Cách một ngày, bệnh viện ở TP.HCM lại thực hiện một ca ghép gan
Chỉ trong 6 ngày, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) thực hiện được 3 ca ghép gan, tiến tới ghép tạng mỗi ngày.
Ngày 28/11, tại Hội nghị khoa học ghép tạng trẻ em của Bệnh viện Nhi đồng 2, Phó giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, cho biết cứ cách một ngày, bệnh viện thực hiện được một ca ghép gan, đây là điều kỷ lục.
Ba ca ghép gan này là 3 bệnh nhi mắc bệnh lý teo đường mật, đã phẫu thuật Kasai và được chỉ định ghép gan.
Cụ thể, bệnh nhi thứ nhất là bé gái N.Đ.H.M., 3 tuổi, ngụ Bình Dương, bệnh nhi thứ hai là bé trai N.X.Đ., 1 tuổi, ngụ TP.HCM, và người cuối cùng là bé trai T.Q.H., 1 tuổi, ở Bình Phước.
Sau ghép gan, các bác sĩ đánh giá bước đầu cả 3 ca đều thành công. Hiện, các em đều ổn định, không sốt và dần hồi phục, được cho tập ăn trở lại.
Theo bác sĩ Thạch, trung tâm ghép tạng kỹ thuật cao của bệnh viện đang được xây dựng đúng tiến độ. Bệnh viện liên tục cử các bác sĩ, kỹ thuật viên đi học bên Úc, Bỉ. Bệnh viện cũng mời các giáo sư quốc tế và trong nước đến để tăng cường số ca ghép.
Nếu không có gì thay đổi, dịp chào mừng 30/4 và 1/5/2025, bệnh viện sẽ khánh thành Trung tâm Ghép tạng Kỹ thuật cao. Mục tiêu đến khi khánh thành sẽ cán mốc 50 ca ghép gan.
"Bây giờ bệnh viện có thể thực hiện nhiều ca ghép tạng, nhưng ê-kíp hồi sức, phòng mổ đang quá tải", bác sĩ Thạch nói.
Do đó, bệnh viện vừa tăng tốc ghép nhưng phải điều phối ghép để đảm bảo nhu cầu ghép cho bệnh nhân, vừa đảm bảo tính an toàn về khả năng chịu tải của bệnh viện.
Sau khi Trung tâm ghép tạng khánh thành, với cơ sở vật chất hiện đại, số lượng phòng mổ được đáp ứng, bệnh viện sẽ ghép tạng ở tốc độ tối đa, dự kiến mỗi tháng số lượng ghép sẽ tăng lên mười mấy ca. Lúc đó, hoạt động ghép tạng của bệnh viện sẽ trở thành thường quy, hướng tới mỗi ngày đều có ca được ghép.
Tính đến tháng 9, Việt Nam có khoảng hơn 9.000 ca ghép tạng, trong đó ghép thận chiếm 91,6%, tiếp đến là ghép gan cũng tăng lên.