75 năm nhìn về những ngày thu tháng tám ở Sông Cầu

Đoàn viên thanh niên TX Sông Cầu xem ảnh triển lãm những thành tựu của quê hương sau 75 năm độc lập. Ảnh: LÊ HẢO

Sông Cầu là vùng đất phên dậu “đi trước về sau” trong lịch sử hình thành và phát triển của Phú Yên. Nhìn về những ngày thu tháng tám năm 1945 mới thấy, quân và dân Sông Cầu đã có những đóng góp lớn lao trong cuộc cách mạng lật đổ chế độ thực dân, phong kiến giành lại quyền tự do, dân chủ cho người dân tỉnh nhà.

Để xây dựng Sông Cầu trở thành trung tâm tỉnh lỵ, phục vụ công cuộc khai thác, vơ vét và bóc lột các nguồn tài nguyên ở Phú Yên, tháng 2/1889, chính quyền thực dân Pháp dời tòa Công sứ ra làng Phước Lý (Sông Cầu) và đóng ở đây cho tới ngày thực dân Pháp cáo chung.

Thành lập nhiều tổ chức yêu nước

Nhìn lại 75 năm kể từ những ngày mùa thu Cách mạng Tháng Tám mới thấy được những đóng góp lớn lao của quân và dân Sông Cầu trong cuộc cách mạng lật đổ chế độ thực dân, phong kiến giành lại quyền tự do, dân chủ cho người dân tỉnh nhà.

Những hệ quả của công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, cùng với sự ra đời và phát triển nhiều phong trào yêu nước ở Phú Yên trước năm 1930 như cuộc khởi nghĩa Võ Trứ, Trần Cao Vân (1898-1900), phong trào chống sưu thuế (1908), cuộc vận động Duy Tân (1916) đã thôi thúc sự ra đời các tổ chức cách mạng theo đường hướng vô sản ở Sông Cầu.

Tháng 9/1927, thầy giáo Phạm Đức Bân dạy lớp nhất ở Thanh Hóa bị kỷ luật vì tham gia phong trào truy điệu đám tang của Phan Chu Trinh, vận động bãi khóa, rải truyền đơn… Chính quyền thực dân Pháp điều động thầy Bân vào giảng dạy tại Trường tiểu học Sông Cầu. Thầy giáo Bân liên lạc với thầy Bùi Dung dạy lớp nhì, thầy Trịnh Bá Đài dạy lớp ba, anh Lân học sinh lớp nhất và một số công chức ở Sông Cầu như Trương Đình Nhị, Trương Đình Giám tìm đọc các sách báo tiến bộ và bàn bạc phương pháp tổ chức, xây dựng lực lượng cách mạng theo đường lối Hội Việt Nam thanh niên cách mạng.

Đến tháng 1/1928, nhóm cách mạng yêu nước của thầy giáo Phạm Đức Bân đã truyền bá tinh thần yêu nước trong học sinh và công chức ở Sông Cầu. Thầy giáo Phạm Đức Bân thành lập Chi bộ Hưng Nam tại Sông Cầu. Đến tháng 7/1928, Chi bộ Hưng Nam đổi tên thành Tân Việt cách mạng đảng gồm các đồng chí: Phạm Đức Bân, Bùi Dung, Trịnh Bá Đài, Trương Đình Nhị, Trương Đình Giám, Bùi Xuân Cảnh, Nguyễn Lân, Nguyễn Văn Hợi, Trương Khâm, Phạm Ngọc Hổ, Bùi Văn Hữu.

Tháng 3/1928, đồng chí Nguyễn Văn Nguyên là một y tá quê ở Nghệ An, thành viên của Hội Việt Nam thanh niên cách mạng làm việc tại Bệnh viện Vinh chuyển vào làm việc tại Nhà thương Sông Cầu. Đồng chí Nguyễn Văn Nguyên được Kỳ bộ Trung Kỳ giao nhiệm vụ tuyên truyền, vận động và phát triển lực lượng để thành lập Chi bộ Hội Việt Nam thanh niên cách mạng ở Phú Yên. Tháng 6/1928, Chi bộ Hội Việt Nam thanh niên cách mạng ra đời gồm 3 đồng chí là Nguyễn Văn Nguyên (Bí thư), Nguyễn Trung Hanh và Nguyễn Giao.

