7 loại thuốc nên tránh dùng chung với cà phê
Thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị tuyến giáp, thuốc điều trị loãng xương… là những loại thuốc đại kỵ với cà phê nên cần cẩn trọng khi dùng chung.
Caffeine trong cà phê có thể làm thay đổi tốc độ cơ thể hấp thụ, chuyển hóa hoặc đào thải thuốc. Cụ thể, caffeine có thể đẩy nhanh quá trình làm rỗng dạ dày, khiến thuốc đi qua hệ tiêu hóa quá nhanh trước khi được hấp thụ hết.
Đồng thời, caffeine cạnh tranh với một số loại thuốc sử dụng cùng loại enzyme gan (như CYP1A2) để chuyển hóa, dẫn đến việc nồng độ thuốc trong máu có thể tăng hoặc giảm bất thường, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị hoặc gây tác dụng phụ.

Thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị tuyến giáp, thuốc điều trị loãng xương… là những loại thuốc đại kỵ với cà phê nên cần cẩn trọng khi dùng chung. Ảnh: PHƯƠNG LÊ.
Dưới đây là 7 loại thuốc mà các chuyên gia y tế đặc biệt cảnh báo không nên dùng chung hoặc dùng quá gần thời điểm uống cà phê.
Thuốc chống trầm cảm
Đây là loại thuốc đại kỵ với cà phê, bởi nó ảnh hưởng đến sự hấp thu và chuyển hóa của một số loại thuốc chống trầm cảm như escitalopram (Lexapro), clomipramine và imipramine. Caffeine có thể tạo phức hợp khiến cơ thể khó hấp thụ thuốc, làm giảm hiệu quả điều trị. Hoặc, do cạnh tranh enzyme chuyển hóa, thuốc có thể ở lại trong máu lâu hơn, làm tăng nồng độ và có thể gây tác dụng phụ như bồn chồn, lo lắng – vốn cũng là tác dụng phụ của caffeine.
Thuốc điều trị tuyến giáp
Các nghiên cứu chỉ ra rằng cà phê có thể làm giảm đáng kể sự hấp thụ levothyroxine, thậm chí tới 50%. Điều này dẫn đến nồng độ hormone tuyến giáp không ổn định, khiến các triệu chứng mệt mỏi hay "sương mù não" kéo dài. Lời khuyên là nên uống thuốc điều trị tuyến giáp với nước lọc và đợi ít nhất 30-60 phút sau mới uống cà phê.
Thuốc điều trị loãng xương
Các loại thuốc điều trị loãng xương như risedronate và alendronate cần được hấp thụ tối ưu để có hiệu quả. Cà phê (dù có caffeine hay không) hay thậm chí sữa, nước trái cây đều có thể làm giảm khả năng hấp thụ của thuốc này. Nguyên tắc an toàn nhất là luôn dùng thuốc loãng xương chỉ với nước lọc và lúc bụng đói theo chỉ định của bác sĩ.
Thuốc trị cảm lạnh và dị ứng chứa pseudoephedrine
Pseudoephedrine (thường có trong các thuốc thông mũi) cũng là một chất kích thích, giống như caffeine. Dùng chung cả hai có thể làm tăng đáng kể các tác dụng phụ như bồn chồn, lo lắng, tim đập nhanh. Người bị tiểu đường cần đặc biệt cẩn trọng vì sự kết hợp này có thể làm tăng đường huyết và nhiệt độ cơ thể.
Thuốc chống loạn thần
Một số thuốc chống loạn thần như clozapine, haloperidol hoặc olanzapine có thể bị ảnh hưởng bởi cà phê trong quá trình chuyển hóa tại gan. Caffeine cạnh tranh enzyme chuyển hóa với clozapine, khiến nồng độ thuốc trong máu tăng cao đột ngột, có thể gây nguy hiểm. Việc điều chỉnh thời gian dùng thuốc và uống cà phê là cần thiết.
Thuốc điều trị hen suyễn (như Theophylline, Aminophylline)
Đây là các thuốc giúp giãn đường thở. Tác dụng phụ thường gặp của chúng là buồn nôn, nhức đầu, bồn chồn. Caffeine cũng có tác dụng kích thích tương tự. Dùng cà phê cùng lúc có thể làm tăng cường các tác dụng phụ này, gây khó chịu cho người bệnh.
Thuốc làm loãng máu
Đây là loại thuốc đại kỵ với cà phê vì caffeine có thể làm chậm quá trình đông máu, tăng nguy cơ chảy máu hoặc bầm tím, đặc biệt khi dùng chung với thuốc làm loãng máu. Ngoài ra, cà phê có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ của một số loại thuốc làm loãng máu khác như aspirin, có khả năng làm tăng nồng độ thuốc trong máu đột ngột.
Nguồn PLO: https://plo.vn/7-loai-thuoc-nen-tranh-dung-chung-voi-ca-phe-post849854.html