7 kiểu nói chuyện khiến người khác khó chịu mà người EQ thấp lại tự cho là khôn khéo

Những người có EQ cao dù đi đến đâu cũng mang lại cảm giác dễ chịu và thân thiết cho người khác. Ngược lại, những người có EQ thấp, thường có cách nói chuyện khiến người khác cảm thấy bối rối và muốn tránh né.

Dưới đây là những kiểu nói chuyện của người có EQ thấp. Chỉ khi tránh những hành động này, bạn mới có thể thoải mái làm chủ được trong các mối quan hệ xã hội phức tạp.

1. Luôn tìm các đề tài để nói chuyện không ngừng

Những người như vậy luôn nói mà không suy nghĩ, bản thân còn chưa thấu đáo cặn kẽ mọi chuyện đã bắt đầu nói nhảm.

Khi tiếp xúc với kiểu người này trong tình huống thông thường, chúng ta có thể vui vẻ nhẹ nhàng giao tiếp mà không phải cẩn trọng quá nhiều.

Họ luôn tìm ra đề tài câu chuyện để nói không ngừng nên bầu không khí chẳng bao giờ trở nên tẻ nhạt, nhàm chán.

Tuy nhiên, nếu đặt trong những trường hợp quan trọng, những lời nói nhảm vô nghĩa có thể gây mất thời gian, gián đoạn sự tập trung, tạo ra cảm giác khó chịu mà người ta khó lòng thoát khỏi.

Mà đôi khi, họ cũng có thể vô tình nói lỡ, tiết lộ những điều không nên, dễ tạo thành những rắc rối không cần thiết.

Người EQ thấp luôn tìm ra đề tài câu chuyện để nói không ngừng nên bầu không khí chẳng bao giờ trở nên tẻ nhạt, nhàm chán. Ảnh minh họa

Người EQ thấp luôn tìm ra đề tài câu chuyện để nói không ngừng nên bầu không khí chẳng bao giờ trở nên tẻ nhạt, nhàm chán. Ảnh minh họa

2. Sĩ diện

Trong cuốn sách của mình, doanh nhân Hannel đã từng viết về một trợ lý tên Sofia. Sofia là một sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Harvard, năng lực nổi trội và được Hannel đánh giá cao.

Trong một sự kiện quan trọng, Sofia đã khẩn trương soạn thảo một bài phát biểu. Tuy nhiên, bài phát biểu sau đó của Hannel hoàn toàn khác so với nội dung bản thảo mà Sofia viết.

Phát biểu xong, Hannel ném bản thảo trước mặt trợ lý và nói: "Lần sau viết rõ ràng hơn nhé".

Sofia lập tức đỏ mặt, cảm thấy xấu hổ và mất thể diện, liền tức giận, hét toáng lên: "Tôi viết như vậy, nhận không ra thì là vấn đề của ông!"

Sau đó, cô giận dữ quay người bỏ đi.

Sáng hôm sau, Sofia nhận được thông báo từ công ty: "Cô đã bị sa thải".

Trong cuộc sống, những người quá nhạy cảm, "da mặt mỏng" thường không chịu nổi khi bị người khác chỉ trích. Họ có thể tức giận, mất bình tĩnh trong tình huống không phù hợp, làm mối quan hệ ngày càng trở nên căng thẳng, cả hai bên đều không vui vẻ.

Nhưng những người có EQ cao thực sự sẽ biết mỉm cười đón nhận sự chỉ trích, lời nhận xét, góp ý từ người khác.

Nếu bạn luôn nghĩ rằng thể diện quan trọng hơn tất cả và không chịu nổi lời nhận xét, chỉ trích của người khác, bạn sẽ thường xuyên rơi vào tình trạng tức giận. Mở rộng lòng mình ra một chút, bạn mới có thể dễ dàng đối mặt với thế giới ồn ào.

3. Hỏi ngược

Giọng điệu chất vấn, hỏi ngược thường thể hiện sự phủ định mạnh hơn cả giọng điệu nghi ngờ, hơn nữa còn hàm chứa sự không hài lòng, thậm chí là khinh thường đối phương.

Một số mẫu câu ví dụ như: "Không phải tôi đã nói với cậu rồi sao?", "Việc đơn giản như vậy mà cậu cũng không làm tốt được à?"...

Ẩn ý của giọng điệu hỏi ngược này là: Tôi đúng và bạn sai.

Khi một người thường xuyên dùng mẫu câu chất vấn, hỏi ngược với thái độ bề trên, đây chính là biểu hiện phổ biến của người có EQ thấp.

Theo tâm lý học, những người luôn coi mình là trung tâm và không quan tâm đến cảm xúc của người khác thuộc nhóm có trí tuệ cảm xúc thấp điển hình.