Đồng chí Phan Lưu Thanh được tổ chức Đảng giao nhiệm vụ giác ngộ lý tưởng chủ nghĩa cộng sản cho đồng chí Bùi Xuân Cảnh. Sau khi được giác ngộ, đồng chí Bùi Xuân Cảnh đưa đồng chí Phan Lưu Thanh về nhà người bà con ở gần cầu Thị Thạc in khoảng 1.000 tờ truyền đơn và may cờ đỏ búa liềm. Nhân Ngày Quốc tế lao động 1/5/1930, đồng chí tổ chức rải truyền đơn tại Tỉnh lỵ Sông Cầu, với nội dung kêu gọi thợ thuyền, dân cày và binh lính đứng lên chống bất công, đòi cải thiện đời sống, đoàn kết với giai cấp vô sản thế giới, chống áp bức, bóc lột của đế quốc, phong kiến. Đồng thời tổ chức treo cờ búa liềm có ghi “An Nam cộng sản kỳ” ở nhà công sứ Pháp và ở bên cạnh đồn khố xanh Sông Cầu.

Tiếp đó, ngày 1/8/1930, một lần nữa cờ búa liềm lại được treo ở sân quần vợt sau lưng Quang Ích Hội (Bưu điện Sông Cầu ngày nay), Trường tiểu học Sông Cầu, đồn khố xanh; còn truyền đơn được rải từ cầu Thị Thạc vào trung tâm tỉnh lỵ Sông Cầu. Các hoạt động này đã gây tiếng vang lớn trong mọi tầng lớp nhân dân và làm cho bọn thống trị hốt hoảng, lo sợ.

Sau khi thành lập chi bộ, tiến hành xây dựng cơ sở cách mạng và in truyền đơn, ngày 30-31/10/1930, các đồng chí trong chi bộ tiếp tục treo cờ Đảng và rải truyền đơn ở Sông Cầu, ủng hộ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Năm 1931, nhiều tổ chức yêu nước trong quần chúng được thành lập ở Sông Cầu như Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ, Phụ nữ giải phóng.

Từ cuối năm 1937-1939 ở Sông Cầu, Pháp tăng cường khủng bố, tập trung chủ yếu các đồng chí cốt cán. Trước tình hình trên, Ban Vận động Tỉnh ủy chủ trương rút vào hoạt động bí mật, các đồng chí chủ chốt phân tán đi các nơi trong huyện hoạt động.

Vùng lên đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng

Ngày 17/7/1945, Đại hội Mặt trận Việt Minh tỉnh họp tại nhà ông Nguyễn Quốc Thoại, làng Phước Hậu (nay là phường 9, TP Tuy Hòa). Đại hội Việt Minh tỉnh làm việc trong 3 ngày, nội dung tập trung thảo luận báo cáo tình hình chung trong tỉnh, bàn việc khẩn trương chuẩn bị khởi nghĩa và bầu Ủy ban Việt Minh tỉnh. Sau Đại hội Việt Minh, Tỉnh ủy Phú Yên lãnh đạo các tổ chức quần chúng đẩy mạnh phong trào tẩy chay học tiếng Nhật, vạch mặt và tẩy chay các tổ chức thân Nhật như Đại Việt, Tân Việt Nam… Ở Sông Cầu, Tuy Hòa, Đồng Xuân, Sơn Hòa thành lập lực lượng tự vệ chiến đấu. Việc trang bị vũ khí cho đơn vị được tiến hành khẩn trương. Vũ khí lúc này chủ yếu là gậy gộc, giáo mác…, trên mỗi cây gậy của các đội viên tự vệ đều vẽ hình ngôi sao.

