8 cách 'trị' con không vâng lời
Cha mẹ bộc lộ sự tức giận với trẻ không phải là giải pháp đúng đắn. Thay vào đó, giữ bình tĩnh nhưng cương quyết, đưa ra sự lựa chọn, không dán nhãn con... là những cách giáo dục hiệu quả với đứa trẻ bướng bỉnh.
1. Sử dụng quyền lực hợp lý và giải thích rõ ràng: Khi trẻ có hành vi không đúng, cha mẹ không nên đối đầu với trẻ như thể đang tham gia một cuộc chiến. Bạn hãy cho trẻ biết những gì được phép và không được phép làm, hãy linh hoạt trong giới hạn đó và không có gì sai khi bạn nghiêm khắc. Nếu bạn không muốn con bạn làm bất cứ điều gì, hãy cho con biết lý do.
2. Để trẻ chịu trách nhiệm với hành vi của mình: Nếu con bạn liên tục mắc cùng một lỗi, đã đến lúc cha mẹ cần cảnh báo. Nếu trẻ bắt nạt anh chị em của mình mỗi ngày, hãy nói với trẻ rằng trẻ sẽ không được xem chương trình hoạt hình yêu thích. Hãy duy trì các hành động của bạn một cách nghiêm khắc để trẻ không coi thường chúng.
3. Giữ bình tĩnh nhưng cương quyết: Cha mẹ không nên mất bình tĩnh với con cái bởi sự tức giận thường xuyên có thể khiến trẻ trở nên nổi loạn. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần thể hiện sự cương quyết. Ví dụ, nếu bạn muốn con sắp xếp đồ chơi vào tủ, giọng điệu lịch sự, cương quyết sẽ hiệu quả hơn là giọng điệu ra lệnh. Bạn có thể nói với chúng rằng "con hãy cất đồ chơi vào tủ rồi mẹ sẽ giúp con dọn phòng", thay vì "cất đồ chơi vào tủ, nếu không, con sẽ không được xem tivi".
4. Đưa ra lựa chọn: Khi trẻ cố chấp và từ chối nghe lời, hãy đưa ra nhiều lựa chọn. Ví dụ, trẻ cần ăn rau nhưng bạn có thể cho con chọn ăn vào bữa trưa hoặc bữa tối. Đây là một chiến lược thông minh và có hiệu quả với trẻ.
5. Đồng cảm với trẻ: Để đánh giá đúng mức độ không vâng lời của trẻ, phụ huynh cần kết nối cảm xúc với trẻ. Bạn hãy thường xuyên thể hiện tình yêu của mình với trẻ, cố gắng trở thành "cha mẹ thân thiện". Bạn có thể nói "đừng lo, con sẽ hoàn thành bài tập về nhà" hoặc "con nên dành thời gian để ăn sáng". Bằng cách này, bạn vừa đồng cảm với trẻ vừa đảm bảo trẻ nghe lời.
6. Đừng gắn nhãn trẻ: Việc liên tục gắn nhãn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi của trẻ. Ví dụ, nếu bạn gọi trẻ là "kiêu căng", trẻ có thể chấp nhận điều đó như một đặc điểm của mình và bắt đầu hành xử tương tự. Nếu một đứa trẻ được gắn nhãn là "giỏi nhất", chúng có thể nghĩ rằng mình không bao giờ sai. Nhưng khi chúng không đạt được mức độ tốt nhất, điều đó có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng của chúng và dẫn đến hành vi không hợp lý. Do vậy, việc khen thưởng hoặc khiển trách trẻ không nên đi kèm với một nhãn dán.
7. Đưa ra hướng dẫn rõ ràng và hợp lý: Hướng dẫn cho trẻ không nên kèm theo những điều kiện như "nếu" và "nhưng". Thay vào đó, hãy làm cho trẻ nhận thức được các quy tắc cần tuân theo. Nếu trẻ không làm theo, bạn hãy yêu cầu trẻ lặp lại cho đến khi hiểu được. Việc nhắc nhở liên tục với các hậu quả thường xuyên có thể phá vỡ sự cứng đầu của trẻ.
8. Khen thưởng: Khen thưởng là một công cụ hữu ích để khuyến khích trẻ phát triển các hành vi tích cực. Khi trẻ ngoan ngoãn, cha mẹ hãy dành cho trẻ những phần thưởng xứng đáng để khích lệ trẻ tiếp tục duy trì thói quen tốt. Ví dụ, khi đi mua sắm, bạn yêu cầu trẻ chơi ngoan, không cãi nhau. Khi quay lại, bạn thấy trẻ ngoan ngoãn như lời hứa, hãy thưởng cho trẻ món kem yêu thích. Bạn sẽ thấy trẻ luôn cố gắng thể hiện tốt nhất mỗi khi có cơ hội.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/8-cach-tri-con-khong-vang-loi-post1486451.html