7 yếu tố dẫn tới bệnh sởi diễn tiến nặng, nguy cơ tử vong cao

Theo Bộ Y tế, những trường hợp sau mắc sởi, có nguy cơ bệnh diễn tiến nặng hơn như: Trẻ dưới 12 tháng tuổi; người chưa tiêm phòng vaccine hoặc tiêm không đầy đủ; suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải; bệnh nền nặng; suy dinh dưỡng nặng; thiếu vitamin A; phụ nữ mang thai.

Bộ Y tế vừa ban hành tài liệu chuyên môn hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi. Tại hướng dẫn này có một số điểm mới, trong đó có xét nghiệm, phân cấp điều trị… Trong quyết định do GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia - ký, Bộ Y tế nêu rõ: Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan mạnh do virus sởi gây ra. Bệnh có thể gây các biến chứng nặng dẫn đến tử vong. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, người lớn chưa tiêm hoặc tiêm phòng không đầy đủ cũng có nguy cơ mắc.

Sởi lây qua đường không khí, giọt bắn hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết hô hấp. Các triệu chứng điển hình của bệnh gồm sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc hoặc tiêu chảy, thậm chí tử vong.

Theo Bộ Y tế, vaccine sởi có hiệu quả phòng bệnh cao

Theo Bộ Y tế, vaccine sởi có hiệu quả phòng bệnh cao

Theo Bộ Y tế, vaccine sởi có hiệu quả phòng bệnh cao, phần lớn trẻ mắc sởi là chưa tiêm phòng vaccine sởi. Mặc dù đã có vaccine phòng bệnh, nhưng tỷ lệ mắc sởi hiện nay tại Việt Nam cũng như trên thế giới vẫn được WHO quan tâm, tiếp tục coi là vấn đề y tế toàn cầu.

Diễn biến lâm sàng thể điển hình của sởi thể hiện qua 4 giai đoạn:

- Giai đoạn ủ bệnh: Từ 7 đến 21 ngày (trung bình 10 ngày), triệu chứng xuất hiện sau khi phơi nhiễm 10-14 ngày;

- Giai đoạn khởi phát (giai đoạn viêm long): Trong 2 - 4 ngày. Trong giai đoạn này, người bệnh sốt cao, viêm long đường hô hấp trên (ho, chảy mũi) và viêm kết mạc. Có thể thấy hạt Koplik (dấu hiệu đặc trưng của bệnh sởi, thường có màu trắng/xám, kích thước nhỏ) có quầng ban đỏ nổi gồ lên trên bề mặt niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm trên). Hạt Koplik thường xuất hiện một ngày trước phát ban và tồn tại 2 - 3 ngày sau khi ban xuất hiện;

- Giai đoạn toàn phát: Kéo dài 2 - 5 ngày. Thường sau khi sốt cao 3 - 4 ngày, ngườI bệnh bắt đầu phát ban dạng dát sẩn, khi căng da thì ban biến mất, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân. Ban có thể hợp lại đặc biệt là ở vùng mặt và thân mình. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần;

- Giai đoạn hồi phục: Ban nhạt màu dần rồi sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu, để lại vết thâm vằn da hổ và biến mất theo thứ tự như khi xuất hiện. Nếu không xuất hiện biến chứng thì bệnh tự khỏi. Có thể có ho kéo dài 1 - 2 tuần sau khi hết ban.

Cũng theo Bộ Y tế, nếu mắc sởi không bị biến chứng thì có thể điều trị ngoại trú. Cụ thể, cách ly ca bệnh tại nhà: Nằm phòng riêng, hạn chế tiếp xúc, đeo khẩu trang thường xuyên. Bên cạnh đó, cần uống vitamin A liều cao theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu mắc bệnh nặng và bị biến chứng, cần được điều trị tại các cơ sở y tế để tránh nguy hiểm đến tính mạng.

Thu Phương

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/7-yeu-to-nguy-co-dan-toi-benh-soi-dien-tien-nang-nguy-co-tu-vong-cao-202503301718235.htm