7 món ăn, bài thuốc từ long nhãn bồi bổ sức khỏe

Từ xa xưa, quả nhãn đã là một vị thuốc quen thuộc với tác dụng phòng và điều trị nhiều loại bệnh tật. Trong cuộc sống hằng ngày, ngoài cách ăn trực tiếp, nhãn cũng có thể sử dụng làm nguyên liệu cho nhiều món ăn, vừa ngon miệng, vừa có lợi cho sức khỏe.

1. Tác dụng của nhãn với sức khỏe

Nhãn là loại quả sử dụng phổ biến trong Đông y với các tên gọi long nhãn, quế viên. Nhãn có vị ngọt, tính ấm, có tác dụng bổ ích tâm tỳ, dưỡng huyết an thần, tăng cường ký ức… Đông y thường sử dụng nhãn trong các bài thuốc điều trị các chứng tâm tỳ hư sinh ra mất ngủ, hay quên, hay hồi hộp, đánh trống ngực; giúp tăng cường trí nhớ, tiêu trừ mệt mỏi, bổ huyết, cải thiện tình trạng huyết hư, thiếu máu.

Ngoài ra nhãn cũng được xem là loại thuốc có tác dụng tư âm bổ thận, làm đẹp da, giúp da dẻ tươi nhuận, tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể… Nhãn cũng là loại quả có giá trị dinh dưỡng cao. Theo các nghiên cứu khoa học hiện đại, trong quả nhãn có tỷ lệ đường glucose, fructose cao, có khả năng cung cấp năng lượng nhanh.

Nhãn cũng rất giàu vitamin C, vitamin B1, B2. Bên cạnh đó, quả nhãn còn chứa nhiều khoáng chất thiết yếu như sắt, kali, photpho, magie, canxi; có chất xơ giúp hỗ trợ tiêu hóa và một lượng nhỏ protein. Đặc biệt, nhãn còn chữa một số hoạt chất có tác dụng chống oxy hóa như polyphenol, axit gallic, axit ellagic.

Như vậy, theo các tài liệu Đông y truyền thống và các nghiên cứu khoa học hiện đại, nhãn có những tác dụng rất đáng quý như:

An thần, cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Tốt cho hệ thần kinh, giúp cải thiện trí nhớ, ngăn ngừa bệnh trầm cảm.
Tăng tuổi thọ, chống lại các gốc tự do, giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.
Cung cấp lượng lớn vitamin C.
Giúp hình thành collagen, làm đẹp da, tốt cho sụn, cơ và xương…

Quả nhãn được sử dụng trong nhiều bài thuốc giúp trị bệnh, tăng tuổi thọ.

Quả nhãn được sử dụng trong nhiều bài thuốc giúp trị bệnh, tăng tuổi thọ.

2. Một số món ăn - bài thuốc từ long nhãn

Long nhãn là là loại nhãn bóc vỏ bỏ hạt sấy khô. Dưới đây là một số món ăn, bài thuốc có sử dụng nguyên liệu này:

2.1 Trà long nhãn kỷ tử

Thành phần: Long nhãn khô, kỷ tử.

Công dụng: Bổ gan thận, sáng mắt, an thần.
Cách dùng: Pha trà uống thay nước hàng ngày.

2.2 Chè long nhãn hạt sen

Thành phần: Long nhãn khô, hạt sen, đường phèn.

Công dụng: Dưỡng tâm an thần, ích khí bổ huyết.
Cách dùng: Hầm nhừ ăn nóng hoặc để nguội, dùng 2–3 lần/tuần.

2.3 Cháo long nhãn táo đỏ

Thành phần: Long nhãn, táo đỏ, gạo nếp.

Công dụng: Bổ huyết dưỡng tâm, trị mất ngủ.
Cách dùng: Nấu thành cháo, ăn vào buổi sáng hoặc buổi tối trước khi ngủ.

2.4 Cháo long nhãn, hoài sơn

Thành phần: Hoài sơn, gạo tẻ, long nhãn.

Công dụng: Kiện tỳ ích khí, bổ thận.
Cách dùng: Các nguyên liệu nấu thành cháo, ăn sáng hoặc tối, thích hợp cho người tiêu hóa kém.

2.5 Canh long nhãn thập toàn đại bổ

Thành phần: Long nhãn, nhân sâm, bạch truật, đương quy, thục địa, táo đỏ...

Công dụng: Đại bổ khí huyết, dùng cho người mới ốm dậy
Cách dùng: Các nguyên liệu hầm chung với chân giò hoặc thịt gà, dùng tuần 1 lần.

2.6 Long nhãn hầm trứng gà

Thành phần: Trứng gà, long nhãn, đường phèn.
Công dụng: Dưỡng tâm, an thần, bổ huyết.
Cách dùng: Hấp hoặc hầm cách thủy, ăn nóng.

2.7 Rượu long nhãn đương quy

Thành phần: Long nhãn, đương quy, hoàng kỳ, đảng sâm, rượu gạo.
Công dụng: Bổ khí ích huyết, hoạt huyết, điều kinh.
Cách dùng: Ngâm rượu trong 1 tháng rồi dùng 15–20ml/ngày.

Long nhãn có tính ôn, nếu ăn quá nhiều dễ gây nóng trong, dẫn đến khó chịu ở đường hô hấp, tiêu hóa hoặc tiết niệu. Do đó, nên dùng với lượng vừa phải, chia nhỏ và ăn ít mỗi lần. Phụ nữ mang thai, người mắc đái tháo đường, người có thể chất đàm thấp nên thận trọng khi dùng long nhãn.

Mời bạn xem tiếp video:

Long nhãn - vị thuốc quý giúp an thần, cải thiện giấc ngủ | SKĐS

BS. Nguyễn Huy Hoàng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/7-mon-an-bai-thuoc-tu-long-nhan-boi-bo-suc-khoe-169250715103433756.htm