7 tháng 5 - nhớ Điện Biên
Theo tư liệu, trước khi trận Điện Biên Phủ (ĐBP) năm 1954 diễn ra, từ năm 1950 trở đi, các tướng chỉ huy quân đội Pháp nối nhau "nếm trái đắng", khiến Chính phủ Pháp phải liên tục thay thế tướng tư lệnh. Đầu tiên là tướng Carpentier bị thay thế bởi tướng 5 sao được coi là người hùng giải phóng nước Pháp khỏi ách phát-xít Đức, có cái tên dài ngoằng: Jean de Lattre de Tassigny (Đờ Lát) - Tư lệnh tập đoàn quân số 1. Nhưng khi đã nắm quyền lực Tổng chỉ huy kiêm Cao ủy Đông Dương, Đờ Lát cũng chẳng hơn gì người tiền nhiệm; nhân vật quyền lực số 1 ở Đông Dương này còn có cái đau nữa là phải đón xác đứa con trai độc nhất của mình - đại úy Bernard de Lattre, tử trận ở Ninh Bình vào đêm 29/5/1951. Đến ngày 01/6/1951, Đờ Lát phải trao quyền binh lại cho tướng Salan, rồi cuốn gói lên máy bay về Pháp cùng với xác chết của con trai!
Tưởng đâu Salan sẽ lấy lại được uy thế ở Đông Dương, nào ngờ, viên tướng này vẫn tiến lên không nổi khiến Pháp phải đưa tướng 4 sao Henri Navarre (Nava) - Tham mưu trưởng lục quân khối NATO, đang ở Trung Âu sang thay. Viên tướng cáo già được cả Chính phủ Pháp, Mỹ và Liên Âu tin tưởng, kỳ vọng nhiều nhất này liền giở hết “phép” ra bài binh bố trận, cho máy bay thả dù đủ sắc lính viễn chinh và phương tiện chiến tranh xuống ĐBP, bố trí “ma trận” 9 cứ điểm cực kỳ hiểm độc trên các núi rừng, thung lũng và đồng bằng ĐBP, hòng gài bẫy nhử quân Việt Minh. Rồi Nava đưa mắt xanh nhắm tới viên đại tá quý tộc De Castries (Đờ Cát), ban cho anh ta cái lon thiếu tướng - theo ý của Mỹ và giao nhiệm vụ Tổng chỉ huy tập đoàn cứ điểm ĐBP. Đứng trên bục nhậm chức, Đờ Cát vênh mặt hí hửng nói một cách cao ngạo thách đố: “Chỉ sợ Việt Minh không dám đến đánh thôi”(!?).
Thế nhưng, Việt Minh không chỉ dám đến mà còn đến ở thế “thượng phong”. Sách Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử của Võ Nguyên Giáp (NXB Chính trị Quốc gia, 2004) đã viết: “Hướng chuẩn bị của ta là đánh công kiên tập đoàn cứ điểm (…). Mỗi ngày, tôi càng nhận thấy rõ là không thể đánh nhanh được. Lời Bác dặn trước lúc lên đường và Nghị quyết Trung ương hồi đầu năm lại văng vẳng bên tai: “Chỉ được thắng, không được bại, vì bại thì hết vốn (…). Đến ngày 25/1/1954, tôi không sao chợp mắt. Đầu đau nhức. Đồng chí Thùy, y sĩ, buộc lên trán tôi một nắm ngải cứu…” (sđd). Lựa chọn sau cùng của Đại tướng Tổng tư lệnh là chuyển từ phương án “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc thắng chắc”. Đại tướng đã thấy khó khăn của bộ đội ta: Mới chỉ đánh và thắng ở cấp tiểu đoàn và dưới tiểu đoàn; trận này ta không có máy bay, xe tăng nhưng đánh hiệp đồng binh chủng bộ binh, pháo binh với quy mô lớn lần đầu mà lại chưa qua diễn tập; Từ trước tới nay, bộ đội ta chỉ quen tác chiến ban đêm, ở những địa hình dễ ẩn náu; Chủ lực ta chưa có kinh nghiệm công kiên ban ngày trên trận địa bằng phẳng, với một kẻ địch có ưu thế máy bay, pháo binh và xe tăng. Trận đánh sẽ diễn ra trên một cánh đồng dài 15km, rộng 6-7km...
Trong bài viết Gặp Trung tướng Lê Nam Phong - “Đại đội trưởng (ĐĐT) đầu trọc” của Phạm Xuân Trường (ghi theo lời kể trận ĐBP của Trung tướng Lê Nam Phong), đã kể lại một góc của toàn cảnh trận ĐBP: Do ở ĐBP suốt ngày đêm dầm mưa đào hào, đánh lấn, ĐĐT nảy ra sáng kiến: Cạo trọc đầu, vừa thể hiện quyết tâm chiến đấu, vừa cho mát; lúc đánh giáp lá cà không bị lính Pháp cao hơn túm tóc. Sáng kiến này ngay lập tức được cả đại đội hưởng ứng, loáng cái, ai nấy đầu trọc lốc. Từ đó, Đại đội 225 có tên “Đại đội đầu trọc” và ĐĐT Lê Nam Phong là “ĐĐT đầu trọc”. Đại đội 225 thuộc Tiểu đoàn 322, Trung đoàn 88, Đại đoàn 308, xáp trận luôn phải bổ sung quân số, súng đạn, trang bị mà vẫn thiếu. Nhiều chiến sĩ mới, ĐĐT chưa kịp nhớ tên đã vĩnh viễn nằm xuống... Như các đơn vị khác, Đại đội 225 phải đào hào ngầm để tiếp cận sào huyệt địch rồi chui lên đánh.
