8 loại trà có thể giúp làm dịu cơn ho
Đồ uống nóng như trà là một cách tự nhiên để làm dịu cơn ho dai dẳng. Trà không chỉ cung cấp nước cho cơ thể mà còn làm dịu cổ họng bị kích thích và làm loãng chất nhầy...
Trà giúp giảm ho theo nhiều cách. Độ ấm của trà có thể làm dịu mô bị viêm ở cổ họng. Đồ uống ấm cũng có thể hoạt động như một chất long đờm tự nhiên, nghĩa là chúng giúp làm loãng và làm sạch chất nhầy. Ngoài ra, nhiều loại trà có chứa các hợp chất có tác dụng kháng khuẩn và chống oxy hóa, một số loại trà thậm chí có thể làm giảm đau.
1. Một số loại trà làm giảm ho
1.1. Trà mật ong
Trà mật ong là một cách tự nhiên để điều trị ho. Một nghiên cứu cho thấy rằng uống mật ong trong tối đa ba ngày có thể làm giảm ho về đêm ở trẻ em nhiều hơn một số loại thuốc ho không kê đơn (OTC). Hãy nhớ rằng trẻ em dưới 1 tuổi không nên dùng mật ong.
Để pha trà mật ong, hãy cho một hoặc hai thìa mật ong với loại trà nóng yêu thích của bạn. Một số người cũng thích thêm chanh vào đồ uống.
1.2. Trà rễ cam thảo
Rễ cam thảo là một loại thảo mộc được sử dụng trong y học Trung Quốc, có thể ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và virus. Nó chứa hơn 300 flavonoid, có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm. Một nghiên cứu trên chuột cho thấy các hợp chất trong cam thảo có thể làm giảm tần suất ho từ 30% đến 78% (mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn trên người).
Lưu ý, phụ nữ mang thai nên tránh tiêu thụ rễ cam thảo. Dùng quá nhiều cam thảo cũng có thể ảnh hưởng đến mức huyết áp…

Trà, đồ uống giúp giảm ho, làm dịu cổ họng bị kích thích và làm loãng chất nhầy, làm dịu mô bị viêm ở cổ họng.
1.3. Trà gừng
Trà gừng được làm từ rễ gừng, có nhiều lợi ích về mặt y học. Gừng có thể giúp làm loãng chất nhầy và làm sạch chất nhầy khỏi phổi. Trong một nghiên cứu trên động vật, chiết xuất gừng làm giảm đáng kể các cơn ho (tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu trên người).
Bạn có thể mua trà gừng pha sẵn hoặc tự pha bằng cách cho gừng tươi vào nước sôi trong khoảng 15 phút. Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều gừng có thể dẫn đến khó chịu ở dạ dày, tiêu chảy hoặc ợ nóng. Gừng cũng có thể tương tác với thuốc làm loãng máu.
1.4. Trà rễ cây Marshmallow
Rễ cây Marshmallow có thể làm dịu cơn đau họng và giảm viêm. Một nghiên cứu cho thấy nó có thể giúp làm loãng chất nhầy và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.
Không giống như các loại trà khác, trà rễ cây marshmallow nên được uống ở nhiệt độ phòng. Một chất nhầy hình thành khi nó được ngâm ở nhiệt độ phòng giúp bao phủ cổ họng và làm dịu các mô bị kích thích.
Lưu ý, rễ cây Marshmallow có thể tương tác với cách cơ thể hấp thụ các loại thuốc khác, vì vậy bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng.
1.5. Trà xanh
Trà xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trà xanh cũng có thể làm dịu cơ thể khi bạn bị ốm. Một nghiên cứu cho thấy súc miệng bằng trà xanh giúp giảm ho ở bệnh nhân phẫu thuật tim. Tuy nhiên, trà này không giúp ích cho các triệu chứng khàn giọng.
Lưu ý, trà xanh có chứa caffeine, vì vậy bạn không nên uống trà xanh trước khi đi ngủ.

Súc miệng bằng trà xanh giúp giảm ho...
1.6. Trà bạc hà
Trà bạc hà cũng có tác dụng tốt để giảm ho. Nghiên cứu cho thấy lợi ích của bạc hà bao gồm chất chống oxy hóa, giảm đau và đặc tính kháng khuẩn, có thể giúp bạn chống lại cảm lạnh. Menthol trong bạc hà cũng có thể giúp bạn thở dễ hơn.
1.7. Trà húng tây
Húng tây là một loại gia vị thường được sử dụng trong nấu ăn, nhưng cũng có thể được ngâm trong trà để giảm ho. Một nghiên cứu cho thấy chiết xuất húng tây dùng với cây thường xuân giúp giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng của cơn ho cấp tính ở những người bị viêm phế quản. Thêm 1 cốc nước sôi và 2 thìa lá húng tây nghiền nát để pha trà húng tây.
1.8. Trà cơm cháy
Cơm cháy là một thành phần phổ biến trong siro ho và cũng có thể được sử dụng trong trà. Lợi ích của cơm cháy bao gồm đặc tính chống viêm có thể giúp làm dịu cơn ho. Nó cũng có thể cung cấp hỗ trợ miễn dịch để chống lại cảm lạnh nhanh hơn.
2. Các biện pháp khắc phục tại nhà giảm ho
Có nhiều cách khác để làm dịu cơn ho:
Uống các chất lỏng ấm khác hoặc súp
Sử dụng máy tạo độ ẩm
Tắm nước nóng để làm loãng chất nhầy
Súc miệng bằng nước muối
Sử dụng thuốc OTC để giảm ho…
Hầu hết các cơn ho sẽ tự khỏi sau một thời gian. Hãy đi khám nếu cơn ho kéo dài hơn 10 đến 14 ngày, có đờm màu xanh lá cây hoặc vàng hoặc ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày…
5 cách giảm ho đờm tại nhà | SKĐS
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/8-loai-tra-co-the-giup-lam-diu-con-ho-169250517145136188.htm