8 hiệp hội kiến nghị gỡ điểm nghẽn thể chế

8 hội, hiệp hội ngành hàng lớn của Việt Nam đã gửi văn bản góp ý tới Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành liên quan về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

Nhiều yêu cầu mới tăng điều kiện kinh doanh

8 hội, hiệp hội gồm: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Chè Việt Nam, Công ty TNHH Canon Việt Nam, và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao.

Trong công văn gửi tới Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành liên quan về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, các hội, hiệp hội ngành hàng cho biết, đây là hai luật gốc rất quan trọng, chi phối toàn bộ hàng hóa, sản phẩm sản xuất – nhập khẩu – xuất khẩu tại Việt Nam.

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu dự thảo, các hội, hiệp hội nhận thấy, một số quy định trong dự thảo chưa hoàn toàn theo đúng tinh thần cải cách quyết liệt. Nhiều quy định còn tạo ra các điểm nghẽn cho sản xuất, kinh doanh, không phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế, thậm chí gây rào cản thương mại.

Công văn của 8 hiệp hội nêu hai nhóm vấn đề lớn. Thứ nhất, dự thảo chưa tiếp thu các kiến nghị trọng yếu của doanh nghiệp, liên quan đến ba điểm nghẽn lớn: thủ tục công bố hợp quy phức tạp, phân loại hàng hóa nhóm 1 - nhóm 2 thiếu cơ sở khoa học, và chưa loại trừ hàng hóa xuất khẩu, nguyên liệu, thiết bị nhập khẩu phục vụ sản xuất.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thứ hai, các quy định mới phát sinh nhiều rào cản, tăng điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính từ 100% đến 900%, trái với chỉ đạo cải cách. Nhiều yêu cầu như bắt buộc dùng nhãn điện tử, báo cáo định kỳ chất lượng nhập khẩu, phân loại thực phẩm vào nhóm 2, tiền kiểm hàng hóa rủi ro cao... bị đánh giá là bất hợp lý, nặng thủ tục, không phù hợp thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, dự thảo chưa rõ cơ quan chịu trách nhiệm quản lý chất lượng, nhiều quy định khác như truy xuất toàn bộ chuỗi cung ứng, công bố tiêu chuẩn trên cơ sở dữ liệu quốc gia, yêu cầu dấu hợp chuẩn, quản lý hàng xách tay như hàng thương mại... cũng bị cho là khó khả thi, gây thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Kiến nghị gỡ 3 điểm nghẽn

Trước những vấn đề trên, các hội, hiệp hội ngành hàng kiến nghịgộp Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật vào thành 1 chương trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa để tạo sự thống nhất trong quản lý, vì tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là căn cứ chính để quản lý chất lượng hàng hóa.

Tháo gỡ 3 điểm nghẽn lớn hiện tại. Thứ nhất, bãi bỏ thủ tục công bố hợp quy, thay vào đó doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo quy chuẩn hoặc tiêu chuẩn của hàng hóa (ngoại trừ sản phẩm đặc biệt cần đăng ký theo luật chuyên ngành); cơ quan quản lý tiến hành hậu kiểm theo quản lý rủi ro.

Thứ hai, bãi bỏ phân loại hàng hóa nhóm 1 và 2, thay bằng quy định quản lý rủi ro theo thông lệ quốc tế với 3 mức độ (thấp, trung bình, cao) theo ISO. Việc kiểm tra chất lượng dựa trên 3 tiêu chí: mức độ rủi ro bản chất hàng hóa; hệ thống quản lý chất lượng và lịch sử tuân thủ của tổ chức/cá nhân; có dấu hiệu vi phạm hay cảnh báo quốc tế. Hàng hóa nguy cơ thấp/trung bình được miễn tiền kiểm hoặc tiền kiểm tần suất thấp, chủ yếu hậu kiểm; hàng hóa nguy cơ cao tiền kiểm tần suất cao và hậu kiểm.

Thứ ba, quy định hàng hóa xuất khẩu, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất/gia công hàng hóa xuất khẩu không phải áp dụng các quy định đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam, chỉ tuân thủ quy định của nước nhập khẩu để tháo gỡ rào cản cho xuất khẩu.

Các hiệp hội đề nghị bãi bỏ những quy định mới gây điểm nghẽn. Theo đó, khuyến khích chứ không bắt buộc áp dụng mã số, mã vạch, mã truy xuất nguồn gốc, hộ chiếu số, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và các công nghệ khác; luật chỉ quy định khung về trách nhiệm truy xuất nguồn gốc của nhà sản xuất.

Bãi bỏ các quy định tăng thủ tục hành chính/điều kiện kinh doanh bất hợp lý hoặc làm tăng tiền kiểm. Đồng thời quy định rõ các Cơ quan chịu trách nhiệm quản lý an toàn, chất lượng hàng hóa.

Bãi bỏ các quy định mới bất hợp lý khác như yêu cầu truy xuất nguồn gốc toàn bộ chuỗi, đánh giá rủi ro định kỳ chung chung, cung cấp tài liệu bí mật kỹ thuật, áp dụng dấu hợp chuẩn/hợp quy cho hàng nhập khẩu, quản lý hàng xách tay như hàng thương mại, quy trách nhiệm không rõ ràng cho người bán.

Các hội, hiệp hội kỳ vọng luật sửa đổi, nếu được điều chỉnh hợp lý, sẽ là bước đột phá chiến lược, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chất lượng hàng hóa, tạo thuận lợi cho xuất khẩu và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/hiep-hoi-doanh-nghiep/8-hiep-hoi-kien-nghi-go-diem-nghen-the-che/20250428100952335