Sau chiến thắng Him Lam đêm 14 rạng 15/3/1954, Trung đoàn 88 của Đại đoàn 308 vinh dự nhận nhiệm vụ đánh cứ điểm Độc Lập với sự phối hợp của Trung đoàn 165, Đại đoàn 312 dưới sự chi viện hỏa lực của 2 đại đội pháo 105 ly thuộc Đại đoàn 351. Đồi Độc Lập dài 700m, rộng 150m, ở phía Bắc, cách trung tâm Mường Thanh 4km, có hệ thống lô-cốt và chiến hào vững chắc; hàng rào thép gai bao bọc trên 100m, do Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 7 Bộ binh ở Mường Thanh - Hồng Cúm chi viện.
15 giờ ngày 14/3/1954, ta đã hoàn tất việc đào hào để tiến quân, điểm gần nhất đã tới cách địch 150m. Tiểu đoàn 29 làm mũi đột kích chủ yếu của Trung đoàn 88, có Tiểu đoàn 322 làm đội dự bị. Đại đội Tô Văn là mũi nhọn của Tiểu đoàn 29. Đại đội 225 do ĐĐT Lê Nam Phong chỉ huy là đội xung kích - bộc phá của Tiểu đoàn 322 đánh hướng thứ yếu. 17 giờ, lựu pháo 105 của ta bắn vào khu đồi Độc Lập, lập tức địch ở Mường Thanh bắn trả lại cho tới nửa đêm; lựu pháo của ta phải bắn kéo dài để chờ sơn pháo 75 ly và cối 120 ly đến. Do vậy, bộ đội ta phải chịu nhiều đợt pháo 105 ly và 155 ly của địch dội xuống trận địa trong nhiều giờ liền. Trời mưa như trút nước, hào giao thông ngập nước, bùn quến lại, di chuyển rất khó khăn. Sau khi sơn pháo 75 ly và cối 120 ly chiếm lĩnh xong trận địa, 3 giờ 15 phút ngày 15/3, lệnh của Chỉ huy trưởng truyền xuống: Chuẩn bị lựu pháo để bắn dồn dập thêm một loạt nữa... Và đúng 3 giờ 30 phút, từ phía Đông, pháo 105 ly đã gầm lên, trút bão lửa xuống đồi Độc Lập.
Ở tuyến hỏa lực bắn trực tiếp, cách đồn địch 100m, 10 khẩu đội Bazoka đồng loạt phóng đạn lõm vào các hỏa điểm, 9 khẩu ĐKZ cùng 6 khẩu đại liên Mắcxim cùng bắn thẳng cứ điểm... Trời đất rung chuyển. Khói lửa trùm lên đồi Độc Lập mịt mù. "Đại đội đầu trọc" 225 cùng các đơn vị phối hợp xông lên đánh bộc phá, dọn đường qua bãi mìn và kẽm gai. Quân địch trong các lô-cốt chống trả quyết liệt với quân ta. Quân ta phối hợp đánh tiêu diệt sở chỉ huy và tiểu đoàn Âu - Phi của địch. ĐĐT đại đội 213 - Nguyễn Phạm dùng súng ngắn bắn hạ 3 tên địch rồi bị trúng đạn của địch, ngã xuống chiến trường trước khi ta tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Độc Lập vào lúc 6 giờ 30 phút ngày 15/3/1954.
Trận ĐBP diễn ra suốt 55 ngày đêm. Tới chiều ngày 07/5/1954 kết thúc bằng hình ảnh viên tướng Tổng chỉ huy De Castries cầm “can” chỉ huy toàn bộ Bộ chỉ huy cứ điểm ra khỏi hầm chỉ huy của y để đầu hàng. Trong khi đó, hơn 14 ngàn quân Pháp, quân Lê - Dương và lính Âu - Phi từ các hướng trên 9 cứ điểm đồng loạt cầm cờ trắng cúi đầu ra hàng trước họng súng giơ cao của chiến sĩ Việt Minh. Đến đây, kế hoạch Nava coi như bị phá sản hoàn toàn... Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện về Trung ương Đảng và Chính phủ báo cáo quân ta đã toàn thắng ở ĐBP. Sau đó, Đại tướng nhận được thư của Bác Hồ khen ngợi các lực lượng tham gia Chiến dịch ĐBP và căn dặn: “Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng lợi mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn...”.
oOo
Mới đó mà đã 18 năm trôi qua kể từ lần đầu tiên người viết “về nguồn” nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng ĐBP (ngày 07/5/1954 – 07/5/2004). Lúc đó vừa mới thành lập tỉnh Điện Biên (sáp nhập Lai Châu vào ĐBP). Trên “chảo lửa” của chiến trường xưa, nay là thủ phủ tỉnh Điện Biên với một thành phố rất tươi trẻ mọc lên giữa đại ngàn. Cứ điểm Mường Thanh nay là vựa lúa lớn, góp phần cơm no cho các dân tộc miền Tây Bắc. ĐBP ngày nay là một địa chỉ du lịch bởi có nhiều di tích lịch sử và giàu tính đa dạng văn hóa. Về đây vào mùa xuân để ngắm hoa ban nở trắng núi đồi và khắp các bản làng. Lễ hội Hoa ban quy tụ thanh xuân gái Thái với khăn piêu cùng điệu múa xòe và tiếng ca sơn nữ đầy quyến rũ.../.
Quang Hảo
------------------------------
Trong bài có sử dụng tư liệu của Tạp chí Xưa&Nay và Hồn Việt
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/7-thang-5-nho-dien-bien-a135006.html