thị ở đây là lý luận về cấu trúc đô thị và quy hoạch đô thị. Đề án không nên đi quá sâu và chi tiết về quy hoạch và đầu tư phát triển có tính lâu dài của các huyện” - TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, góp ý.

Theo ông Cương, do các huyện ngoại thành TP đã và đang đô thị hóa quá nhanh, yêu cầu bức thiết nhất hiện nay là nâng cao năng lực quản lý nhà nước ở các huyện, không thể chỉ có năng lực như các huyện nông thôn ở các tỉnh. Do đó, để thuyết minh sự cần thiết phải chuyển lên quận và xác định những yêu cầu cần đầu tư xây dựng để đủ tiêu chuẩn đô thị là cần thiết nhất và có thể có nhiều nội dung khác bức thiết hơn tiêu chuẩn về hạ tầng hay kiến trúc cảnh quan.

“Nhìn chung, mức độ đô thị hóa của các huyện hiện nay đã khá cao và vấn đề chuyển cơ chế quản lý từ huyện lên quận có vẻ như không cần thật chi tiết và cứng nhắc...” - ông Cương nêu.

Ông Trần Chí Dũng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị, cho rằng cần bổ sung cập nhật đánh giá hiện trạng phân bố dân cư cũ trên địa bàn huyện này, về giải pháp quy hoạch cũng cần xác định ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị tại các khu vực được xác định là khu đô thị hóa trên từng địa bàn huyện.

Còn theo kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, việc phát triển các huyện thành quận phải đi đôi với việc đi trước, phát triển đồng bộ, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị. Như hệ thống giao thông kết nối bằng nhiều giải pháp như cầu, hầm chui, cầu vượt, hệ thống cấp thoát nước, điện, giao thông, viễn thông, xử lý nước thải... “Phát triển các huyện thành quận nhưng phải đảm bảo chỉ tiêu đất cây xanh đô thị nhằm tạo môi trường sống trong lành cho người dân” - ông Lưu góp ý.•

Ý kiến năm huyện

Qua quá trình khảo sát tại các huyện, lắng nghe chia sẻ và trao đổi về tình hình hạ tầng đô thị, Sở QH-KT TP tổng hợp ý kiến các đơn vị liên quan.

Huyện Nhà Bè: Huyện có quỹ đất lớn, đây là nguồn lực lớn của huyện thông qua việc nâng giá trị đất qua quy hoạch và chuyển mục đích sử dụng đất. Huyện Nhà Bè đang thực hiện nhiều biện pháp để hiện thực hóa quyết tâm lên quận vào năm 2025 theo định hướng đô thị bền vững, phù hợp với chủ trương phát triển đô thị thông minh của TP. Phát triển kinh tế theo định hướng thương mại, dịch vụ, công nghiệp.

Huyện Bình Chánh: Hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện đảm bảo điều kiện đi lại thuận lợi, góp phần phát triển kinh tế -xã hội và kết nối hạ tầng các vùng lân cận. Qua kết quả đánh giá thực trạng với tiêu chuẩn so với quy định thì đến năm 2030, huyện khó đạt tiêu chuẩn quận so với việc đầu tư xây dựng huyện thành TP thuộc TP trực thuộc trung ương. Đối chiếu với quy định và thực trạng, huyện Bình Chánh thực hiện đầu tư xây dựng chuyển huyện thành TP thuộc TP trực thuộc trung ương là phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Huyện Hóc Môn: Hiện nay, UBND huyện Hóc Môn đang tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đối với các chỉ tiêu chưa đạt về phát triển cơ sở hạ tầng đô thị như quy hoạch và quản lý theo quy hoạch, huy động nguồn lực đầu tư phát triển, quản lý đô thị đất đai và môi trường.

Huyện Cần Giờ: Kiến nghị không tính diện tích rừng Cần Giờ vào tiêu chí tính điểm đô thị theo Nghị quyết 1210/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị.

Huyện Củ Chi: Cơ bản thống nhất với dự thảo đề cương đề án hạ tầng đô thị tại công văn ngày 25-10-2021 của UBND huyện.

KIÊN CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/6-kho-khan-cua-de-an-ha-tang-do-thi-chuyen-5-huyen-len-quan-tp-post676859.html