Chuyên gia chỉ cách đơn giản bảo vệ sức khỏe khi sử dụng điều hòa mùa nắng nóng

Phòng điều hòa đóng kín không có thông gió, nồng độ CO2 sẽ cao vượt chuẩn. Giải pháp chuyên gia đưa ra là bật quạt trần hoặc quạt tường khi dùng điều hòa, mở hé cửa, sử dụng quạt thông gió...

Có cần mua thêm quạt đối lưu khi dùng điều hòa nhiệt độ?

"Điều hòa không giết ai, nhưng thiếu hiểu biết thì có đấy" là tiêu đề một chia sẻ trên các mạng xã hội những ngày gần đây. Theo chia sẻ của một tài khoản facebook mang tên Đinh Hùng Vương thì việc ngủ trong phòng điều hòa thiếu oxy và nhiều CO2 do cửa đóng kín khiến cơ thể rất mệt mỏi. Do vậy phải mua thêm quạt đối lưu hoặc hé cửa phòng khi ngủ.

Nên dùng quạt kết hợp khi bật điều hòa sẽ tốt cho sức khỏe.

Nên dùng quạt kết hợp khi bật điều hòa sẽ tốt cho sức khỏe.

Nội dung bài chia sẻ cụ thể như sau:

Bình thường ai cũng vậy thôi bật điều hòa thì phải đóng kín cửa để tiết kiệm điện, giữ mát lâu. Nghe thì hợp lý. Nhà nào cũng làm vậy, cả tôi trước đây cũng thế. Nhưng dạo gần đây trời mới nóng bật điều hòa nhiều, tôi bắt đầu để ý vì sao ngủ dậy thấy người mệt rũ, đầu đau như búa bổ, tim đập nhanh bất thường… mà điều hòa thì vẫn chạy êm, phòng thì mát?

Tôi có hẳn cái máy đo CO2 về thử trong phòng ngủ. Đêm đóng cửa bật điều hòa ngủ ,sáng dậy giật mình chỉ số lên 2000 ppm. Trong khi mức an toàn phải dưới 700. Ngủ kiểu đó vài năm rồi hỏi sao người lúc nào cũng mệt, đầu đặc như khói. Chưa kể lâu dài là nồng độ CO2 cao có thể gây mệt mỏi, giảm sự tỉnh táo, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Nếu kéo dài trong môi trường không thông khí, có thể tác động đến sức khỏe tổng thể đặc biệt với trẻ nhỏ và người già.. Nguy hiểm ở chỗ, nó âm thầm không màu, không mùi, không kêu gào gì cả.

Nên tôi khuyên thật là đàn ông, lo cho vợ con, cho ba mẹ thì lo tận gốc: Mua cái quạt đối lưu mà lắp. Hoặc mở hé cửa, bật quạt nhỏ cũng được. Đừng tiếc điện mà hại sức khỏe.

Chia sẻ từ một tài khoản facebook khác viết: "Tôi làm tóc 13 năm rồi, gặp ít cũng hơn 20.000 ngàn khách, từ doanh nhân tới bà nội trợ, từ em bé tới cụ ông. Có người rụng tóc, mệt mỏi, stress, mất ngủ kéo dài… tưởng là do hormone, do tuổi. Nhưng hỏi kỹ mới thấy: đêm nào cũng đóng kín cửa ngủ điều hòa. Đó không phải là chuyện nhỏ. Cái phòng điều hòa không có lỗi. Lỗi là ở mình không chịu hiểu nó".

Theo TS Hà Anh Tùng, Bộ môn Công nghệ nhiệt lạnh, Đại học Bách khoa TPHCM, quy định về tốc độ thông gió thì lưu lượng không khí tươi tối thiểu cần cung cấp cho mỗi người và mỗi đơn vị diện tích sàn tùy thuộc vào loại hình không gian và mật độ người sử dụng.

Chênh lệch nồng độ CO2 so với ngoài trời, một hướng dẫn quan trọng trong các thảo luận của các chuyên gia gần đây là duy trì nồngộ CO2 trong nhà không cao hơn mức chênh lệch nhất định so với nồng độ CO2 ngoài trời. Tiêu chuẩn ASHARE 62.1.2022 khuyến nghị duy trì nồng độ CO2 ở trạng thái ổn định trong không gian trong nhà cao hơn 700ppm so với mức không khí ngoài trời. Nếu nồng độ CO2 ngoài trời là khoảng 40 ppm thì mức CO2 trong nhà tương sẽ khoảng 1100 ppm.

