6 loại thực phẩm làm chậm quá trình trao đổi chất, gây tăng cân và mệt mỏi

Sự trì trệ trong quá trình trao đổi chất có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe. Nếu bạn vẫn tập thể dục bình thường mà có dấu hiệu tăng cân, mệt mỏi… có thể là bạn đang tiêu thụ thực phẩm làm chậm quá trình trao đổi chất.

Nội dung

1. Ảnh hưởng của việc trao đổi chất chậm đối với sức khỏe

2. Chế độ ăn uống có làm chậm quá trình trao đổi chất không?

3. Một số thực phẩm làm chậm quá trình trao đổi chất

1. Ảnh hưởng của việc trao đổi chất chậm đối với sức khỏe

Trao đổi chất chậm là tình trạng cơ thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng chậm hơn bình thường. Điều này có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Sự trao đổi chất chậm khiến cơ thể thiếu năng lượng, có cảm giác mệt mỏi, uể oải và gây ra các vấn đề tiêu hóa như táo bón, đầy hơi, khó tiêu; da trở nên xỉn màu, nổi mụn, tóc yếu, dễ gãy rụng... Trao đổi chất chậm có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh tim mạch và một số loại ung thư.

Thông thường, người có cơ chế trao đổi chất nhanh sẽ tiêu thụ lượng calo nhanh hơn so với những người có sự trao đổi chất chậm. Khi cơ thể đốt cháy calo chậm, năng lượng dư thừa sẽ dễ dàng tích tụ dưới dạng mỡ, dẫn đến tăng cân. Việc giảm cân cũng trở nên khó khăn hơn vì cơ thể đốt cháy calo chậm hơn.

Đối với những người có tốc độ trao đổi chất cao một cách tự nhiên có thể ăn nhiều hơn mà không bị tăng cân. Ngược lại, nếu những người có cơ chế trao đổi chất chậm hơn thì sẽ có nguy cơ tăng cân khi ăn nhiều.

Tiêu thụ nhiều đồ uống có đường làm chậm quá trình trao đổi chất.

Tiêu thụ nhiều đồ uống có đường làm chậm quá trình trao đổi chất.

2. Chế độ ăn uống có làm chậm quá trình trao đổi chất không?

Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến khả năng trao đổi chất của cơ thể, trong đó lối sống và dinh dưỡng có tác động rất lớn. Quá trình trao đổi chất là một chuỗi các phản ứng hóa học diễn ra bên trong cơ thể, giúp chuyển đổi thức ăn thành năng lượng. Do đó chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh quá trình trao đổi chất. Những gì chúng ta ăn hàng ngày có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ và hiệu quả của quá trình này.

Nghiên cứu cho thấy những thực phẩm có thể giúp tăng cường trao đổi chất thường là thực phẩm chứa nhiều chất xơ, protein và chất béo lành mạnh bao gồm: rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, các loại đậu, thịt nạc, cá, trứng… Những thuộc tính này của thực phẩm giúp giảm cảm giác đói và thèm ăn, đồng thời tăng cảm giác no.

Tuy nhiên, có một số loại thực phẩm có thể làm chậm quá trình này, ảnh hưởng đến việc giảm cân và sức khỏe tổng thể, đó là đồ uống có đường, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn chiên rán, thực phẩm giàu tinh bột tinh chế, đồ uống có cồn…

Đường và tinh bột tinh chế làm tăng lượng insulin, hormone chịu trách nhiệm chuyển đổi đường thành năng lượng hoặc mỡ dự trữ. Thực phẩm chế biến sẵn và chất béo chuyển hóa gây viêm, làm rối loạn quá trình trao đổi chất. Chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa làm giảm khả năng đốt cháy chất béo của cơ thể.

3. Một số thực phẩm làm chậm quá trình trao đổi chất

Đồ uống có đường

Đồ uống có đường như nước ngọt, nước trái cây đóng hộp, trà sữa... chứa lượng đường rất cao. Đường làm tăng lượng insulin trong máu, dẫn đến tích trữ mỡ và làm chậm quá trình đốt cháy calo.

Thực phẩm chế biến sẵn

Thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều muối, đường, chất béo không lành mạnh và chất bảo quản. Những chất này có thể gây viêm, làm rối loạn quá trình trao đổi chất và tăng cân.

Tinh bột tinh chế

Bánh mì trắng, gạo trắng, mì gói và các loại bánh ngọt chứa nhiều tinh bột tinh chế. Chúng dễ dàng bị tiêu hóa và làm tăng lượng đường trong máu nhanh chóng, gây ra sự tăng giảm đột ngột của insulin và làm chậm quá trình trao đổi chất.

Thực phẩm chiên rán làm giảm khả năng đốt cháy chất béo của cơ thể.

Thực phẩm chiên rán làm giảm khả năng đốt cháy chất béo của cơ thể.

Thực phẩm chiên rán

Thực phẩm chiên rán chứa nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, gây tăng cholesterol xấu và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Chúng cũng làm giảm khả năng đốt cháy chất béo của cơ thể.

Thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa

Chất béo chuyển hóa thường có trong các sản phẩm bánh kẹo công nghiệp, đồ ăn nhanh và một số loại dầu thực vật. Chúng làm tăng cholesterol xấu, gây viêm và làm giảm khả năng đốt cháy chất béo của cơ thể.

Rượu bia

Tiêu thụ quá nhiều rượu bia có thể làm tăng lượng calo nạp vào, gây tổn hại gan và làm chậm quá trình trao đổi chất.

Để tăng cường quá trình trao đổi chất, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị nên kết hợp ăn uống lành mạnh và tăng cường vận động; ăn nhiều thực phẩm tự nhiên như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc, cá, các loại hạt.

Theo BS. Trần Thị Bích Nga, chuyên khoa Dinh dưỡng, chế độ ăn uống nên ưu tiên những thực phẩm lành mạnh giàu chất xơ, protein tốt, thực phẩm có đặc tính chống viêm… Đồng thời hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, ngũ cốc tinh chế, thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo xấu… Lưu ý uống đủ nước giúp vận chuyển chất dinh dưỡng và loại bỏ độc tố cho cơ thể.

Thu Phương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/6-loai-thuc-pham-lam-cham-qua-trinh-trao-doi-chat-gay-tang-can-va-met-moi-169250115175618179.htm