70 năm Hà Nội vươn mình đổi mới: Dấu ấn từ các công trình kiến trúc đặc biệt

Vẻ đẹp của Hà Nội vừa hiện đại, vừa cổ kính hiện hữu qua các công trình mang kiến trúc lâu đời như: Chùa Một Cột, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hồ Gươm, Hoàng thành Thăng Long, Cầu Long Biên…

Suốt 70 năm qua - kể từ ngày hoàn toàn giải phóng (10/10/1954), Hà Nội đã có rất nhiều thay đổi. Những tòa cao ốc liên tiếp mọc lên; những đại lộ, con đường lớn tiến ra ngoại ô với tên gọi mới. Hà Nội hiện đại đang có một vóc dáng và vị thế riêng. Dẫu vậy, Hà Nội vẫn in đậm dấu ấn lịch sử với hàng nghìn di tích, công trình kiến trúc đặc biệt có niên đại cả trăm, nghìn năm.

Sự hòa quyện giữa các đường nét kiến trúc cổ với nghệ thuật kiến trúc Pháp đã tạo nên một không gian kiến trúc Hà Nội vừa cổ kính vừa hiện đại, là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước.

Quỹ di sản kiến trúc giá trị của Hà Nội

Hà Nội mang nét khác biệt với các thành phố hiện đại trên thế giới. Vẻ đẹp của Hà Nội vừa hiện đại, vừa cổ kính hiện hữu qua các công trình mang kiến trúc lịch sử, văn hóa lâu đời như: Chùa Một Cột, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hồ Gươm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà Hát lớn, Cầu Long Biên…

 Nhà Hát lớn. (Nguồn: Vietnam+)

Nhà Hát lớn. (Nguồn: Vietnam+)

Những công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu của Hà Nội trước đây vẫn được bảo tồn nguyên vẹn đến tận ngày nay. Nó khiến cho không ít du khách khi đến thăm Hà Nội, bỗng bắt gặp những góc phố quen như ở Thủ đô Paris hoa lệ của nước Pháp.

Trong những công trình kiến trúc do người Pháp để lại từ thời kỳ trước năm 1954, không thể không kể đến Cầu Long Biên. Đây là cây cầu sắt duy nhất bắc qua sông Hồng, được người Pháp xây dựng hoàn thành từ năm 1902 và nhận được sự ví von là “Tháp Eiffel nằm ngang”.

 Cầu Long Biên cổ kính dường như cũng trở nên mộng mơ dưới những tia nắng vàng óng. (Ảnh: Khánh Hòa/TTXVN)

Cầu Long Biên cổ kính dường như cũng trở nên mộng mơ dưới những tia nắng vàng óng. (Ảnh: Khánh Hòa/TTXVN)

Cầu Long Biên đã “chứng kiến” những người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội. Thời điểm ấy, đúng 16 giờ 30 phút ngày 9/10, khi toán lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên sang Gia Lâm, thì cũng là lúc cả Hà Nội bừng lên, tràn ngập cờ hoa sắc áo. Băng vải các màu căng ngang đường, với những khẩu hiệu: “Hồ Chí Minh muôn năm!” hay “Hoan hô đoàn quân chiến thắng trở về!”

Trong khi cầu Long Biên chứng kiến sự rút quân của Pháp, thì chỉ một ngày sau, Cột cờ Hà Nội lại chứng kiến lễ thượng cờ của những đoàn quân Việt Minh chiến thắng. Theo lịch sử, Cột cờ Hà Nội được xây dựng cùng thời với Thành Hà Nội dưới triều nhà Nguyễn (bắt đầu năm 1805, hoàn thành năm 1812). Khi người Pháp phá Thành Hà Nội, họ định phá luôn cột cờ, nhưng may mắn là việc này đã không xảy ra.

Giữa lòng Hà Nội còn lãng mạn, cổ kính với các khu phố cổ còn rất nguyên vẹn với đặc trưng “phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu” đã trải qua rất nhiều thập kỷ.

 Ngôi biệt thự theo kiến trúc Pháp được trùng tu giúp người dân và du khách hiểu hơn về những kiến trúc đặc trưng làm nên vẻ đẹp cổ kính của Hà Nội. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Ngôi biệt thự theo kiến trúc Pháp được trùng tu giúp người dân và du khách hiểu hơn về những kiến trúc đặc trưng làm nên vẻ đẹp cổ kính của Hà Nội. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Thống kê từ Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy trên địa bàn Thủ đô có hơn 1.260 biệt thự cũ chủ yếu được xây dựng từ trước năm 1954, dưới thời Pháp thuộc; đặc biệt là các biệt thự được xây dựng theo phong cách Đông Dương do các kiến trúc sư Việt Nam thiết kế, thể hiện tính sáng tạo của người Việt. Đây là mảng công trình quan trọng tạo ra quỹ di sản kiến trúc đồ sộ và có giá trị ở Hà Nội.

