6 tháng xung đột Ukraine đẩy kinh tế thế giới đến bờ suy thoái
Sáu tháng kể từ khi chiến sự nổ ra ở Ukraine, nền kinh tế châu Âu đứng trước bờ vực suy thoái, trong khi gánh nặng lạm phát đảo lộn cuộc sống của người dân tại nhiều quốc gia khác.
Martin Kopf cần khí đốt tự nhiên để điều hành công ty của gia đình, Zinkpower GmbH, chuyên sản xuất các cấu kiện thép chống gỉ ở miền Tây nước Đức.
Cơ sở của Zinkpower sử dụng khí đốt mỗi ngày để duy trì 600 tấn kẽm trị giá 2,5 triệu USD ở trạng thái nóng chảy. Nếu không, số kim loại này sẽ cứng lại, phá hủy bể chứa - nơi nhúng các bộ phận bằng thép trước khi lắp ráp chúng vào hệ thống treo trên ôtô, tấm pin mặt trời và tuabin gió.
“Nếu (Nga) tuyên bố cắt (khí đốt), tất cả thiết bị của tôi sẽ bị phá hủy”, ông Kopf, lãnh đạo công ty và là Chủ tịch Hiệp hội Công ty mạ kẽm Đức, cho biết.
6 tháng sau khi xung đột nổ ra giữa Nga và Ukraine, nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với mối đe dọa tàn khốc, trong đó các công ty như Zinkpower, với 2.800 nhân viên, phải chịu ảnh hưởng nặng nề.
Khí đốt không chỉ tăng giá mà còn có thể cạn kiệt nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung cho châu Âu, nhằm đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây, hoặc nếu các cơ sở không thể tích trữ đủ cho mùa đông. Khi đó, Đức sẽ buộc phải giới hạn phân bổ khí đốt, làm tê liệt các ngành công nghiệp từ luyện thép, dược phẩm đến dịch vụ giặt là.
Bờ vực suy thoái
Các chính phủ, doanh nghiệp và gia đình trên thế giới đang gánh chịu những ảnh hưởng kinh tế của cuộc xung đột chỉ 2 năm sau khi đại dịch Covid-19 tàn phá thương mại toàn cầu.
Lạm phát và chi phí năng lượng tăng cao khiến viễn cảnh mùa đông lạnh giá và tăm tối ngày càng rõ ràng ở châu Âu.
Giá lương thực cao và tình trạng thiếu lương thực trở nên tồi tệ hơn do các lô hàng phân bón, ngũ cốc từ Nga và Ukraine bị cắt giảm, có thể khiến nạn đói lan rộng kéo theo tình trạng bất ổn ở các nước đang phát triển.
Về vấn đề này, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov từng nhiều lần yêu cầu phương Tây tháo gỡ trở ngại với xuất khẩu lương thực và phân bón Nga để giải quyết khủng hoảng, theo TASS.
"(Phương Tây) phải gỡ bỏ những trở ngại do chính họ tạo ra. Trong nhiều tháng, họ nói rằng không có lệnh trừng phạt nào với thực phẩm và phân bón. Nhưng các biện pháp trừng phạt công ty thanh toán, vận chuyển đã (gián tiếp cản trở)", ông nói hôm 24/7.
Bên ngoài thủ đô Kampala của Uganda, Rachel Gamisha cho biết chiến sự ở Ukraine xa xôi đã khiến công việc kinh doanh hàng tạp hóa của cô bị ảnh hưởng. Giá các mặt hàng thiết yếu như xăng tăng vọt lên mức giá 6,90 USD/gallon. Một sản phẩm khoảng 16,7 USD có thể tăng lên 25 USD chỉ sau một tuần.
Gamisha cũng nhận thấy hiện tượng "shrinkflation". Cụ thể, giá sản phẩm có thể không thay đổi, nhưng một chiếc bánh rán từng nặng 45 g giờ có thể chỉ còn 35 g. Bánh mì nặng 1 kg giờ là 850 g.
Chiến sự ở Ukraine đã khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ thấp triển vọng kinh tế toàn cầu lần thứ tư trong vòng chưa đầy một năm. Cơ quan này dự kiến nền kinh tế tăng trưởng 3,2% trong năm nay, giảm so với mức 4,9% mà họ dự báo vào tháng 7/2021, và thấp hơn nhiều so với mức 6,1% của năm 2021.
“Thế giới có thể sớm rơi vào tình trạng suy thoái, chỉ 2 năm sau cuộc suy thoái trước đó”, ông Pierre-Olivier Gourinchas, cố vấn kinh tế trưởng của IMF, cho biết.
Theo Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, giá lương thực và năng lượng tăng đã khiến 71 triệu người trên thế giới rơi vào cảnh đói nghèo, trong 3 tháng đầu tiên của cuộc xung đột. Trong đó, các nước vùng Balkan và châu Phi hạ Sahara bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo dự báo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, gần 181 triệu người ở 41 quốc gia có thể bị khủng hoảng nạn đói trong năm nay.
Trước tình hình đó, Moscow đã yêu cầu phương Tây ngừng cản trở vận chuyển lương thực.
