70 năm bài hát Lên ngàn

Tôi vẫn chỉ muốn gọi 'Lên ngàn' là một bài hát thôi! Dù đến nay đã có người gọi đó là 'tác phẩm bất hủ', 'để đời' hoặc 'bài ca đi cùng năm tháng'. Gọi bài hát như những người Tây Ninh đầu tiên hát bài này đã từng gọi vậy. Và tác giả của nó- nhạc sĩ Hoàng Việt đã từng gọi vậy khi lần đầu tiên hát cho nhạc sĩ Bảo Định Giang nghe ở căn cứ Xứ ủy Nam bộ, bên bờ Suối Bà Chiêm, nay là huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.

Mùa nước ngập tràn thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông (xã Phước Vinh).

Mùa nước ngập tràn thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông (xã Phước Vinh).

Bảo Định Giang kể: “Anh cũng mang võng mắc bên cạnh võng tôi và hát bài Lên ngàn cho tôi nghe để xem tôi có ý kiến gì không? Nhất là thực trạng được miêu tả có gây cho người nghe sự bi quan không? Nhìn thấy tôi ôm đầu khóc sau khi nghe bài hát, anh càng lo thêm cho số phận của bản nhạc. Không phải bất cứ giọt nước mắt nào rơi xuống cũng là dấu hiệu của bi lụy, bi quan. Sau khi nghe xong, tôi nắm tay Hoàng Việt rất lâu.

Ngoài hai tiếng “tốt lắm” tôi không nói được gì hơn… Ba mươi tám năm đã trôi qua, Lên ngàn của Hoàng Việt trong tôi vẫn còn nguyên giá trị như thuở ban đầu- cái thuở cả một thế hệ đổ mồ hôi, nước mắt và máu để giành lấy cuộc sống, giành lại giang sơn gấm vóc…” (Bảo Định Giang viết bài này vào tháng 12.1989 in trong sách “Hoàng Việt, Bản tình ca đời đời của nhạc sĩ anh hùng”, Nxb Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, năm 2013).

Viết thế là bởi năm ấy Bảo Định Giang là cán bộ phụ trách văn nghệ sĩ, mới từ miền Tây rút lên huyện căn cứ địa Dương Minh Châu. Bài hát nào được ông đồng ý mới được phát hành. Hoàng Việt lo là ở chỗ ấy. Nếu người phụ trách thấy tính chất bi quan của lời ca có thể gây tác động xấu đến tâm lý người tham gia kháng chiến.

Và câu chuyện lúc khai sinh bài hát Lên ngàn chỉ đơn giản như vậy. Gần như ngay lập tức, Lên ngàn đã thổi một luồng sinh khí mới cho cuộc chiến đấu chống Pháp trên chiến trường Nam bộ. Và bài hát cũng đã được trình diễn lần đầu tiên ở huyện Châu Thành.

Cố nhạc sĩ Xuân Hồng từng kể, vào năm 1952, ông đang là Ủy viên Ban Chấp hành Huyện đoàn Châu Thành, kiêm phụ trách phó đoàn tuyên truyền lưu động huyện. Năm ấy có dịp Đoàn Văn công liên khu miền Đông (nơi Hoàng Việt công tác) đến địa phương.

Gần cuối năm thì xảy ra cơn lũ lịch sử Nhâm Thìn. Theo Xuân Hồng thì đấy là: “Một trận bão lụt mà từ nhỏ đến giờ tôi chưa từng thấy, đã nhấn chìm hầu như toàn bộ ruộng lúa sắp chín trên một vùng rộng lớn, trong đó có các huyện Châu Thành, Dương Minh Châu, Bến Cầu, Gò Dầu thuộc tỉnh Tây Ninh

Chỉ còn một vùng rẫy (nương) rất nhỏ ở tại Trảng Cồng thuộc xã Hòa Hiệp là không bị ngập (nay thuộc xã Phước Vinh- TV). Nhân dân các xã khác kéo nhau về Trảng Cồng đi gặt lúa mướn, đi mót lúa rơi để độ nhật qua ngày.

Trong số đoàn người ngược dòng sông Vàm Cỏ hướng về rẫy Trảng Cồng có đoàn văn công Phân liên khu miền Đông và đoàn tuyên truyền lưu động của chúng tôi. Chúng tôi đi xin cắt lúa mướn, được nhân dân “chiếu cố” nhận cho làm, có nơi còn cho ăn cơm độn khoai mì, vậy là rất vững bụng.

Chỉ thương các chị, các cô con bế con bồng, có khi xin làm mướn không dễ, vì quá đông người, phải đi nhặt từng hạt lúa rơi vãi, chỉ mong có được nồi cháo trong ngày. Những cảnh ấy đều lọt vào mắt người nhạc sĩ tài năng của chúng ta, bài Lên ngàn ra đời trong hoàn cảnh ấy.

Bài hát được Đoàn chúng tôi dàn dựng cho anh Duy Phụng đơn ca, đã được bộ đội và nhân dân đón mừng nồng nhiệt. Đến nay (1994) tác phẩm này đã tròn 42 tuổi, có thể vẫn còn sức sống mãi mãi đến mai sau…” (Nhớ về một người bạn, Sđd).

