7 lý do làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng cao tốc Hòa Liên – Túy Loan

Lãnh đạo Sở TN&MT Đà Nẵng nêu bảy lý do làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng cao tốc Hòa Liên Túy Loan.

Tại buổi họp báo quý 2-2024 của UBND TP Đà Nẵng sáng 6-8, Phó Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng Võ Nguyên Chương lý giải các nguyên nhân làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án cao tốc Hòa Liên – Túy Loan.

Theo ông Chương, tuyến đường dài 11,5 km với tổng hồ sơ cần giải tỏa là 1.216 hồ sơ, 3.275 ngôi mộ, đây là con số không hề nhỏ. Dự án đi qua địa bàn ba xã Hòa Sơn, Hòa Nhơn và Hòa Liên của huyện Hòa Vang.

Văn bản pháp lý chậm, sức ép về tiến độ

Theo vị này, có bảy lý do gây chậm tiến độ. Thứ nhất, văn bản pháp lý chậm. HĐND TP Đà Nẵng thông qua Nghị quyết cuối năm 2023. Năm 2024 mới chính thức có hồ sơ để giải quyết.

Thứ hai là sức ép về tiến độ. Ban đầu Chính phủ cho thời hạn 30-9-2024, sau rút còn 30-6. Tức TP chỉ giải quyết khối lượng hồ sơ giải tỏa lớn như vậy trong vòng sáu tháng và cùng lúc phải giải quyết hai dự án là cao tốc và hoàn thiện đường gom hai bên.

 Cao tốc Hòa Liên – Túy Loan dài 11,5 km. Ảnh: TẤN VIỆT

Cao tốc Hòa Liên – Túy Loan dài 11,5 km. Ảnh: TẤN VIỆT

Thứ ba, tại dự án thiếu đất tái định cư. Có 272 hồ sơ là đất ở với nhu cầu hơn 792 lô đất tái định cư, trong khi các dự án tái định cư triển khai chậm. Đây là một trong những điểm nghẽn rất lớn, rất khó cho Hội đồng GPMB huyện Hòa Vang khi vận động nhân dân, giải tỏa đi mà chưa có đất tái định cư.

Thứ tư, địa bàn xã Hòa Sơn không có khu tái định cư tại chỗ để bố trí cho dân. Trong khi đa số người dân theo công giáo, nhu cầu sinh hoạt tôn giáo gắn liền với nhà thờ.

Thứ năm, trước đây có nhiều dự án đã thu hồi hiện cần nhiều thời gian truy xuất các hồ sơ cũ để đảm bảo tính khách quan, công bằng, không đền bù chồng đối với phần diện tích đã thu hồi.

Cụ thể là dự án đường dây 500KV Đà Nẵng – Hà Tĩnh, vệt kẹp giữa hai dự án đường dây 500KV và dự án đường tránh Nam Hải Vân, dự án nghĩa trang Hòa Sơn giai đoạn 4. Trước đây đã giải tỏa nhưng các ban lưu hồ sơ mỗi nơi mỗi kiểu, kể cả bộ phận lưu trữ lịch sử của TP nên cần thời gian để sao lục hồ sơ.

Thứ sáu là số lượng mồ mã cần di dời rất lớn. Đây là yếu tố tâm linh, phải đạt được sự đồng thuận của người dân chứ không thể nói là cưỡng chế được. Cuối cùng là giải quyết các hồ sơ xây nhà trên đất không phải đất nông nghiệp.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc, tiếp dân suốt ngày đêm

 Công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan gần về đích. Ảnh: TẤN VIỆT

Công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan gần về đích. Ảnh: TẤN VIỆT

Trực tiếp tham gia cùng huyện Hòa Vang trong công tác GPMB, ông Võ Nguyên Chương cho hay cảm nhận rất rõ việc cả hệ thống chính trị vào cuộc cho dự án này.

Công tác tiếp dân làm thường xuyên, liên tục kể cả thứ bảy, chủ nhật, tiếp dân cả ngày lẫn đêm, tiếp dân ở hiện trường. Đây là dự án đầu tiên mà ba lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang đều trực tiếp tiếp dân với ba xã có dự án đi qua.

Tính đến 30-6, toàn dự án đã bàn giao được 88,5% hồ sơ đất, bàn giao 10,05/11,5 km, đảm bảo mặt bằng để nhà thầu thi công đến hết năm 2024.

Ngoài ra, Sở TN&MT TP Đà Nẵng đã rút giảm được 232 văn bản hành chính chỉ trong một tháng là các văn bản trao đổi chuyên môn giữa sở với các phòng ban, huyện, xã.

Riêng hồ sơ xác nhận làm nhà trên đất không phải là đất ở đã tập trung giải quyết được 19 hồ sơ. Đây là bước đột phá sau khi có chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng cho phép áp dụng trước quy định của pháp luật đất đai đối với dự án đặc biệt này.

Tấn Việt

Nguồn PLO: https://plo.vn/7-ly-do-lam-cham-tien-do-giai-phong-mat-bang-cao-toc-hoa-lien-tuy-loan-post803899.html