6 tháng đầu năm 2022, gần 10 nghìn nhân viên y tế nghỉ việc sau chống dịch
Trong năm 2021, có 430 viên chức y tế thuộc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế xin thôi việc, con số này tại các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là hơn 4.860 người. Đây là một trong những khó khăn, tồn tại trong lĩnh vực quản lý sử dụng lao động của Bộ Y tế được đoàn giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chỉ ra trong phiên làm việc sáng 8/8.
Số lượng bác sỹ, nhân viên y tế bỏ việc, thôi việc có xu hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây, nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến kéo dài. Nguyên nhân là do các bác sỹ, nhân viên y tế phải làm việc liên tục trong môi trường áp lực cao, khối lượng công việc lớn, trong khi chế độ, chính sách chưa thỏa đáng.
Ông NGUYỄN HOÀNG MAI - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội: “Giai đoạn vừa qua, rời khỏi cơ sở y tế công lập số lượng rất lớn, khoảng 10 nghìn người và chúng tôi đi qua các tỉnh thì thấy tình trạng này đang tiếp tục xảy ra, gây lãng phí nguồn lực có kinh nghiệm làm việc cho hệ thông y tế cơ sở công lập. Trong đó, sẽ có một bộ phận người ta sẽ bỏ việc, không tìm được vị trí trong các cơ sở tư nhân. Và chúng tôi thấy rằng, đây là một thất thoát nguồn nhân lực rất lớn cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.”
Bà VŨ THỊ LƯU MAI - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội: “Chúng ta cũng thấy rằng trong thời gian dịch bệnh, thực sự là hệ thống y tế công lực hết sức vất vả. Hiện nay, ai cũng biết là việc chảy máu chất xám cũng như việc cán bộ y tế rời khỏi ngành là rất lớn. Tôi cũng nghĩ là cần rà soát lại tiêu chuẩn, chế độ định mức hợp lý đối với những người làm việc trực tiếp trong lĩnh vực này.”
Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG: “Theo báo cáo từ công đoàn Y tế Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2022 có gần 10 nghìn viên chức y tế xin thôi việc, nghỉ việc trong lĩnh vực công, họ chuyển sang khu vực tư hoặc làm công việc khác, kể cả làm nông, đây là một thực trạng rất đáng quan tâm. Năm 2023 sẽ có một chuyên đề giám sát của Quốc hội về nguồn lực và năng lực phòng, chống dịch Covid-19 và xây dựng cơ sở y tế, cơ sở y tế dự phòng, chắc chắn sẽ làm việc với Bộ Y tế kỹ hơn về vấn đề này".
Cũng theo báo cáo, số lượng nhân lực y tế dự phòng thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng. Sau khi sáp nhập, mỗi trung tâm kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh có khoảng 161 cán bộ nhưng số lượng chưa ổn định và sắp xếp cán bộ chưa phù hợp nên nhiều vị trí chuyên môn thiếu cán bộ làm việc, đặc biệt là bác sỹ. Trên cả nước thiếu khoảng 23.800 người, riêng bác sỹ thiếu khoảng hơn 8000 người, cử nhân y tế công cộng thiếu hơn 3900 người, trong đó, nhu cầu nhân lực tăng thêm tại tuyến tỉnh là 22,4%.
Thực hiện : Thanh Nga Cao Hoàng