6 thực phẩm nên hạn chế khi bị mụn trứng cá
Mụn trứng cá có thể xảy ra do thực phẩm. Chế độ ăn uống không tốt có thể tạo ra các gốc tự do, gây ra stress oxy hóa trong tế bào và giải phóng các chất gây nổi mụn và lão hóa da sớm.
Nội dung
1. Tham khảo 6 thực phẩm nên hạn chế khi bị mụn trứng cá
2. Nên ăn gì để hạn chế nổi mụn trứng cá
Nhiều yếu tố góp phần gây ra mụn trứng cá, bao gồm sản xuất bã nhờn (dầu), vi khuẩn gây mụn, biến động nội tiết tố, lỗ chân lông bị tắc và viêm nhiễm. Tuy nhiên, chế độ ăn uống cũng có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của làn da. Nếu cố gắng kiểm soát mụn, hãy cân nhắc thực hiện từ chế độ ăn đến vệ sinh, chăm sóc da từ trong ra ngoài.
1. Tham khảo 6 thực phẩm nên hạn chế khi bị mụn trứng cá
1.1 Sản phẩm từ sữa
Một giả thuyết cho rằng các protein có trong sữa động vật làm trầm trọng thêm các hormone gây mụn trứng cá vì chúng ta không thể phân hủy và tiêu hóa chúng đúng cách.
Các lựa chọn thay thế sữa tuyệt vời: Sữa hạnh nhân, sữa hạt điều, nước cốt dừa và sữa gạo.
1.2 Sản phẩm từ đậu nành
Các sản phẩm đậu nành như đậu phụ, sữa đậu nành và protein đậu nành chứa hàm lượng phytoestrogen cao (hợp chất tự nhiên có trong thực vật) có thể ảnh hưởng đến thụ thể estrogen tự nhiên của cơ thể chúng ta. Ăn quá nhiều đậu nành có thể làm giảm nồng độ estrogen và tăng nồng độ androgen (nội tiết tố nam), có thể tác động đến sự hình thành mụn trứng cá bằng cách khiến các tuyến tiết ra nhiều bã nhờn làm tắc nghẽn lỗ chân lông.
Ăn nhiều đậu nành có thể gây viêm và ức chế sự hấp thu các vitamin và khoáng chất quan trọng, góp phần gây ra mụn.
Các lựa chọn thay thế đậu nành: Đậu xanh lên men, nấm, đậu lima tươi, nước cốt dừa…
1.3. Ngũ cốc tinh chế
Những người tiêu thụ nhiều carbohydrate tinh chế có xu hướng mắc các tình trạng da nổi bật hơn như mụn trứng cá. Carbs tinh chế bao gồm bánh mì trắng, mì ống làm từ bột mì trắng và gạo trắng. Những thực phẩm này có chỉ số đường huyết cao và khiến lượng đường trong máu tăng vọt nhanh chóng; điều này dẫn đến tăng sản xuất androgen và bã nhờn, góp phần làm bùng phát mụn trứng cá.
Các lựa chọn thay thế ngũ cốc tinh chế: Hạt diêm mạch, kê, yến mạch, lúa mạch…
1.4. Đường
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người tiêu thụ đường bổ sung thường xuyên có nguy cơ phát triển mụn trứng cá cao hơn 30%. Điều này là do đường làm tăng đột biến insulin và khiến tế bào da phát triển nhanh hơn, thúc đẩy sản xuất bã nhờn và gây ra mụn.
Các lựa chọn thay thế đường: si-rô cây phong nguyên chất, mật ong thô, cỏ ngọt…
1.5 Đồ ăn nhanh
Mụn có mối liên hệ chặt chẽ với chế độ ăn uống "kiểu phương Tây" giàu chất béo và calo không lành mạnh. Thức ăn nhanh như bánh mì kẹp thịt, xúc xích, khoai tây chiên, pizza và soda có thể làm tăng nguy cơ nổi mụn do ảnh hưởng của chúng lên cơ thể. Những thực phẩm không lành mạnh này chứa nhiều natri và có thể làm tăng tình trạng viêm nhiễm, gây ra lượng dầu thừa và vi khuẩn gây mụn trên da.
Các lựa chọn thay thế thức ăn nhanh: ngũ cốc nguyên hạt, salad, sinh tố và rau xào.
1.6 Rong biển (tảo), tảo bẹ
Rong biển (tảo) là tác nhân phổ biến gây ra mụn trứng cá, đặc biệt là quanh miệng. Nguyên nhân rất có thể là do hàm lượng i-od cao trong rong biển. I-od là một khoáng chất thiết yếu mà tất cả chúng ta cần với số lượng nhỏ để duy trì chức năng tuyến giáp bình thường. Điều đó nói lên rằng, lượng i-od dư thừa đi vào tuyến bã nhờn được cho là sẽ gây kích ứng và làm tắc nghẽn tuyến dầu trên da, từ đó có thể gây ra nhiều mụn trứng cá hơn. Mụn trứng cá có thể bùng phát khi tiêu thụ quá nhiều tảo bẹ hoặc các thực phẩm giàu i-od khác.
Một người trưởng thành chỉ nên ăn tối đa 100g rong biển trong một ngày và nên chia khẩu phần ăn rong biển thành nhiều bữa ăn trong ngày thay vì ăn trong một bữa.
2. Nên ăn gì để hạn chế nổi mụn trứng cá?
Tăng cường những loại thực phẩm và chất dinh dưỡng khác có thể giúp hạn chế da bị mụn trứng cá và giữ cho làn da luôn sạch sẽ. Bao gồm các:
Acid béo omega-3: Omega-3 có tác dụng chống viêm và tiêu thụ thường xuyên có liên quan đến việc giảm nguy cơ phát triển mụn trứng cá.
Probiotic: Probiotic thúc đẩy đường ruột khỏe mạnh và hệ vi sinh vật cân bằng, có liên quan đến việc giảm viêm và giảm nguy cơ phát triển mụn trứng cá.
Trà xanh: Trà xanh chứa polyphenol có tác dụng giảm viêm và giảm sản xuất bã nhờn. Chiết xuất trà xanh đã được chứng minh là có tác dụng làm giảm mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá khi thoa lên da.
Nghệ: Nghệ có chứa chất curcumin polyphenol chống viêm, có thể giúp điều hòa máu.
Vitamin A, D, E và kẽm: Những chất dinh dưỡng này đóng vai trò quan trọng đối với làn da và sức khỏe miễn dịch, đồng thời có thể giúp ngăn ngừa mụn trứng cá.
Chế độ ăn kiêng theo phong cách đồ đá cũ: Chế độ ăn kiêng Paleo rất giàu thịt nạc, trái cây, rau và các loại hạt và ít ngũ cốc, sữa và các loại đậu. Chúng có liên quan đến mức insulin thấp hơn, có thể có lợi cho mụn trứng cá.
Chế độ ăn kiêng kiểu Địa Trung Hải: Chế độ ăn Địa Trung Hải rất giàu trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, cá, dầu ô liu và ít sữa và chất béo bão hòa. Nó cũng có liên quan đến việc giảm mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá.
Các chế độ ăn uống tổng thể có thể có tác động lớn hơn đến sức khỏe làn da so với việc ăn - hoặc không ăn - bất kỳ loại thực phẩm cụ thể nào. Không nhất thiết phải tránh hoàn toàn tất cả các loại thực phẩm có liên quan đến mụn trứng cá mà nên tiêu thụ chúng một cách cân bằng với các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Khi bị nổi mụn trứng cá nhiều, tốt nhất nên đi khám chuyên khoa da liễu để có được lời khuyên phù hợp.