70 năm ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ - Kỳ 2: Giữ vững lập trường đàm phán

Chiều 8/5/1954, Hội nghị Giơ-ne-vơ bàn về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương được tiến hành. Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến dự Hội nghị trong tư thế của một dân tộc vừa giành được chiến thắng Điện Biên Phủ 'chấn động địa cầu'. Tuy vậy, thái độ của đoàn ta là tự hào nhưng luôn bình tĩnh, vì việc đàm phán được xác định sẽ có nhiều khó khăn phía trước.

Vị thế Việt Nam

Giở cuốn “Hà Văn Lâu người đi từ bến làng Sình”, bà Hà Thị Ngọc Hà (nhân vật đã nêu ở kỳ 1) cho biết, sáng 8/5/1954, nhiều tờ báo đưa tin về chiến thắng Điện Biên Phủ, tôn vinh vị thế của đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) tại Hội nghị Giơ-ne-vơ. Một tờ báo xuất bản tại Giơ-ne-vơ chạy hàng tít khá dài trên trang nhất: “Điện Biên Phủ thất thủ, quân đội viễn chinh Pháp đầu hàng, Đoàn Việt Minh thức trắng đêm liên hoan mừng chiến thắng”.

Mặc dù thức trắng đêm, nhưng sáng 8/5/1954, tất cả các thành viên trong đoàn vẫn tỉnh táo, nét mặt ai nấy đều rạng rỡ. Riêng Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng giữ thái độ nghiêm nghị, trầm tĩnh. Ông yêu cầu triệu tập cuộc họp toàn đoàn vào buổi sáng để kiểm tra tất cả các khâu, các nội dung đã chuẩn bị một lần nữa để buổi chiều đến dự Hội nghị Giơ-ne-vơ.

Trưởng đoàn VNDCCH Phạm Văn Đồng (thứ 2, phải sang) và các đoàn quốc tế đến dự Hội nghị Giơ-ne-vơ (Ảnh: T.L)

Trưởng đoàn VNDCCH Phạm Văn Đồng (thứ 2, phải sang) và các đoàn quốc tế đến dự Hội nghị Giơ-ne-vơ (Ảnh: T.L)

15 giờ 30 phút ngày 8/5/1954, ông Hà Văn Lâu theo sau Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu rời trụ sở của đoàn để đến dự Hội nghị Giơ-ne-vơ. Các đại biểu tham dự Hội nghị Giơ-ne-vơ gồm 9 đoàn: Liên Xô, Trung Quốc, VNDCCH, Anh, Pháp, Mỹ, Lào, Campuchia và quốc gia của chính quyền Bảo Đại. Với thành phần tham dự này, Việt Nam nhận được sự ủng hộ của Liên Xô và Trung Quốc, 6 đoàn còn lại sẽ cùng quan điểm với nhau.

Theo cuốn “Hà Văn Lâu người đi từ bến làng Sình”, đại sứ Hà Văn Lâu kể lại, trong ngày đầu diễn ra đàm phán, phái đoàn Pháp do Bi-đôn, Bộ trưởng Ngoại giao dẫn đầu đã tới Hội nghị với trang phục màu đen như đi đám tang, bởi hôm trước quân viễn chinh Pháp bị đại bại ở Điện Biên Phủ. Vậy mà tại Hội nghị, Bi-đôn vẫn nói với giọng điệu của kẻ mạnh, không công nhận cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của ba nước Đông Dương. Ông ta trình bày lập trường của Pháp về vấn đề quân sự rằng: Phải tập kết quân đội của hai phe vào vùng quy định và giải giáp tất cả lực lượng dân quân du kích, trao trả hết tù dân sự và tù binh; đình chỉ chiến sự và kiểm soát quốc tế; rút tất cả các lực lượng của Việt Nam ra khỏi hai nước Lào và Campuchia.

Trong phiên đàm phán đầu tiên này, Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng đã yêu cầu Hội nghị chấp thuận mời đại diện các chính phủ kháng chiến Khơme Ítxarắc và Pathet Lào tham gia Hội nghị. Mặc dù ta cũng biết trước là Hội nghị sẽ không chấp nhận yêu cầu này của ta, nhưng việc làm trên sẽ có lợi về sau khi ta sẽ thay mặt cho các lực lượng vũ trang cách mạng Khơme và Lào ký các hiệp định đình chỉ chiến sự với hai đoàn quốc gia liên kết Lào và Campuchia. Bi-đôn phản đối, nhưng nói hớ rằng: “Hội nghị có nên chấp thuận những “chính phủ ma” này không?”. Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng đứng dậy nói nhẹ nhàng, nhưng đanh thép: “Trước đây, với VNDCCH, ông Bi-đôn đã dùng những danh từ như vậy. Nhưng hôm nay, chính đại diện của “Chính phủ ma” đó đang ngồi trước mặt ông đây”. Nghe đến đó, Bi-đôn lặng im, không đối đáp thêm được.