"Số liệu thống kê cho thấy rõ ràng ngũ cốc mắc kẹt trong các cảng của Ukraine chỉ chiếm chưa đến 1% sản lượng toàn cầu, do đó không thực sự ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Phương Tây nên ngừng ngăn chặn việc giao hàng của chúng tôi. Đó là điều duy nhất cần làm", ông Lavrov nói hôm 8/7, theo TASS.
Trong khi đó, tại Bangkok, giá thịt lợn, rau và dầu tăng buộc Warunee Deejai - chủ quán ăn đường phố - phải tăng giá, cắt giảm nhân viên và làm việc nhiều giờ hơn.
“Tôi không biết mình có thể duy trì mức giá phải chăng cho bữa trưa tại cửa hàng trong bao lâu. Đối mặt với điều này khi vừa thoát khỏi cảnh phong tỏa thật khó khăn. Tệ hơn nữa, tôi không biết khi nào nó sẽ kết thúc”, cô nói.
Ngay cả trước khi giao tranh nổ ra giữa Nga và Ukraine, nền kinh tế toàn cầu đã phải chịu nhiều áp lực. Lạm phát tăng vọt khi sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch áp đảo các nhà máy, cảng và bãi vận chuyển hàng hóa, gây ra tình trạng chậm trễ, thiếu hụt và tăng giá. Đáp lại, các ngân hàng trung ương bắt đầu tăng lãi suất để cố gắng hạ nhiệt tăng trưởng và kiềm chế giá cả.
“Lạm phát và tốc độ tăng trưởng ngày càng biến động. Do đó, các ngân hàng trung ương càng khó khăn hơn trong việc lèo lái con tàu”, Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế, cho biết.
Ảnh hưởng lan rộng
Trong khi đó, ở Johannesburg, Nam Phi, Stephanie Muller đã so sánh giá trên các trang trực tuyến và kiểm tra nhiều cửa hàng tạp hóa khác nhau để tìm mức giá tốt nhất.
“Tôi có 3 đứa con đều đang đi học, vì vậy tôi thấy rõ sự khác biệt”, cô nói.
Ở Indonesia, Bộ trưởng Nông nghiệp Syahrul Yasin Limpo cảnh báo trong tháng 8, giá mì ăn liền - mặt hàng chủ lực của nước này - có thể tăng gấp 3 lần do giá lúa mì tăng cao.
Tại nước láng giềng Malaysia, nông dân Jimmy Tan than thở giá phân bón đã tăng 50%. Anh cũng phải trả nhiều tiền hơn cho các vật dụng như tấm nhựa, túi và vòi nước.
Còn tại Karachi, Pakistan, Kamran Arif đã nhận công việc bán thời gian thứ hai để kiếm thêm thu nhập. “Chúng tôi không kiểm soát được giá cả nên chỉ có thể cố gắng tăng thu nhập”, ông nói.
Phần lớn người dân Pakistan đang sống trong cảnh nghèo đói, đồng tiền của họ đã mất giá tới 30% so với USD và giá điện cũng tăng 50%.
Nhà xuất nhập khẩu Muhammad Shakil cho biết giờ đây, ông không thể mua lúa mì, đậu gà trắng và đậu Hà Lan vàng từ Ukraine. “Chúng tôi phải nhập khẩu từ các nước khác với giá cao hơn, có khi chênh lệch tới 10 -15%”, ông Shakil nói.
Trong bối cảnh lạm phát tăng, các ngân hàng trung ương đang tăng lãi suất nhằm kiềm chế tốc độ tăng giá và tránh làm chệch hướng tăng trưởng kinh tế.
Kết quả là lãi suất cho vay tăng lên, giảm lượng khách hàng của những công ty như FlooringStores. Công ty này chuyên giúp khách hàng tìm kiếm vật liệu lát sàn và nhà thầu. Gần đây, doanh số bán hàng giảm vì ngày càng ít chủ nhà vay tiền để sửa nhà.
“Tỷ lệ lớn khách hàng của chúng tôi dựa vào khoản vay thế chấp nhà ở và dịch vụ tương tự để sửa chữa nhà. Điều đó có nghĩa việc tăng lãi suất thực sự đã giết chết hoạt động kinh doanh của chúng tôi”, CEO Todd Saunders cho biết. “Lạm phát không giúp được gì, nhưng lãi suất tăng còn ảnh hưởng lớn hơn”.
Trong nhiều năm, nền kinh tế công nghiệp châu Âu đã phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga. Giờ đây, họ phải hứng chịu một cú sốc lớn, đối mặt với nguy cơ suy thoái ngày càng tăng khi Điện Kremlin hạn chế dòng khí đốt.
Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson và từng là nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Anh, cho biết: “Châu Âu có nhiều rủi ro và áp lực suy thoái hơn so với các nền kinh tế thu nhập cao còn lại”.
Trong khi đó, Nga cũng không thể tránh sự tác động. IMF dự đoán nền kinh tế Nga sẽ giảm 6% trong năm nay. Sergey Aleksashenko, nhà kinh tế người Nga đang sống tại Mỹ, cũng lưu ý rằng doanh số bán lẻ của nước này đã giảm 10% trong quý hai so với cùng kỳ năm trước, do người dân cắt giảm chi tiêu.