Đa phần các công trình, biệt thự có diện tích lớn, án ngữ tại các vị trí đẹp ở một số quận trung tâm như: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ và Đống Đa.

Nhờ những thước phim tư liệu màu quý giá của các nhà báo Nhật Bản, mà tới nay vẫn lưu giữ được hình ảnh của ngày giải phóng Thủ đô năm 1954, khi những đoàn quân tiến vào giải phóng Hà Nội qua 5 cửa ô và dọc trục đường Hàng Ngang - Hàng Đào (trục chính của khu phố cổ). Trong những thước phim đó, có thể thấy khu phố cổ Hà Nội đến nay vẫn còn nguyên vẹn nét xưa với nghệ thuật kiến trúc Pháp.

 Cột cờ Hà Nội. (Nguồn: Vietnam+)

Cột cờ Hà Nội. (Nguồn: Vietnam+)

Nâng cao vị thế, tầm vóc đô thị của Thủ đô

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhấn mạnh 70 năm qua, Hà Nội đã từng bước vươn lên và tạo ra một diện mạo đô thị xứng tầm với Thủ đô. Diện mạo kiến trúc đô thị Hà Nội thể hiện rõ nét qua 3 giai đoạn.

Trong giai đoạn đầu tiên từ năm 1954-1965, Hà Nội đã quan tâm tới đời sống của nhân dân, trong đó đã cải tạo được gần 200 khu nhà ở của người lao động; xây dựng được một số công trình trụ sở các cơ quan. Đặc biệt trong giai đoạn này, Hà Nội đã triển khai được một số công trình giáo dục với 5 trường đại học mới.

“Bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, Hà Nội đã xây dựng được các khu nhà ở mới theo mô hình xã hội chủ nghĩa. Tức vừa có nhà ở, vừa có các dịch vụ thương mại, các công trình văn hóa - giáo dục,” ông Nghiêm nhớ lại.

 Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tiếp đó, giai đoạn từ sau năm 1965-1975, Hà Nội tập trung vào phục dựng lại các cơ sở công nghiệp, công trình xây dựng từ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất do bị chiến tranh phá hoại. Ví dụ năm 1973, Hà Nội phục dựng lại cầu Long Biên.

“Trong giai đoạn này, chúng ta chú trọng phát triển 7 khu công nghiệp và công nghiệp nhỏ, nhẹ trong nội đô để chuyển từ ‘thành phố tiêu xài’ của người Pháp (tức thành phố mà dịch vụ chỉ phục vụ cho người giàu và trung lưu) sang thành phố đồng hộ các công trình công cộng, đầy đủ dịch vụ xã hội,” ông Nghiêm nhấn mạnh.

Đặc biệt, Nhà nước đã xây dựng được các công trình tầm vóc quốc gia, đánh dấu các sự kiện của Việt Nam như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội trường Ba Đình…

 Diện mạo một khu đô thị ở phía Tây Hà Nội. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Diện mạo một khu đô thị ở phía Tây Hà Nội. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Từ năm 1975, theo ông Nghiêm, dấu ấn nổi bật của Hà Nội là đã xây dựng được rất nhiều các công trình tầm vóc, hiện đại của quốc gia. Ví dụ như các khu đô thị hiện đại mới, trong giai đoạn từ năm 1975-2025, trên địa bàn Thủ đô đã xây dựng được 200 khu đô thị mới với mô hình hoàn toàn đồng bộ và chất lượng cao.

Ngoài ra, trong giai đoạn này, Hà Nội cũng đã xây dựng được rất nhiều các công trình về bảo tàng, văn hóa-xã hội, công viên cây xanh. Các công trình tầm vóc, tiêu biểu trên đã thể hiện được vị thế của Hà Nội là Thủ đô, trái tim của cả nước.

“Cho đến nay, chúng ta đã xây dựng được rất nhiều các công trình tầm vóc quốc gia và quốc tế như trụ sở tòa nhà Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng,… hay tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower cao tới 72 tầng,” ông Nghiêm phấn khởi chia sẻ và nhấn mạnh nếu công trình cao nhất thời Pháp là 7 tầng, đến thời kỳ trước năm 1986 - công trình cao nhất là 11 tầng (tức khách sạn Thăng Long), thì hiện nay, ở Hà Nội đã có công trình cao tới 72 tầng, chưa kể nhiều công trình khác.

