60 năm ngày Bác Hồ bắt đầu viết Di chúc: Kim chỉ nam soi đường cho toàn Đảng, toàn dân
Ngày 10/5/1965, trong lúc đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh miền Bắc, giữa muôn trùng lo toan vì nước, vì dân, cảm thấy mình "không được khỏe như mấy năm trước," Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt bút viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc thiêng liêng.
60 năm đã trôi qua, "mấy lời để lại" ấy cùng với tư tưởng của Người luôn đồng hành cùng dân tộc, soi rọi, dẫn dắt toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta luôn kiên định và trung thành với sự nghiệp, lý tưởng cách mạng của Người, kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng vĩ đại mà Người đã trọn đời cống hiến và hy sinh; mang lá cờ bách chiến bách thắng của Người tới đích cuối cùng.
Bác dành thời gian và tâm huyết để viết Di chúc
Trong hồi ký đầy xúc động, đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác kể lại: "Đúng 9 giờ, Bác Hồ ngồi chăm chú viết. Vấn đề chắc đã suy ngẫm từ lâu. Phòng làm việc trên nhà sàn yên tĩnh. Gió mát dịu, thoang thoảng hương thơm của hoa vườn... Chính vào giờ phút đó Bác Hồ đặt bút viết những dòng đầu tiên vào tài liệu "Tuyệt đối bí mật” để dặn lại cho muôn đời con cháu mai sau." (1)
Đó chính là lúc Người bắt đầu viết Di chúc - một văn bản đặc biệt quan trọng mà Bác khiêm tốn gọi là "Mấy lời để lại."
Trong phần mở đầu bản Di chúc năm 1965, Người viết: "Năm nay, tôi đã 75 tuổi. Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn mạnh khỏe. Tuy vậy, tôi cũng là lớp người "xưa nay hiếm." Ai đoán biết tôi sẽ sống và phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng mấy năm, mấy tháng nữa. Vì vậy, tôi để lại mấy lời này… phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác...." (2)



Bản Di chúc đánh máy năm 1965 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong cả bản tài liệu "Tuyệt đối bí mật” dài 3 trang ấy, Bác không nói nhiều về mình, mà dành để nói về Đảng, về dân, về thế hệ cách mạng kế cận, về tương lai của Tổ quốc… Mỗi câu, mỗi chữ trong Di chúc đều được Người cân nhắc kỹ lưỡng, không chỉ là lời căn dặn cuối đời, mà còn là sự đúc kết một tư tưởng lớn, một tấm lòng yêu nước thương dân sâu nặng.
Rồi những ngày tiếp theo của tháng Năm năm ấy hay những ngày trung tuần tháng Năm của các năm sau, Bác tiếp tục viết, sửa chữa, bổ sung Di chúc trong phòng làm việc ở nhà sàn.
Sau khi Bác mất, ngày 9/9/1969, trong Lễ truy điệu Người, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã xúc động công bố bản Di chúc của Người. Đó là bản Di chúc hoàn chỉnh được ghép từ các bản Di chúc mà Bác Hồ đã viết và sửa chữa, bổ sung trước đó.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1969. (Nguồn: Vietnam+)
20 năm sau, năm 1989, khi điều kiện cho phép, tất cả các bản thảo Di chúc của Bác đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) công bố đầy đủ.
Như vậy, Di chúc là "tài liệu” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để viết. Bác đã cân nhắc từng ý, từng lời; nhưng mỗi ý, mỗi lời đều giản dị, chân thành như chính cuộc đời mà Bác đã sống. Việc nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung và viết lại di chúc không chỉ thể hiện Bác là người rất chu đáo, cầu toàn mà còn cho thấy Bác luôn trăn trở, suy nghĩ cho vận mệnh của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.
Kết tinh tình yêu thương và tầm nhìn vượt thời đại của Bác
Nội dung Di chúc không dài nhưng cô đọng và sâu sắc. Đó là tâm nguyện, tình cảm, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, Nhân dân và sự nghiệp cách mạng, thể hiện sâu sắc ở dự báo về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ và ngày thống nhất đất nước, ở những chỉ dẫn về công việc của sự nghiệp cách mạng còn dang dở: "cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn." (3)
Nội dung Di chúc không dài nhưng cô đọng và sâu sắc. Đó là tâm nguyện, tình cảm, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, Nhân dân và sự nghiệp cách mạng.
Đó là những chỉ dẫn về xây dựng và củng cố Đảng cầm quyền với những vấn đề cốt yếu của công tác xây dựng Đảng: giữ gìn mối "đoàn kết trong Đảng," thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng phục vụ nhân dân…; và nhiệm vụ chiến lược để giữ vững vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng - là công tác chỉnh đốn Đảng.
Đó còn là những dặn dò, nhắc nhở về sự cần thiết phải "bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau." Bác nhấn mạnh: "Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng” vừa "chuyên." (4)
Trong Di chúc, Bác nghĩ cho người dân của mọi tầng lớp xã hội. Đối với Nhân dân lao động, Bác căn dặn: "Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân” (5).




Một phần bản Di chúc viết tay năm 1968 và 1969 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bác đặc biệt quan tâm đến những nhóm người yếu thế. Từ những người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc: "phải tìm mọi cách cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh” (6); đến phụ nữ: "phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả việc lãnh đạo” (7); và cả những nạn nhân của xã hội cũ: "phải vừa giáo dục vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những lao động lương thiện” (8). Qua đó, chúng ta càng thấy rõ tấm lòng đôn hậu, bao dung, tình thương yêu con người vô bờ bến của Bác.
Bên cạnh đó, Bác còn phác thảo lý luận về sự nghiệp đổi mới ở nước ta với những chỉ dẫn quan trọng về quản lý xã hội như: đào tạo nguồn nhân lực, sửa đổi chế độ giáo dục, khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế, chính sách miễn thuế nông nghiệp cho nông dân, chính sách xã hội, công bằng xã hội...