Dù không giới hạn chính thức thì mức 1000 ppm CO2 vẫn thường được sử dung như một hướng dẫn chung hoặc một quy tắc trong sử dụng điều hòa. Chỉ báo thông gió trong nhiều không gian văn phòng và trường học điển hình, việc duy trì CO2 dưới 100 ppm thường cho thấy hệ thống thông gió ang hoạt động tương đối tốt trong việc pha loãng các chất ô nhiễm do con người gây ra. Nồng do CO2 cao hơn (ví dụ trên 1000-1500 ppm) thường đi kèm với cảm giác ngột ngạt, buồn ngủ và mất khả năng tập trung.

Phòng điều hòa đóng kín không có thông gió, nồng độ CO2 sẽ cao vượt chuẩn. TS Hà Anh Tùng cho biết, tại Bộ môn Công nghệ Nhiệt lạnh, Đại học Bách khoa TP.HCM có một máy đo nồng độ CO2. Mặc định máy được cài chế độ báo động (đèn đỏ sáng và loa phát ra âm thanh) khi nồng độ CO2 vượt quá 1000ppm.

Trong các khóa về đào tạo doanh nghiệp về quản lý, kiểm toán năng lượng, khi mang theo máy này để đo trực tiếp nồng độ CO2 trong các phòng lắp máy lạnh nhưng không có thông gió thì chỉ từ sáng đến trưa hoặc sau vài giờ sử dụng là nồng độ CO2 vượt quá 2000 ppm. Khi giảng dạy cho sinh viên và doanh nghiệp tôi cũng đều luôn khuyến cáo mọi người về vai trò đảm báo nồng độ CO2 (tương ứng với nồng độ O2) trong phòng", TS Hà Anh Tùng nói.

Giải pháp tăng đối lưu thông gió cho phòng ngủ gia đình

Theo TS Hà Anh Tùng, khi sử dụng máy điều hòa không phải phải luôn đảm bảo lượng gió tươi cấp vào phòng tính trên số lượng người trong phòng, tức cần có gió "sạch" tương ứng với gió "bẩn" thải ra từ trong phòng.

Theo quan sát của TS Tùng thì hầu hết các máy lạnh 2 cục được lắp trong phòng ngủ tại gia đình rất ít nơi gắn thêm quạt hút đục xuyên tường. Mọi người khi vào phòng lại toàn đóng kín cửa để tiết kiệm điện thì vô tình chính chúng ta đang làm hại cơ thể mình.

Do vậy chuyên gia khuyên, trong không gian kín sử dụng điều hòa không khí mà không thông gió, cần mở hé cửa chính, cửa sổ (và đảm bảo thông ra các không gian thoáng ví dụ như ngoài trời). Trong phòng nên chạy thêm một quạt để đảo gió, giúp đối lưu không khí đồng đều trong phòng.

Đặc biệt ở các lớp học với số lượng học sinh rất đông, nhất thiết phải sử dụng quạt thông gió hoặc kết hợp với quạt trần, quạt bàn để bổ sung khí tươi, tránh tình trạng học sinh mệt mỏi, uể oải do thiếu dưỡng khí trong phòng.

Hiện nay nhiều không gian đông người như trung tâm thương mại, các khu dịch vụ ... cũng đã lắp thêm các quạt trần sải cánh lớn vài mét, chạy tốc độ thấp giúp nhiệt độ và chất lượng không khí đồng đều trong không gian rộng

TS Trần Ngọc Quang, Hội Lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam có chung nhận định này. Chuyên gia khuyên khi sử dụng máy điều hòa nên bật quạt trần kết hợp. Ngoài việc tiết kiệm điện, việc bật quạt trần có 3 tác dụng sau đây:

Thứ nhất, giúp tăng tốc độ gió qua bề mặt da, tạo cảm giác mát hơn... (cảm nhận về nhiệt độ không khí của con người phụ thuộc 5 yếu tố là nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, bức xạ từ môi trường xung quanh và lượng quần áo chúng ta đang mặc).

Thứ hai, giúp đưa gió giàu oxy hơn từ không gian trên đầu chúng ta xuống "vùng làm việc", tiếng Anh là "occupied space", tức không gian trong phòng với độ cao khoảng 2 mét (tính từ sàn) xuống sàn.

Thứ ba, giúp tăng "hệ số hiệu quả gió tươi" của phòng hay của hệ thống, được định nghĩa là tỉ số giữa lượng gió tươi "có tác dụng" trên lượng gió tươi cấp vào (ví dụ chúng ta cấp gió tươi vào phòng với lưu lượng 100 m3/h nhưng chỉ có 60 m3/h đến được "vùng làm việc" thì "hệ số hiệu quả gió tươi" sẽ bằng 0,6, tức 60%).

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-chi-cach-don-gian-bao-ve-suc-khoe-khi-su-dung-dieu-hoa-mua-nang-nong-169250518103235271.htm