4. Khoe khoang thể hiện

Dân gian có câu: "Chân nhân bất lộ tướng" nghĩa là những người tài giỏi thường ít thể hiện ra bên ngoài.

Họ là những người rất giỏi giang, ở một trình độ cao nhưng rất bình thản, không thể hiện ra dù họ có những tiềm năng rất lớn.

Ngược lại, "thùng rỗng kêu to", kẻ càng ít bản lĩnh lại càng thích nói chuyện khoe khoang, nỗ lực thể hiện sự giỏi giang của mình.

Họ không biết rằng, chính tính cách tự cao tự đại, không biết khiêm nhường này đã thể hiện trình độ EQ thấp, khiến người khác tránh xa.

5. Quá thẳng thừng

Bạn đã bao giờ nghe câu này chưa: "Tôi nói chuyện khó nghe, đừng để bụng nhé", "Tôi nói gay gắt vậy thôi, nhưng không có ý xấu đâu".

Trong cuộc sống, có rất nhiều người cho rằng nói thẳng là một ưu điểm, nghĩ gì nói đó, hoàn toàn không để ý đến cảm xúc của người khác và kết quả là làm tổn thương người khác mà không hay biết.

Điều họ gọi là "thẳng thắn" chỉ đơn giản là không muốn mất công suy nghĩ về cảm xúc của người khác.

Những người tự cho mình là thẳng thắn như vậy thường không quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc của người khác.

Trong cuộc sống hàng ngày, có rất nhiều mối quan hệ tốt đẹp bị phá vỡ chỉ vì vài lời nói.

Bạn giữ trong mình sự thấu cảm, suy nghĩ nhiều hơn cho cảm xúc của người khác, thì lời nói tự nhiên sẽ trở nên ấm áp và dễ chịu hơn.

Học cách nói chậm lại một chút, suy nghĩ kỹ trước khi nói, đối phương cũng sẽ lắng nghe bạn cẩn thận hơn và mối quan hệ sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

Trong cuộc sống hàng ngày, có rất nhiều mối quan hệ tốt đẹp bị phá vỡ chỉ vì vài lời nói. Ảnh minh họa

Trong cuộc sống hàng ngày, có rất nhiều mối quan hệ tốt đẹp bị phá vỡ chỉ vì vài lời nói. Ảnh minh họa

6. Thờ ơ

Nhiều cặp đôi khi cãi nhau, vì lười giải thích, họ thích nói: "Anh/Em nghĩ sao thì tùy".

Và kiểu giọng điệu thờ ơ này sẽ khiến đối phương cảm thấy người nói không để ý đến cảm xúc của mình, người nghe câu này chỉ càng thêm tức giận.

Nói chuyện là một quá trình giao tiếp hai chiều, và giọng điệu thờ ơ chắc chắn truyền tải tín hiệu không muốn giao tiếp với bên kia.

Vì vậy, chúng ta phải tránh sử dụng giọng điệu thờ ơ khi nói chuyện với người khác.

7. Sợ từ chối

Nhà văn Nhật Bản Osamu Dazai từng nói: "Sự bất hạnh của tôi chính là nằm ở chỗ tôi không có khả năng từ chối. Tôi luôn sợ một khi từ chối người khác sẽ để lại trong lòng nhau một vết nứt không bao giờ lành".

Bản chất con người là tốt và chúng ta đều không muốn từ chối yêu cầu, lời nhờ vả của người khác. Nhưng nếu yêu cầu nào bạn cũng đồng ý ngay lập tức, thường sẽ khiến bạn rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Cuộc sống vốn dĩ không dễ dàng, nhiều khi bạn bỏ ra thời gian quý báu của mình, đôi khi sẽ có người lợi dụng lòng tốt này của bạn.

Một người không dám từ chối, dễ bị thuyết phục bởi những yêu cầu, cuối cùng không chỉ tự làm tổn thương mình mà còn có thể khiến người khác không tôn trọng sự giúp đỡ của bạn.

Hãy hiểu rằng, bạn cho một chút là tình cảm, nhưng cho quá nhiều lại thành món nợ và trách nhiệm.

Nếu bạn luôn chấp nhận mọi yêu cầu, lời nhờ vả, nhiều người sẽ không ngần ngại lợi dụng bạn. Chỉ khi biết cách từ chối trong những trường hợp cần từ chối, lòng tốt của bạn mới có giá trị.

Lòng tốt của bạn cần có thêm đôi phần sắc sảo. Trong nhiều trường hợp, bạn cần sẵn sàng đồng ý, giúp đỡ, nhưng cũng có những trường hợp bạn nên "nói không".

Tường Vy (t/h)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/7-kieu-noi-chuyen-khien-nguoi-khac-kho-chiu-ma-nguoi-eq-thap-lai-tu-cho-la-khon-kheo-172241128163944475.htm