7 động tác dưỡng sinh đơn giản ai cũng nên làm để có sức khỏe toàn diện
Đây đều là những động tác dưỡng sinh bạn có thể tập luyện hàng ngày.
Ngồi lâu ít vận động, lười tập thể dục là những thói quen không tốt cho tuần hoàn khí huyết, dễ gây bệnh. Hãy cùng bắt đầu hành trình chăm sóc sức khỏe từ đầu đến chân với những động tác dưỡng sinh đơn giản do Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) giới thiệu.
Xoa tay và xoa mặt
Nghiên cứu cho thấy xoa mặt còn được gọi là "rửa mặt khô". Nếu xác định đúng huyệt vị, xoa mặt không chỉ làm chậm quá trình lão hóa, tỉnh táo tinh thần, điều hòa khí huyết mà còn giúp giảm sưng mặt.
Cách làm:
Đầu tiên, hai tay chà xát vào huyệt Lao cung cho nóng lên rồi đặt lên mắt. Huyệt này nằm ở trên đường vân nằm ngang trong lòng bàn tay. Khi nắm bàn tay lại, điểm đầu ngón tay giữa sẽ tiếp xúc với lòng bàn tay, đây chính là vị trí huyệt Lao Cung.

Hai tay chà xát vào huyệt Lao cung cho nóng lên rồi đặt lên mắt. (Ảnh: Sohu)
Sau đó, hai tay tách ra sang hai bên rồi hướng xuống dưới, chụm lại ở giữa và hướng lên trên.
Khi tay ở giữa, dùng ngón giữa ấn vào huyệt Nghinh hương (nằm trên khuôn mặt, sát hai bên cánh mũi và cách cánh mũi khoảng 0,8cm) hai bên mũi, từ từ di chuyển lên trên đến huyệt Tinh minh (gần mắt, cách phần đầu trong của góc mắt khoảng từ 0,1 đốt giữa của ngón tay trỏ) và Toản trúc (nằm ở chỗ lõm phía đầu trong của chân mày, thẳng ngay trên góc mắt, phía trên huyệt Tinh minh).
Tiếp tục xoa bóp lên huyệt Thần đình (xác định vị trí chân tóc phía trước và từ đó di chuyển ngón tay 0,5 khoát lên trên), hai tay tách ra xoa bóp hai bên huyệt Đầu duy (trên đường khớp trán và đỉnh, nằm trong mép tóc ở cả hai bên).
Lòng bàn tay hướng xuống, ngón cái đặt sau tai, ngón giữa và ngón trỏ đặt trước tai, dùng cả bàn tay xoa bóp xuống dưới.
Cuối cùng, trở lại huyệt Nghinh hương.
Xoa tai vào buổi sáng
Xoa tai vào buổi sáng giúp tỉnh táo, tăng cường trí nhớ, giãn mạch, hạ huyết áp cho người bị cao huyết áp.

Xoa tai vào buổi sáng giúp tỉnh táo, tăng cường trí nhớ. (Ảnh: Sohu)
Cách làm:
Đầu tiên, dùng hai lòng bàn tay ấn chặt vào hai lỗ tai, dùng ba đốt giữa của hai tay (ngón trỏ, ngón giữa và ngón áp út) gõ nhẹ vào xương chẩm 10 lần.
Tiếp theo, giữ lòng bàn tay ấn vào lỗ tai và các ngón tay ấn vào xương chẩm trong vài giây, sau đó đột ngột nhấc ra. Lặp lại động tác ấn tai và gõ xương chẩm như ban đầu.
Bài tập Kegel
Bài tập Kegel giúp bảo vệ sức khỏe đường ruột và hệ tiết niệu và hệ sinh sản.

Bạn có thể thực hiện bài tập Kegel ba lần một ngày. (Ảnh: Sohu)
Cách làm:
- Hãy chắc chắn rằng bàng quang của bạn trống rỗng.
- Siết chặt cơ sàn chậu và giữ trong 10 giây.
- Thư giãn các cơ trong 10 giây.
- Lặp lại 10 lần.
Bạn có thể thực hiện bài tập Kegel ba lần một ngày. Ban đầu, hãy siết chặt từ 3 đến 5 giây mỗi lần, dần dần tăng lên đến 10 giây.
Khi thực hiện bài tập này cần lưu ý một số vấn đề.
Có thể tập nâng mông ở tư thế ngồi, nằm hoặc đứng và cần xác định đúng nhóm cơ cần tập.
Các bác sĩ khuyên nên tập 3 lần mỗi ngày: sáng, trưa và tối, mỗi lần 10 nhịp.
Nhai và nuốt nước bọt
Động tác nhai và nuốt nước bọt giúp bổ thận khí, cải thiện chức năng tạng phủ, đồng thời có lợi cho việc thúc đẩy tuần hoàn máu vùng mặt và làm mờ quầng thâm mắt.

