8 bài thuốc chữa bệnh từ lá xương sông
Lá xương sông là một loại rau gia vị không chỉ được sử dụng trong chế biến thực phẩm mà còn được dùng làm thuốc...
1. Tác dụng của lá xương sông
Xương sông còn có tên là xang sông, rau súng ăn gỏi, phắc lít (dân tộc Thái), sách thuốc cổ của Việt Nam thường gọi là hoạt lộc thảo.
Để làm thuốc, có thể dùng lá tươi hoặc hái lá về phơi trong bóng mát hay sấy nhẹ lửa cho khô, cất đi dùng dần. Lá xương sông có nhiều tinh dầu, khi vò nát có thứ mùi đặc biệt, hơi giống mùi dầu hỏa.
Theo Đông y, xương sông có vị cay, tính bình; có tác dụng kiện tỳ, chỉ khái (chống ho), tiêu đờm, khu phong trừ thấp, tiêu thũng, chỉ thống, thông kinh hoạt lạc, trừ mùi tanh hôi... Liều dùng trong ngày: 15-20g dưới dạng thuốc sắc, dùng ngoài lượng thích hợp.

Lá xương sông, thuốc chữa cảm sốt, ho, viêm họng,
Kinh nghiệm dân gian thường dùng lá xương sông chữa cảm sốt, chữa ho, viêm họng, viêm phế quản, hen suyễn, đầy bụng, nôn mửa, đau bụng đi ngoài, trẻ em sốt cao co giật.
Ở nước ngoài, xương sông cũng được dùng làm thuốc chữa bệnh. Nhân dân Malaixia dùng lá xương sông giã nát, xào nóng chườm lên những nơi sưng tấy, đau nhức, thấp khớp. Nhân dân Vân Nam, Hải Nam (Trung Quốc) thường dùng lá xương sông chữa tưa lưỡi, viêm miệng, đau khớp xương sau khi sinh nở.
2. Một số bài thuốc có sử dụng xương sông
2.1 Chữa ho và sốt kéo dài: Lá xương sông 10g, kinh giới 8g, mã đề 8g, mộc thông 8g, địa cốt bì 8g, cam thảo 4g. Các vị thuốc sắc với 600ml nước, còn 200ml, chia 2 phần, uống trong ngày.
2.2 Chữa ho gió, ho khan: Lá xương sông 1 nắm (60g), lá cúc mốc 1 nắm, râu ngô 1 nắm, lá cóc mẳn 1 nắm; trước hết đem lá xương sông nướng lên, sau đó cùng 3 vị thuốc giã nhuyễn, vắt lấy nước cốt, pha thêm chút đường hoặc mật ong, hấp cách thủy rồi uống dần; người lớn, trẻ em, phụ nữ có thai đều dùng được.
2.3 Chữa ho ở trẻ nhỏ:Lá xương sông, lá hẹ, hoa hồng bạch, hoa đu đủ đực - mỗi thứ 6-8g; sắc với nước, pha thêm đường hoặc mật ong vào uống.
2.4 Trẻ em lên sởi: Lá xương sông, chua me đất, vỏ rễ dâu, địa cốt bì ( kỷ tử), kinh giới - mỗi vị 10-12g; sắc nước uống. Nếu đại tiện lỏng thì giảm bớt chua me đất (Nam dược thần hiệu).
2.5 Trẻ em sốt cao, co giật, thở gấp: Lá xương sông (tươi), chua me đất (tươi) - mỗi vị 1 nắm 80g; rửa sạch, giã nhỏ, thêm nước nóng lọc lấy nước cốt cho uống dần.

Chua me đất (tươi)
2.6 Chữa dị ứng, nổi mẩm: Lá xương sông, lá khế - mỗi thứ một nắm (100g); chua me đất 50g; tất cả đem giã nát hòa với nước uống, bã dùng để xoa vào các chỗ ngứa.
2.7 Trúng phong cấm khẩu:Lá xương sông (tươi), lá xương bồ (tươi) - mỗi thứ 1 nắm; rửa sạch, giã nhỏ, chế nước nóng vào vắt lấy nước cốt cho uống dần hoặc sắc lên uống (Nam dược thần hiệu).
2.8 Chữa vết đứt, vết thương chảy máu:Lấy lá xương sông ( lượng thích hợp ) giã nát đắp vào nơi tổn thương giúp cầm máu và chóng lành vết thương (Nam dược thần hiệu).
Mời bạn xem thêm video:
Những cách tự nhiên giúp trẻ giảm ho, sổ mũi hạn chế dùng thuốc
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/8-bai-thuoc-chua-benh-tu-la-xuong-song-169250507122906641.htm