Xin thưa với hương hồn bác Ba Mực, tức nhạc sĩ Xuân Hồng kính mến, một người con của quê hương Tây Ninh, rằng cho đến nay bài hát đã bước sang tuổi 70, cái tuổi dân gian gọi là thượng thọ.

Nhưng người Tây Ninh và cả nước vẫn còn hát Lên ngàn. Bài hát vẫn vang lên trên các sân khấu lớn những ngày lễ lớn của đất nước, trong các chương trình ti vi như Giai điệu tự hào, Bài ca đi cùng năm tháng… hay trong các bộ phim.

Như các bộ phim tài liệu về Tây Ninh dịp kỷ niệm 180 năm Tây Ninh hình thành và phát triển vào năm 2016; hay bộ phim ký sự Vàm Cỏ Đông- dòng sông đời người thì còn có cả cảnh nữ nghệ sĩ Thanh Ngọc- một cô giáo tiểu học xã Phước Vinh áo dài tha thướt đứng trên xuồng giữa dòng sông Vịnh hát bài ca ấy. Sông Vịnh chính là dòng sông để mọi người năm xưa “chèo thuyền đi lên rẫy Trảng Cồng/ Cắt lúa thay chồng/ Thay chồng (ơ) nuôi con…”.

Người Tây Ninh, nói rộng ra hơn là người cả nước có nhiều người đã từng hát, hoặc nghe hát bài Lên ngàn. Bởi bài hát này đã đồng hành cùng dân tộc trong suốt 2 cuộc kháng chiến cũng như các cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương phía Tây Nam và phía Bắc.

Bài hát còn tiếp tục được vang xa ngay trong cả thời kỳ dựng xây đất nước sau hòa bình. Ai cũng có thể cất lên một vài câu hát. Hoặc nghe 1 nét nhạc là biết ngay đấy chính là Lên ngàn.

Nhưng có thể ít người biết hơn là Lên ngàn sau khi ra đời từng được chính tác giả nâng lên một tầm cao mới trong một bản giao hưởng để đời, vào năm 1964 khi ông tốt nghiệp nhạc viện tại Bulgari. Đấy là bản giao hưởng đầu tiên của âm nhạc Việt Nam, được coi là giao hưởng sử thi về cuộc kháng chiến của dân tộc.

Bản giao hưởng từng được biểu diễn thành công tại Bulgari và Nhà hát lớn Hà Nội. Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha trong sách “Hoàng Việt, Bản tình ca đời đời của nhạc sĩ anh hùng” (Sđd) đã kể lại chuyện này: “Hoàng Việt đã 36 tuổi. Người tuổi Mậu Thìn viết Lên ngàn năm Nhâm Thìn và giờ đây viết giao hưởng số 1 vào năm Giáp Thìn”.

Suối Cụt luồn qua rẫy Trảng Cồng.

Suối Cụt luồn qua rẫy Trảng Cồng.

Bây giờ, Lên ngàn không chỉ ngân lên bằng giọng hát nữa mà sẽ hóa thân vào các nhạc cụ vang lên trong dàn nhạc giao hưởng. Với chủ đề quê hương ở chương tiếp nối chương đầu tiên, Hoàng Việt đã chọn cho giai điệu “Hò ơi! Dòng sông chảy xiết lái thuyền chèo đi, trên sông Vàm Cỏ Đông, nước chảy ngược dòng- Nước ngược dòng” bằng sự song tấu của cây sáo piccolo và cây kèn clarinet trên phần đệm hợp âm của cây đàn harp và đàn dây.

Nhịp chậm mang tính chất đồng áng này khiến cho Lên ngàn khi hóa thân từ giọng người sang nhạc cụ thật trong trẻo, mơ mộng, thanh bình lạ thường. Tiếng sáo flute lại đảm nhiệm giai điệu nối tiếp bằng chùm ba kép luyến láy khiến câu hò thứ hai thêm lung linh như ánh sáng lấp lánh trên mặt nước: “Hò ơi! Em chèo thuyền đi lên rẫy Trảng Cồng cắt lúa thay chồng- thay chồng nuôi con…”.

Tôi đã nhiều lần lên Phước Vinh, tìm đến Trảng Cồng. Nơi đây vẫn còn một dòng suối uốn lượn giữa rừng. Và không chỉ có Lên ngàn và Quê hương, miền đất Tây Ninh còn mãi vang lên những Lá xanh, Nhạc rừng… và nhất là bản Tình ca bất tử. Dù vậy, Lên ngàn vẫn xứng đáng là bài hát chiếm trọn trái tim con người ở miền quê đã sinh ra tác phẩm.

Cố nhạc sĩ Xuân Hồng, nguyên Phó tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam từng viết: “Là một nghệ sĩ chân chính, biết đau cái đau của nhân dân, biết khổ cái khổ của đồng bào, và từ trong khổ đau đó anh biết đỡ người ta đứng dậy, hướng dẫn người ta đi lên. Bài hát Lên ngàn ra đời và trở thành một tác phẩm tuyệt vời.

Chính vì lẽ đó Lên ngàn với chất trữ tình, chất bi hùng, âm nhạc như một bài thơ, lời ca giàu hình tượng như một bức họa khiến chúng tôi những người sáng tác âm nhạc phải thán phục… Bài hát sẽ còn sống mãi với chúng ta…”.

Mùa nước lũ năm 2022

TRẦN VŨ

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/70-nam-bai-hat-len-ngan-a150901.html