Ngày 23/8/1945, khi được phái viên liên lạc Xứ ủy truyền đạt mệnh lệnh khởi nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Phú Yên đã hăng hái vùng lên để giành thắng lợi quyết định. Với lực lượng đã chuẩn bị sẵn sàng, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh do đồng chí Trương Kiểm làm trưởng ban đã lãnh đạo giành chính quyền thắng lợi ở tỉnh lỵ Sông Cầu.

23 giờ ngày 24/8, đội tự vệ Nhà máy điện Sông Cầu do đồng chí Bách chỉ huy cùng các đơn vị tự vệ, trong đó đội tự vệ từ La Hai xuống triển khai chốt giữ các ngả đường quan trọng, bao vây dinh Tỉnh trưởng, các công sở. Tại đồn bảo an, cai nhì Nguyễn Văn Thuận và một số lính khố xanh đã được giác ngộ khống chế đồn trưởng và mở cửa đồn đưa các đồng chí Trương Kiểm, Nguyễn Văn Nguyên, Hoàng Văn Phúc, Nguyễn Thái và lực lượng tự vệ vào đồn. Đồng chí Trương Kiểm thay mặt Ủy ban Việt Minh phát biểu về tình hình khởi nghĩa cả nước, mục đích của Mặt trận Việt Minh, kêu gọi binh lính đi theo cách mạng và Ủy ban Việt Minh. Nguyễn Văn Thuận thay mặt binh lính khố xanh giao toàn bộ vũ khí, đạn dược cho Ủy ban Khởi nghĩa.

Vào lúc 0 giờ ngày 25/8, đồng chí Nguyễn Thái được Ủy ban Khởi nghĩa cử làm đại diện đến nhận ấn tín, tài liệu do Hồ Ngận, Tỉnh trưởng chính quyền Nam triều giao. Sáng 25/8, trước Tỉnh đường, cờ đỏ sao vàng được kéo ở cột cờ. Sau lễ chào cờ, đồng chí Trương Kiểm thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân - phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng và kêu gọi nhân dân ủng hộ chính quyền cách mạng.

Ngày 26/8/1945, Ủy ban Việt Minh quyết định thành lập UBND cách mạng tỉnh ra mắt nhân dân ở Sông Cầu, gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Nguyên - Chủ tịch, Trương Kiểm - Phó Chủ tịch, Lê Cấp - Ủy viên phụ trách quân sự, Hoàng Văn Phúc - ủy viên, Nguyễn Thái phụ trách tư pháp, Lê Duy Trinh - phụ trách tài chính và một số ủy viên khác gồm các đồng chí Phan Thanh Cưu, Đoàn Văn Sơ, Phạm Ngọc Quế.

Ngày 2/9/1945, Ủy ban Việt Minh và UBND cách mạng tổ chức mít tinh tại Sông Cầu. Cuộc mít tinh có gần hai vạn đồng bào ở Sông Cầu, Đồng Xuân tập hợp tại sân vận động Sông Cầu. Trong rừng cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ mừng nước Việt Nam hoàn toàn độc lập sau hơn 80 năm nô lệ, đồng chí Trương Kiểm và Nguyễn Văn Nguyên đã phát biểu nói lên ý nghĩa vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, hô hào đồng bào quyết tâm đấu tranh giữ vững nền độc lập của Tổ quốc.

Nhìn lại 75 năm kể từ những ngày mùa thu Cách mạng Tháng Tám mới thấy được những đóng góp lớn lao của quân và dân Sông Cầu trong cuộc cách mạng lật đổ chế độ thực dân, phong kiến giành lại quyền tự do, dân chủ cho người dân tỉnh nhà.

NGÔ MINH SANG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/245076/75-nam-nhin-ve-nhung-ngay-thu-thang-tam-o-song-cau.html