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Nhà máy dệt 8/3 và dự lễ khánh thành nhà máy. Người đến thăm một số phân xưởng và nói chuyện với công nhân làm việc tại nhà máy ngày 8/3/1965. (Ảnh: TTXVN)
Gọi là Di chúc, nhưng bên trong lại không có mấy lời nhắc đến những yêu cầu của bản thân Người. Cả cuộc đời, Bác đã phấn đấu, hy sinh chỉ nhằm một mục đích "Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu." Ngay cả đến trước lúc đi xa, điều Bác nuối tiếc nhất vẫn là "không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa." (9)
Xúc động hơn là Bác ra đi không đem theo gì, mà "để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng” (10). Mong muốn cuối cùng của Bác là "toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới." (11)
Và một điểm đặc biệt khiến bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vượt lên mọi văn kiện chính trị thông thường, đó là sự hòa quyện giữa lý tưởng cách mạng và chiều sâu nhân văn. Không chỉ dặn dò về lý tưởng cộng sản, Bác còn căn dặn từng điều nhỏ nhất của đời sống con người. Đó không chỉ là những lời dặn dò, mà còn là thông điệp nhân đạo của một trái tim vĩ đại, luôn đặt con người vào trung tâm của mọi suy nghĩ, mọi hành động.
Ánh sáng soi đường trong hành trình đổi mới và phát triển đất nước
Trải qua 60 năm, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là những lời căn dặn cuối đời, mà đã trở thành kim chỉ nam soi đường cho toàn Đảng, toàn dân ta trên con đường dựng xây đất nước.
Trong từng giai đoạn lịch sử, từ thời kỳ đấu tranh thống nhất đất nước, đến thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển, Di chúc luôn là cội nguồn tinh thần, là ngọn đuốc dẫn lối để Đảng ta vững vàng trong vai trò cầm quyền, để Nhân dân ta tin tưởng, đoàn kết và không ngừng vươn lên.

11h30 phút ngày 30/4/1975, xe tăng quân Giải phóng băng qua cánh cổng sắt, đánh chiếm Phủ Tổng thống ngụy Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của quân địch, kết thúc oanh liệt cuộc trường chinh 30 năm chống ngoại xâm của dân tộc. (Ảnh: Mai Hưởng/TTXVN)
Sau ngày thống nhất đất nước (1975), những chỉ dẫn trong Di chúc về nhiệm vụ xây dựng Đảng và chăm lo đời sống nhân dân đã được cụ thể hóa trong các nghị quyết, chủ trương của Đảng. Đặc biệt, tinh thần "giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” đã trở thành phương châm cốt lõi để Đảng không ngừng chỉnh đốn, tự đổi mới và tự hoàn thiện mình.
Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, những lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc về phát triển kinh tế, văn hóa, nâng cao đời sống Nhân dân lại một lần nữa bừng sáng, trở thành nền tảng để Đảng đề ra những quyết sách đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế thời đại. Các chương trình xóa đói giảm nghèo, chăm sóc người có công, nâng cao vai trò phụ nữ, bồi đắp thế hệ trẻ… đều là sự hiện thực hóa sinh động những điều Người căn dặn.

Nghị quyết số 10 của Đảng (4/1988) về Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (gọi tắt là Khoán 10) đã giải phóng sức sản xuất. Ngay năm đó, cả nước không phải nhập khẩu lương thực, và từ năm 1989, gạo Việt Nam bắt đầu xuất khẩu, góp mặt vào thị trường toàn cầu. (Ảnh: TTXVN)
Trong công cuộc hội nhập quốc tế, Di chúc tiếp tục khơi nguồn cảm hứng về tinh thần độc lập, tự chủ, song hành với hợp tác và hữu nghị. Những điều Bác viết về việc "phải góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” đã trở thành kim chỉ nam để Việt Nam từng bước khẳng định vị thế, vai trò và uy tín trên trường quốc tế.
Thực tiễn hơn nửa thế kỷ qua cho thấy càng đi xa trên con đường phát triển, càng thấm thía giá trị trường tồn của Di chúc. Không chỉ ở tầm chiến lược, tư tưởng trong Di chúc còn thấm đẫm chất nhân văn, gợi mở cách tiếp cận mới cho những vấn đề hiện đại như phát triển bền vững, bảo vệ quyền con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, giáo dục công dân toàn diện - những mục tiêu của một xã hội tiến bộ và nhân đạo, đúng như điều mà Bác hằng mong ước.
60 năm đã trôi qua kể từ ngày Bác viết những dòng Di chúc đầu tiên, nhưng ánh sáng từ Di chúc vẫn soi đường, tiếp sức cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Đó là ánh sáng của lòng yêu nước thương dân, của đạo lý làm người, của khát vọng hòa bình và phát triển, của quyết tâm xây dựng một đất nước "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lời Bác dặn.
Thực hiện Di chúc của Bác Hồ hôm nay không chỉ là hành động tri ân, mà là mệnh lệnh từ trái tim, để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam đều chung tay viết tiếp khúc tráng ca "độc lập-tự do-hạnh phúc” mà Người đã khởi xướng và nỗ lực thực hiện bằng cả cuộc đời./.

(1) Vũ Kỳ - Càng nhớ Bác Hồ, Nxb Thanh niên. Hà Nội. 1999. Tr 130
(2) Trích bản thảo Di chúc Hồ Chí Minh năm 1965
(3) - (11) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.621-624