Động tác nhai và nuốt nước bọt giúp bổ thận khí, cải thiện chức năng tạng phủ. (Ảnh: Sohu)
Cách làm:
Đầu tiên, nhai đều hàm răng trên và dưới.
Trong quá trình nhai, nước bọt sẽ tự động tiết ra, không nên nhổ đi mà hãy nuốt xuống một cách tự nhiên. Nếu ít nước bọt, có thể dùng đầu lưỡi chạm vào vòm miệng để kích thích tiết nước bọt.
Lưu ý: Nếu răng không chắc, khi nhai cần chú ý lực và số lần, nên dừng lại khi thấy phù hợp.
Bước vắt chéo chân
Các bác sĩ cho biết, bước vắt chéo chân là động tác được toàn bộ cơ quan trong cơ thể yêu thích. Mỗi ngày bước vắt chéo chân không chỉ giúp luyện tập cơ bắp chân mà còn xoa bóp huyệt Thái xung (nằm ở phía trên mu bàn chân).
Điều này giúp thúc đẩy lưu thông khí huyết, cải thiện tình trạng khí huyết ứ trệ ở gan, giúp tinh thần thoải mái hơn.

Bước vắt chéo chân là động tác được toàn bộ cơ quan trong cơ thể yêu thích. (Ảnh: Sohu)
Cách làm:
Thực hiện động tác bằng cách lần lượt bước vắt chéo chân trái và phải, đồng thời giơ hai tay lên cao và chắp lại.
Vươn vai kéo giãn
Vươn vai giúp tăng tốc độ tuần hoàn máu, đồng thời thư giãn toàn bộ hệ thần kinh và cơ bắp, giảm căng thẳng cơ lưng, thúc đẩy quá trình trao đổi khí và chuyển hóa chất. Hãy cùng vươn vai để massage cho cột sống của bạn.

Vươn vai giúp tăng tốc độ tuần hoàn máu. (Ảnh: Sohu)
Cách làm:
Đầu tiên, hai chân dang rộng bằng vai, từ từ đưa hai tay lên cao qua đầu.
Sau đó, đan hai tay vào nhau, vươn người và từ từ hạ hai tay xuống hai bên thân.
Toàn bộ động tác bao gồm: duỗi thẳng cổ, giơ cao hai tay, hít thở sâu và mở rộng lồng ngực, duỗi thẳng lưng.
Xoa bụng và vỗ eo
Bạn có thường xuyên ngồi làm việc và ít vận động? Các bác sĩ cho biết việc thiếu vận động, ngồi lâu sẽ gây khó chịu cho cơ lưng, ảnh hưởng đến tuần hoàn máu, thậm chí có thể dẫn đến đau mỏi cơ lưng và yếu cơ chân. Bạn nên tập bài tập xoa bụng và vỗ lưng.

Xoa bụng theo chiều kim đồng hồ và ngược chiều kim đồng hồ giúp thúc đẩy hoạt động của các cơ quan nội tạng trong bụng. (Ảnh: Sohu)
Cách làm:
Đầu tiên, đặt hai tay chồng lên nhau trước bụng, tay phải ở ngoài, xoa bụng theo chiều kim đồng hồ, sau đó xoa tay xuống dưới hai lần.
Tiếp theo, đặt hai cẳng tay vào vị trí huyệt Thận du (nằm cách cột sống mỗi bên 1 cm từ gai của đốt sống thắt lưng thứ 2), xoa ra ngoài rồi vỗ nhẹ hai cái. Cuối cùng, xoa bụng ngược chiều kim đồng hồ và lặp lại các động tác còn lại.
Các bác sĩ cho biết xoa bụng và vỗ lưng có rất nhiều lợi ích. Xoa bụng theo chiều kim đồng hồ và ngược chiều kim đồng hồ giúp thúc đẩy hoạt động của các cơ quan nội tạng trong bụng.
Xoa tay xuống dưới bụng giúp thúc đẩy tuần hoàn máu ở dạ dày và cơ bụng. Xoa và vỗ huyệt Thận du giúp thư giãn cơ lưng, làm cho cơ lưng trở nên săn chắc và khỏe mạnh hơn, đồng thời có tác dụng bổ thận khí, tăng cường sức đề kháng.