Cảnh báo gia tăng bệnh não mô cầu ở khu vực phía Nam
Ngày 9/5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2025, khu vực phía Nam ghi nhận sự gia tăng số ca mắc bệnh não mô cầu. Đồng thời, trung tâm cảnh báo nguy cơ cao bệnh có thể xuất hiện thêm các ca bệnh trong cộng đồng.
Theo số liệu của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, trong 4 tháng đầu năm 2025, khu vực phía Nam ghi nhận 12 ca mắc bệnh não mô cầu tại 8/20 tỉnh, thành phố, tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2024. Các địa phương có ca bệnh gồm TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng… Riêng tại TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh não mô cầu.

Bệnh nhi bị não mô cầu điều trị tại Bệnh viện Thành phố Thủ Đức. Ảnh: T.C
Điển hình, mới đây, Bệnh viện thành phố Thủ Đức đã tiếp nhận và điều trị một bệnh nhi 13 tuổi (ngụ Bình Dương) bị viêm màng não do não mô cầu. Bệnh nhi nhập viện với các triệu chứng sốt cao, đau đầu dữ dội và ngủ gà kéo dài 2 ngày.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hà Phương, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Nhi - Sơ sinh Bệnh viện thành phố Thủ Đức cho biết, bệnh não mô cầu do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra, có thể gây viêm màng não mủ hoặc nhiễm trùng huyết, diễn tiến nhanh và có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời. Các triệu chứng khởi đầu giống cảm cúm, như sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, cứng cổ, co giật, và hôn mê. Ở thể nặng, bệnh có thể dẫn đến sốc nhiễm trùng, tổn thương đa cơ quan, và tử vong trong vòng 24 giờ.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, mọi người đều có thể mắc bệnh, nhưng những người sống ở nơi tập trung đông người như ký túc xá, doanh trại... có nguy cơ cao hơn. Bệnh lây qua giọt bắn từ người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn khi ho, hắt hơi, nói chuyện gần, hoặc dùng chung đồ cá nhân. Khoảng 10-20% người trong cộng đồng là người lành mang vi trùng.
Trung tâm cũng thông báo, hiện có nhiều loại vaccine ngừa vi khuẩn não mô cầu với các nhóm huyết thanh khác nhau đã có mặt tại các cơ sở tiêm chủng. Tuy nhiên, vaccine này không nằm trong danh mục tiêm chủng bắt buộc và người dân có thể tiêm nếu có điều kiện.
Để phòng ngừa bệnh, Trung tâm khuyến cáo các biện pháp như giữ vệ sinh nơi ở, nơi làm việc, rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, không khạc nhổ nơi công cộng, che kín mũi miệng khi ho, hắt hơi, đeo khẩu trang khi mắc bệnh hoặc khi tiếp xúc gần với người mắc bệnh, và đặc biệt khi đến nơi đông người, đặc biệt là bệnh viện. Nếu tiếp xúc gần với người bệnh não mô cầu, cần thông báo cho nhân viên y tế địa phương để được uống kháng sinh dự phòng.