6 tháng đầu năm 2025: Sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng khởi sắc, giá cả 'leo thang'
Theo Bộ Xây dựng, 6 tháng đầu năm 2025, thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) có nhiều tín hiệu tích cực khi sản lượng và tiêu thụ đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá cát, đá, sỏi và các loại vật liệu san nền tiếp tục 'leo thang'...
Xi măng: Dấu hiệu phục hồi rõ rệt
Báo cáo tại Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 của Bộ Xây dựng, ngày 7/7, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ môi trường và Vật liệu xây dựng Lê Trung Thành cho biết, ngành xi măng tăng trưởng ấn tượng. Sản lượng sản xuất lũy kế 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 49,8 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2024 (42,2 triệu tấn).

Sản xuất và tiêu thụ xi măng tăng trưởng ấn tượng.
Tổng sản lượng xi măng và clinker tiêu thụ đạt khoảng 54 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ. Trong đó, tiêu thụ nội địa đạt khoảng 37,5 triệu tấn, tăng 18%, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường trong nước.
Xuất khẩu sản phẩm xi măng và clinker đạt khoảng 17 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu clinker tăng 19%, xuất khẩu xi măng giảm 2%. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt khoảng 635 triệu USD, tăng 1,7%. Các thị trường chính là Philippines, Mỹ, Singapore và Malaysia.
Tuy vậy, giá xuất khẩu xi măng và clinker vẫn ở mức thấp do cạnh tranh gay gắt, buộc doanh nghiệp phải giữ giá tương đương cuối năm 2024 để duy trì đơn hàng. Tồn kho xi măng và clinker hiện khoảng 4,5 triệu tấn, tương đương khoảng 20 ngày sản xuất.
Gạch ốp lát: Sản xuất và tiêu thụ song hành
Sản lượng sản xuất gạch ốp lát trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt khoảng 225 triệu m², tương đương 55% công suất thiết kế toàn ngành. Trong đó, gạch ceramic chiếm 152 triệu m², gạch granite 49 triệu m², ngói tráng men 13 triệu m² và gạch cotto 11 triệu m².
Tiêu thụ nội địa đạt khoảng 220 triệu m², cho thấy thị trường trong nước đã hấp thụ phần lớn lượng sản xuất.
Xuất khẩu đạt khoảng 23 triệu m², tương đương 115 triệu USD, trong khi nhập khẩu đạt 37 triệu USD.
Sứ vệ sinh: Cầu tăng kéo sản lượng
Ngành sứ vệ sinh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định. Đến hết tháng 6/2025, sản lượng sản xuất đạt khoảng 6,5 triệu sản phẩm, đạt 50% công suất thiết kế.
Sản lượng tiêu thụ đạt 7,1 triệu sản phẩm, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2024. Xuất khẩu đạt khoảng 85 triệu USD, trong khi nhập khẩu đạt 26 triệu USD.
Kính xây dựng: Sản lượng đạt khoảng 35% công suất thiết kế
Sản lượng kính xây dựng đạt khoảng 72 triệu m² quy tiêu chuẩn (QTC), tương đương 35% công suất thiết kế, trong khi tiêu thụ đạt 84 triệu m² QTC.

Tổng Công ty Viglacera - CTCP sản xuất khoảng 34,8 triệu m² QTC.
Một số nhà máy lớn có sản lượng ổn định, như: Tổng Công ty Viglacera - CTCP sản xuất khoảng 34,8 triệu m² QTC, tiêu thụ 29,75 triệu m² QTC; Nhà máy Kính nổi CFG Ninh Bình với công suất thiết kế 1.200 tấn/ngày (tương đương khoảng 74 triệu m²/năm) đã sản xuất được 34 triệu m² QTC, tiêu thụ 25 triệu m² QTC.
Vật liệu xây không nung: Tăng trưởng giữa khó khăn
Vật liệu xây không nung (VLXKN) vẫn đối mặt nhiều khó khăn do giá cát, nguyên liệu chính tăng cao liên tục thời gian qua, khiến chi phí sản xuất đội lên. Tuy nhiên, nhờ giá gạch đất sét nung tăng mạnh, sản phẩm VLXKN đã tiêu thụ tốt hơn.
Ước tính đến hết tháng 6, sản lượng sản xuất và tiêu thụ VLXKN đạt khoảng 2,5 tỷ viên QTC, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2024.
Giá vật liệu tăng bất thường, Chính phủ ra công điện "hạ nhiệt"
Cũng theo Bộ Xây dựng, mặc dù sản xuất và tiêu thụ vật liệu tăng trưởng, thị trường VLXD lại gặp biến động lớn về giá cả.
Trong 6 tháng đầu năm, giá nhiều loại vật liệu như cát, sỏi, đá, gạch, vật liệu san nền, đắp nền đường… tăng cao bất thường, ảnh hưởng đến chi phí xây dựng và tiến độ nhiều công trình.
Ngày 10/6/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 85/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường giải pháp quản lý, bình ổn giá VLXD.
Ngay sau đó, Bộ Xây dựng ban hành Văn bản số 5050/BXD-KHCNMT&VLXD hướng dẫn triển khai tại địa phương.
Các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm
Để tiếp tục thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và quản lý hiệu quả lĩnh vực VLXD, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và VLXD (Bộ Xây dựng) Lê Trung Thành cho biết, 6 tháng cuối năm, sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, Bộ Xây dựng hoàn thiện Đề án "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý phát triển VLXD trong giai đoạn mới" trình Ban Bí thư trong quý III/2025; Triển khai thực hiện hiệu quả Công điện 85/CĐ-TTg về quản lý, bình ổn giá VLXD; Thực hiện Kế hoạch Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản VLXD giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai Chỉ thị số 28/CT-TTg về giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ xi măng, thép và VLXD; Tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm ngăn ngừa đầu cơ, găm hàng, thao túng giá thị trường; Khuyến khích đầu tư công nghệ mới, vật liệu xanh, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, bảo vệ môi trường.