Đấu tranh, đàm phán để lập lại hòa bình ở Đông Dương

Ông Hà Văn Lâu (bìa phải) với các đại biểu tại Hội nghị Giơ-ne-vơ (Ảnh: T.L)

Ông Hà Văn Lâu (bìa phải) với các đại biểu tại Hội nghị Giơ-ne-vơ (Ảnh: T.L)

Tại phiên họp thứ 2 vào ngày 10/5/1954, lập trường của VNDCCH được Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng nêu ra với 8 điểm, đã làm cơ sở thảo luận tại Hội nghị, bởi nó có ảnh hưởng rất lớn đến người dân các nước thuộc địa. Lập trường cơ bản của Việt Nam là hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ. Nước Pháp phải công nhận chủ quyền độc lập của Việt Nam, Lào và Campuchia. Vấn đề thống nhất nước Việt Nam phải do nhân dân Việt Nam tự giải quyết, không có sự can thiệp của nước ngoài... Những đề nghị hợp tình, hợp lý của Đoàn đại biểu Việt Nam đã được dư luận tiến bộ ở chính nước Pháp và trên thế giới đồng tình, ủng hộ.

Trong mười ngày đầu của Hội nghị, do lập trường giữa các đoàn có khoảng cách khá lớn nên các cuộc đàm phán tiến triển rất chậm. Đoàn đại biểu VNDCCH kiên quyết đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương trên cơ sở các bên cần công nhận độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia. Tuy nhiên, lập trường của Pháp, được Mỹ ủng hộ chỉ muốn giải quyết riêng vấn đề của Việt Nam mà tách Lào và Campuchia ra khỏi đàm phán. Bởi khi đó, Đoàn đại biểu Mỹ có âm mưu không muốn lập lại hòa bình ở Đông Dương mà thay chân Pháp chiếm đóng khu vực này. Trước âm mưu này, đoàn Pháp và Mỹ bị ba đoàn Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc kịch liệt lên án về chủ tâm phá hoại Hội nghị Giơ-ne-vơ.

Theo cuốn “Hà Văn Lâu người đi từ bến làng Sình”, đại sứ Hà Văn Lâu cho biết, khi kết thúc cuộc họp vào sáng 8/5/1954 để rà soát lần cuối mọi việc trước khi tham dự Hội nghị Giơ-ne-vơ vào buổi chiều, Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng dặn mọi người trong đoàn: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là cực kỳ to lớn, sẽ tác động mạnh đến cuộc đấu tranh ngoại giao tại Giơ-ne-vơ. Vì vậy, chiều nay ta đến dự Hội nghị trong tư thế của người chiến thắng, nhưng thái độ của ta cũng cần đúng đắn, ôn tồn, khiêm tốn, đừng để có người hiểu nhầm là ta huênh hoang, tự cao, tự đại…”.

Do vẫn giữ lập trường cứng rắn, tuy đồng ý ngừng bắn nhưng đòi hỏi quân đội Việt Nam phải rút khỏi Nam Việt Nam, Lào, Campuchia, nên ở trong nước, nội các của Thủ tướng Pháp Laniel bị người dân lên án. Ngày 12/6/1954, Thủ tướng Laniel buộc phải từ chức, Mendes France lên thay. Khi nhậm chức, tân thủ tướng Mendes France đã tuyên bố sẽ từ chức nếu trong vòng một tháng không đạt được ngừng bắn ở Đông Dương. Trước tình hình này, Đoàn ta đã báo cáo về Trung ương với đánh giá: “Cuộc đàm phán có tiến triển và có khả năng tiến triển thuận lợi. So sánh với những phán đoán và dự kiến ban đầu lúc ở nhà ra đi, thấy tình hình biến chuyển phù hợp và có phần thuận lợi hơn”.

Tuy đạt được những kết quả bước đầu, nhưng Đoàn ta vẫn luôn coi trọng dư luận, báo chí và tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, nhất là nhân dân Pháp. Nhiều nơi đã ủng hộ mong muốn đất nước được độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam cũng như Lào và Campuchia. Hiện tại, tuy đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng lực lượng kháng chiến của Cách mạng Lào và Campuchia vẫn yếu hơn địch. Tuy vậy, với đàm phán tại Hội nghị Giơ-ne-vơ, việc lập lại hòa bình phải được thực hiện trên toàn cõi Đông Dương; cùng với Việt Nam, nhân dân hai nước Lào, Campuchia cũng được hưởng quyền tự do dân chủ, độc lập và thống nhất.

(Còn nữa)

Kiến Nghĩa

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/70-nam-ky-ket-hiep-dinh-gio-ne-vo-ky-2-giu-vung-lap-truong-dam-phan-post1656500.tpo