Ông Nghiêm cũng nhấn mạnh, Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục xây dựng một số công trình tiêu biểu như trung tâm văn hóa triển lãm, từng bước hoàn thành 5 trục không gian trung tâm; hướng tới xây dựng các khu đô thị thông minh; nâng chỉ tiêu công viên cây xanh…

 Nhà Quốc hội. (Nguồn: TTXVN)

Nhà Quốc hội. (Nguồn: TTXVN)

Bảo tồn bền vững di sản kiến trúc quốc gia

Cùng với việc nâng tầm vóc đô thị, vừa qua, Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025” cũng đã rà soát, dành nguồn lực bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc các công trình tiêu biểu, các công trình lịch sử, văn hóa tại nội đô như: Khu vực Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Lịch sử quân sự, cột cờ Hà Nội; khu vực Công viên lịch sử khảo cổ Hoàng Diệu, Điện Kính Thiên và cụm công trình phụ cận; khu vực cầu Long Biên và 131 vòm cầu dẫn đường sắt phía Nam cầu Long Biên...

Trong số đó, Hà Nội dự kiến chi khoảng 798 tỷ đồng để thực hiện dự án bảo tồn khu vực khảo cổ học số 18 phố Hoàng Diệu; 1.800 tỷ đồng thực hiện dự án phục dựng Điện Kính Thiên; 136 tỷ đồng thực hiện dự án nhà trưng bày Hoàng cung Thăng Long thuộc Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

 Nền điện Kính Thiên - Hoàng thành Thăng Long còn bảo lưu rất tốt các dấu tích kiến trúc của nhiều thời kỳ lịch sử. (Nguồn: TTXVN)

Nền điện Kính Thiên - Hoàng thành Thăng Long còn bảo lưu rất tốt các dấu tích kiến trúc của nhiều thời kỳ lịch sử. (Nguồn: TTXVN)

Kinh phí trên được bố trí theo Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 23-9-2021 và Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 28-12-2022 của hội đồng nhân dân thành phố. Các dự án đang được triển khai. Bên cạnh đó, thành phố cũng hoàn thành nghiên cứu quy hoạch khu thành Cổ Loa nhằm phát huy giá trị di tích, gắn với phát triển du lịch.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo chương trình 03-Ctr/TU, thời gian qua, những kết quả đạt được trong chương trình đã góp phần quan trọng trong chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị của Thủ đô, là nền tảng cho Thủ đô phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại.

Trong thời gian tới, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, cho biết thành phố Hà Nội sẽ quan tâm phục dựng, nâng tầm kiến trúc đặc thù “khu phố kiến trúc kiểu Pháp” gắn liền với các hoạt động kinh tế cốt lõi, trung tâm tài chính, thương mại quốc gia.

 Dự án Nhổn-ga Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Dự án Nhổn-ga Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Thành phố cũng bảo tồn và phục dựng các giá trị của các công trình kiến trúc và các trục không gian đô thị có giá trị như: trục văn hóa biểu diễn Tràng Tiền - Nhà hát Lớn, Trục tài chính - ngân hàng Ngô Quyền, Trục thương mại - dịch vụ trung tâm Ga Hà Nội,... nhằm xây dựng trung tâm kinh tế - tài chính - thương mại sầm uất nhất Thủ đô, khai thác giá trị di sản kết hợp tiềm năng kinh tế năng động sẵn có.

Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội ưu tiên phát triển ngầm tại khu vực đô thị trung tâm như tuyến phố trung tâm thương mại ngầm dẫn từ nhà ga Hà Nội dọc phố Trần Hưng Đạo kết nối với trục không gian sông Hồng.

Ngoài ra, Luật Thủ đô (sửa đổi) cùng các đồ án quy hoạch lớn của thành phố đang được kỳ vọng sẽ tạo khuôn khổ pháp lý cho việc phân định khu vực bảo tồn đúng nghĩa, bảo vệ giá trị lịch sử về Thăng Long - Hà Nội hay các công trình kiến trúc quan trọng, có yếu tố lịch sử. Các khu vực còn lại sẽ được áp dụng mô hình đầu tư cải tạo theo hướng đô thị hiện đại, không để hiện trạng cải tạo, cơi nới tự phát./.

 Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)

Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/70-nam-ha-noi-vuon-minh-doi-moi-dau-an-tu-cac-cong-trinh-kien-truc-dac-biet-post981570.vnp