7 dấu hiệu phát hiện bệnh tim mạch sớm
Bệnh tim mạch là do các rối loạn liên quan đến sức khỏe của trái tim và mạch máu gây suy yếu khả năng làm việc của tim. Bệnh thường không thể chữa khỏi hoàn toàn, đòi hỏi sự điều trị và theo dõi cẩn thận, thậm chí là suốt đời, tốn kém nhiều chi phí.
Chính vì vậy, việc phát hiện sớm căn bệnh này là vô cùng quan trọng. Dưới đây là các dấu hiệu bệnh tim mạch sớm.
- Nhịp tim nhanh, mạch không đều
Đây là một trong triệu chứng thường gặp do tim đập nhanh hơn để bù trừ khả năng suy yếu cung lượng tim. Tình trạng có thể là do rối loạn nhịp tim xảy ra do sự bất thường của nhịp tim - quá nhanh hoặc quá chậm. Bệnh lý này đang ngày càng phổ biến và trẻ hóa trong cộng đồng. Loạn nhịp tim có thể gây khó chịu nhẹ cho người bệnh, nhưng cũng có thể là biểu hiện của một tình trạng bệnh lý nặng.
- Khó thở
Người mắc bệnh tim thường xuất hiện triệu chứng khó thở kể cả khi không hoặc phải gắng sức. Tình trạng khó thở này xảy ra ngay khi bạn nằm hoặc đi ngủ, thường tăng lên về đêm. Tuy nhiên, khó thở cũng có thể là do các nguyên nhân do phổi như hen suyễn và dù vậy, khi khó thở cần phải được chẩn đoán và can thiệp sớm.
- Cảm giác bị đè nặng trong ngực, đau tức ngực
Đây là triệu chứng thường gặp của bệnh tim, tuy nhiên cũng xuất hiện ở các bệnh lý khác như hô hấp, thần kinh.
- Thường xuyên mệt mỏi, kiệt sức
Người bệnh tim thường mệt mỏi mọi lúc và gặp khó khăn với hầu hết các hoạt động hàng ngày. Nguyên nhân do tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của các cơ quan trong cơ thể. Vì vậy, tình trạng mệt mỏi, kiệt sức có thể gây ra bởi các yếu tố thường gặp như cảm lạnh hoặc cảm cúm hoặc do tim mạch cần đi khám.
- Ho dai dẳng, khò khè
Tim bơm máu không đủ để cung cấp cho cơ thể khiến máu bị ứ lại. Dịch ứ ở phổi lâu ngày gây tình trạng ho mạn tính, thở khò khè.
- Phù
Triệu chứng này do suy tim hay xuất hiện về chiều, khi người bệnh đứng lâu và sẽ giảm bớt khi nằm xuống nghỉ ngơi hoặc vào lúc sáng sớm khi người bệnh mới ngủ dậy. Khi suy tim nặng hơn, phù sẽ rõ ràng hơn, phù nhiều hơn, đôi khi phù toàn thân và xuất hiện suốt cả ngày, không giảm nếu không được điều trị.
- Chóng mặt, ngất xỉu
Khi người bệnh bị rối loạn nhịp tim, rối loạn dẫn truyền, máu đến não bị gián đoạn hoặc khi thay đổi huyết áp bất thường khi gắng sức có thể gây nên triệu chứng ngất, chóng mặt, sa sút trí tuệ.
Ngoài các biểu hiện trên có nhiều trường hợp có các biểu hiện khác như: Chán ăn, buồn nôn hoặc tiểu đêm. Những bệnh nhân suy tim hệ thống tiêu hóa nhận được ít máu hơn hoặc máu tích tụ ở gan, khiến người bệnh chán ăn, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa và buồn nôn. Người bệnh suy tim sẽ đi tiểu thường xuyên vào ban đêm do sự chuyển dịch lượng nước tích tụ trong cơ thể gây phù ở nhiều bộ phận đến thận thông qua các mạch máu.
Chẩn đoán bệnh mạch
Khi có các biểu hiện trên bác sĩ sẽ khám và nghi ngờ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm để xác định chẩn đoán bệnh. Các chỉ định thường xét nghiệm thể chất, xét nghiệm máu, chụp X-quang.
Ngoài ra, một số xét nghiệm để chẩn đoán bệnh tim mạch gồm có:
Chụp cộng hưởng từ tim (MRI).
Điện tâm đồ (ECG)
Máy theo dõi Holter.
Siêu âm tim - Doppler tim.
Chụp cắt lớp vi tính tim (CT scan).
Ngoài ra, các bác sĩ sẽ đánh giá trên các yếu tố nguy cơ tim mạch dựa trên tiểu sử bệnh của gia đình; các yếu tố nguy cơ như hút thuốc, tiểu đường, béo phì, căng thẳng...;
Phòng ngừa bệnh tim mạch hiệu quả
Bệnh tim do dị tật thì không thể ngăn chặn, còn với các loại bệnh tim mạch khác việc ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ là hoàn toàn có thể, cụ thể:
Cần theo dõi và kiểm soát tốt hàm lượng Cholesterol trong máu.
Kiểm soát huyết áp, bệnh tiểu đường.
Không hút thuốc lá, rượu bia, các chất kích thích gây hại.
Chế độ ăn uống lành mạnh, tốt cho sức khỏe.
Giữ cân nặng luôn ổn định, tránh béo phì.
Luyện tập thể dục thể thao điều độ.
Ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng.
Kiểm tra sức khỏe theo định kỳ để phát hiện và tầm soát bệnh sớm nhất.
Tóm lại, bệnh tim là một trong những bệnh nguy hiểm, diễn biến hết sức phức tạp và là một bệnh có nguyên hàng đầu dẫn đến nguy cơ tử vong, gánh nặng cho ngành y tế. Vì vậy, khi thấy có biểu hiện nghi ngờ người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị bệnh kịp thời.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/7-dau-hieu-phat-hien-benh-tim-mach-som-169231221084201585.htm