8 điều người thông minh không nói

Bất kể bạn tài năng đến đâu hay bạn đã đạt được những gì, có những câu có thể ngay lập tức thay đổi cách mọi người nhìn nhận về bạn.

1. "Thật không công bằng"

Mọi người đều biết rằng cuộc sống không công bằng. Nói rằng điều đó chỉ khiến bạn trông có vẻ non nớt và ngây thơ mà thôi. Thay vào đó, hãy có cái nhìn thực tế, hành động theo hướng xây dựng.

Ví dụ, bạn có thể nói: "Em thấy sếp đã giao cho An dự án lớn mà em đã rất mong đợi. Anh có thể cho em biết lý do dẫn đến quyết định đó không? Em muốn biết vì sao anh cho rằng em không phù hợp để có hướng cải thiện những kỹ năng đó."

2. "Xưa nay vẫn làm thế"

Công nghệ đang thúc đẩy sự thay đổi diễn ra nhanh hơn khi nào hết. Thậm chí một quy trình chỉ mới 6 tháng tuổi thôi cũng có thể bị lỗi thời. Khi bạn nói rằng "xưa nay vẫn làm thế", bạn không chỉ khiến người khác nghĩ rằng bạn có vẻ lười biếng và không muốn thay đổi mà còn có thể khiến sếp của bạn thắc mắc tại sao bạn không tự mình cố gắng cải thiện mọi thứ. Nếu bạn vẫn đang làm mọi thứ theo cách mà chúng vẫn luôn được thực hiện, gần như chắc chắn sẽ có một cách khác tốt hơn.

3. "Tôi sẽ thử"

Từ "thử" bạn dùng ở đây gợi lên cảm giác ngập ngừng và thiếu tự tin vào khả năng thực hiện nhiệm vụ của bản thân. Nếu bạn được yêu cầu làm điều gì đó, hãy cam kết thực hiện hoặc đưa ra giải pháp thay thế, đừng nói rằng bạn sẽ thử vì điều đó nghe như bạn sẽ không cố gắng hết sức.

4. "Cậu ta thật lười biếng/kém cỏi"

Thật tệ khi bạn đưa ra những lời nhận xét như vậy về đồng nghiệp của mình. Ngay cả khi chúng là sự thật thì bạn cũng không cần là người chỉ ra điều đó.

Môi trường nào cũng vậy, sẽ luôn có những người với tính cách, khả năng khác nhau. Nếu bạn không có khả năng giúp họ cải thiện hoặc sa thải họ, đâu ích gì khi bạn đi nói khắp nơi về sự kém cỏi của họ. Điều này hoàn toàn không giúp bạn giỏi hơn, tốt hơn chút nào mà chỉ khiến đồng nghiệp khác có cái nhìn tiêu cực về bạn.

5. "Điều đó không có trong bản mô tả công việc của tôi"

Câu nói này nghe như bạn chỉ sẵn sàng làm những công việc tối thiểu cần thiết để tiếp tục nhận tiền lương và điều này thật kém chuyên nghiệp.

Nếu sếp của bạn yêu cầu bạn làm điều gì đó mà bạn cảm thấy không phù hợp với vị trí của mình, cách tốt nhất là hãy hoàn thành nó hết sức. Sau đó, hãy lên lịch nói chuyện với sếp của bạn để thảo luận về vai trò của bạn trong công ty, liệu bản mô tả công việc của bạn có cần cập nhật hay không. Điều này sẽ khiến bạn trông chuyên nghiệp hơn cũng như để sếp đánh giá sát hơn về năng lực của bạn.

6. "Đó không phải lỗi của tôi"

Đổ lỗi dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều không phải là điều hay. Nếu bạn có bất kỳ vai trò nào (dù nhỏ đến đâu) trong bất kỳ sai lầm nào, hãy nhận trách nhiệm. Nếu sự việc đó hoàn toàn không liên quan đến bạn, hãy đưa ra lời giải thích khách quan về những gì đã xảy ra, bám sát sự thật và để sếp cũng như đồng nghiệp của bạn tự rút ra kết luận về việc ai là người có lỗi.

Khi bạn chỉ tay vào người khác và đổ lỗi, đó là lúc mọi người đều thấy sự thiếu trách nhiệm của bạn. Một số sẽ tránh làm việc với bạn và những người khác sẽ tấn công và đổ lỗi cho bạn khi có sự cố xảy ra lần sau.

7. "Tôi không thể"

Câu nói "Tôi không thể" cho thấy bạn không sẵn sàng làm những gì cần thiết để hoàn thành công việc. Nếu bạn thực sự không thể làm điều gì đó vì bạn thực sự thiếu những kỹ năng cần thiết, bạn cần đưa ra một giải pháp thay thế. Thay vì nói những gì bạn không thể làm, hãy nói những gì bạn có thể làm.

Ví dụ, thay vì nói "Tôi không thể ở lại muộn tối nay", hãy nói "Tôi có thể đến sớm vào sáng mai, được chứ?"

8. "Tôi ghét công việc này"

Không ai muốn phải nghe những lời phàn nàn của người khác về công việc. Điều này khiến bạn trở nên tiêu cực hơn và làm giảm tinh thần của cả nhóm. Các ông chủ rất nhanh chóng trong việc nắm bắt những người như vậy, những người làm giảm đi tinh thần làm việc của nhóm và biết rằng luôn có những người sẵn sàng thay thế ở gần đó.

BẢO ANH.

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/8-dieu-nguoi-thong-minh-khong-noi-512022231217384286.htm