7 bước dạy con về đụng chạm không an toàn

Chỉ dạy con về 'người lạ nguy hiểm' không đủ để bảo vệ trẻ khỏi kẻ lạm dụng, xâm hại. Trẻ cần hiểu cả những hành vi an toàn và không an toàn để tự bảo vệ bản thân hiệu quả.

1. Nói chuyện với con ở nơi yên tĩnh, tránh xao nhãng: Theo Bright Side, trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện, hãy đảm bảo rằng cả bạn và con đều cảm thấy thoải mái và sẵn sàng. Vì vậy, hãy chọn một địa điểm và thời điểm thích hợp, không quá vội vã hoặc căng thẳng. Sau đó, bằng từ ngữ đơn giản, bạn hãy giải thích cho con hiểu rằng có những hành động chạm vào cơ thể là không được phép, bất kể người đó là ai, kể cả người thân quen.

2. Để con so sánh giữa động chạm an toàn và không an toàn: Sau khi có cuộc trò chuyện đầu tiên, cha mẹ hãy để con giải thích về cử chỉ an toàn và không an toàn. Bằng cách này, bạn sẽ biết được con đã học và hiểu được bao nhiêu. Bạn có thể đặt câu hỏi nhập vai, ví dụ, "Con sẽ làm gì nếu...?" hoặc "Con sẽ nói với ai về...?". Trẻ em nên hiểu rằng bắt tay, một cái ôm, khoác vai từ người mà con tin tưởng (như cha mẹ, anh chị em) là những đụng chạm an toàn. Ngược lại, những đụng chạm thiếu an toàn là khi con cảm thấy khó chịu, sợ hãi với những cử chỉ đó hoặc chạm vào những nơi con không muốn.

3. Giải thích rằng ngay cả một cử chỉ an toàn đôi khi cũng gây đau: Trẻ em có thể cảm thấy khó hiểu và đôi khi nhầm lẫn giữa đụng chạm an toàn và không an toàn, ngay cả khi đó là những đụng chạm cần thiết. Ví dụ như khi đi tiêm, trẻ có thể cảm thấy đau và hiểu nhầm rằng đây là hành động không an toàn từ bác sĩ. Vì vậy, khi giải thích cho trẻ, cha mẹ cần phải linh hoạt và cẩn trọng.

4. Sử dụng đồ lót để giải thích về bộ phận riêng tư: Nhiều phụ huynh tránh nói về các bộ phận cơ thể và hành vi tình dục với con cái vì cho rằng trẻ còn quá nhỏ. Tuy nhiên, điều này lại có thể gây hại cho trẻ. Cha mẹ có thể khéo léo sử dụng đồ lót để giải thích rằng chạm vào phần cơ thể mà đồ lót che phủ được coi là đụng chạm không an toàn. Cách này giúp trẻ dễ dàng hình dung và hiểu được những vùng cơ thể cần được bảo vệ mà không cần sử dụng những thuật ngữ chuyên môn có thể gây khó hiểu hoặc khiến trẻ cảm thấy ngại ngùng.

5. Dạy con hiểu đụng chạm không an toàn không phải bí mật: Hầu hết kẻ lạm dụng sẽ yêu cầu trẻ giữ bí mật và trong đa số trường hợp, trẻ em sẽ nghe theo điều này vì chúng nghĩ rằng đó là lỗi của chúng hoặc sợ hãi kẻ lạm dụng. Vì vậy, cha mẹ hãy giải thích cho con hiểu rằng nếu ai đó yêu cầu giữ bí mật về việc chạm vào cơ thể, chúng phải nói ngay với cha mẹ hoặc với ai đó mà con tin tưởng. Ở đây, điều quan trọng là đưa ra các ví dụ để giúp trẻ cảm thấy mạnh mẽ hơn và hành động khi cần thiết.

6. Dạy trẻ rằng con có quyền nói "không": Nhiều vụ lạm dụng trẻ em xảy ra bởi những người mà trẻ em biết và tin tưởng, như người thân, bạn bè, hàng xóm. Điều này khiến trẻ em rất dễ bị nhầm lẫn và khó nhận biết nguy hiểm. Thực tế, khi bị người thân hoặc người đáng tin cậy chạm vào một cách không phù hợp, trẻ em thường cảm thấy bối rối, sợ hãi và thậm chí cảm thấy có lỗi vì đã không tin tưởng người lớn. Đó là lý do cha mẹ cần dạy con rằng chúng hoàn toàn có quyền nói và thậm chí hét lên "không" với bất kỳ đụng chạm không an toàn nào. Hãy luôn củng cố điều này, nói với trẻ rằng con là chủ nhân của cơ thể mình và con có thể làm bất cứ điều gì để bảo vệ nó.

7. Yêu cầu con kể tên vài người mà con có thể nói chuyện khi có ai chạm vào: Hãy yêu cầu con kể ra ít nhất 5 người mà con nghĩ rằng có thể tin tưởng trong trường hợp bị lạm dụng. Nếu con không thể nghĩ ra ai đó, hãy giúp con làm điều đó. Ngoài ra, hãy nhắc nhở trẻ rằng con nên tiếp tục nói với mọi người về hành vi này cho đến khi ai đó hành động và giúp đỡ chúng, đừng bao giờ từ bỏ.

Ngọc Bích

Ảnh: Pexels

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/7-buoc-day-con-ve-dung-cham-khong-an-toan-post1523230.html