Phật tính giữa đường

Có khi, bạn không nhận ra mình đang ngang qua một mái chùa, cho đến lúc giật mình bởi một tiếng chuông…

Một phụ nữ ăn mặc sành điệu, hất hàm, “nhất dương chỉ” về phía tôi khi tôi chụp ảnh cổng chùa từ bên kia đường. Chiếc mercedes đời mới của chị đỗ trên vỉa hè. “Này, chụp gì đấy?” - chị hỏi.

Tôi định không trả lời vì chẳng liên quan. Nhưng rồi, không muốn người kia phải lo lắng đề phòng, tôi nói chụp phong cảnh. Chị gái lườm một cái sắc lẹm, rồi mở cửa xe đón một thầy tu, nổ máy rời đi.

Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, tâm thức người Việt. Ở đâu có mái chùa, ở đó có tâm hướng Phật

Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, tâm thức người Việt. Ở đâu có mái chùa, ở đó có tâm hướng Phật

Đó là một ngôi chùa kiến trúc Mật tông trên đường Kim Giang, nơi có những cây bồ đề chụm vào nhau từ hai bên đường tạo thành vòm xanh mát mắt, nơi những cây sưa bắt đầu vàng rực, và hoa sứ trắng muốt cách đó không xa.

Tôi bâng khuâng tự hỏi, điều gì khiến nữ tài xế kia lo âu nhiều thế, ngay giữa khung cảnh đẹp thế này, và dù mới bước ra từ cửa Phật?

Phật giáo đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, tâm linh người Việt. Nhiều người thực hành nghi lễ, hoặc tỏ lòng kính ngưỡng những giá trị đạo đức tốt đẹp, nhân văn trong tư tưởng của Đức Thích Ca Mâu Ni.

Song, giữa việc sùng bái, cung kính trong không gian thờ tự và việc thực hành những giá trị đó trong đời sống thường ngày, đôi khi còn nhiều khoảng cách.

Ngang qua mái chùa, có người vội đến mức không nhận ra, cho đến khi giật mình bởi một tiếng chuông

Ngang qua mái chùa, có người vội đến mức không nhận ra, cho đến khi giật mình bởi một tiếng chuông

Dừng ở một ngã tư dưới trời nắng chang chang, đèn đỏ hơn trăm giây, cái “tôi” sốt ruột, bực bội bất chợt khởi lên nếu có ai đó phía sau bấm còi inh ỏi. Người dễ dãi sẽ chặc lưỡi dấn ga, coi như mình bị ép vượt đèn.

Người thiếu kiềm chế có thể đáp lại bằng một lời gắt gỏng. Mặc dù, trên thực tế, bạn không nhất thiết phải vượt đèn đỏ để nhường đường, lại càng không cần phản ứng.

Ngang qua một thanh niên ngổ ngáo, cú lạng lách nẹt pô khiến bạn giật bắn mình. Dù không đuổi theo, nhưng hàng loạt lời lẽ giận dữ thậm tệ đã tuôn ra trong đầu, thậm chí trào lên trên miệng.

Bạn cần xả nỗi bức xúc đang phừng phừng trỗi dậy.

Bạn biết đâu, kẻ rất đáng trách kia có thể gặp nạn bất cứ lúc nào vì cách đi bất chấp của anh ta.

Và ai biết được, đằng sau sự ngông ngênh ấy là một cái tôi bất ổn, hình thành từ một gia đình không bình thường, không may mắn có đủ tình thương yêu và sự dạy dỗ.

Anh ta đáng giận, nhưng có thể, cũng rất đáng thương! Khi cơn giận soán ngôi, tình thương bị chiếm chỗ.

Trong đám tắc đường, phần lớn đều cho rằng “tôi vội nhất”, và “việc tôi quan trọng hơn”, khiến sự nhường nhịn trở nên hiếm hoi, tắc đường càng nghiêm trọng.

Những con đường sẽ đẹp đẽ và đáng yêu nếu “Phật tính” hiển lộ mọi nơi, chứ không chỉ khi ngang qua một mái chùa

Những con đường sẽ đẹp đẽ và đáng yêu nếu “Phật tính” hiển lộ mọi nơi, chứ không chỉ khi ngang qua một mái chùa

Giá mà cái “tôi” hạ xuống một chút, mỗi người bình tĩnh để nhận ra: cả một đám đông “vón cục” này đang liên hệ mất thiết với nhau, lùi lại để mở lối cho người cũng chính là tự giúp ta.

Tiếc rằng, cái “tôi” quá to, sự hơn thua đã che mờ lý trí.

Trong một nhịp sống như thể chạy đua, có khi, bạn không để ý là mình đang ngang qua một ngôi chùa, bạn chỉ giật mình khi bất chợt nghe thấy một hồi chuông.

Bạn lao đi kiếm tìm những phương tiện để đạt được an lạc, nhưng rồi an lạc vẫn ở đâu đó rất xa xôi. Tâm trí không ở đây, thân - tâm không là một.

Trong khi, nếu để tâm lắng nghe, quán sát, bạn dễ dàng nhận ra: niềm vui ngay dưới chân mình.

Đại lễ Phật Đản và lễ cung rước xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni về chùa Quán Sứ trong tuần qua thu hút rất đông người dân tới tham quan, chiêm bái. Nét hoan hỉ hiện lên gương mặt những người rời khỏi con phố này. Song, đâu đó ở đoạn xếp hàng, đã có những chen lấn, tranh lượt, thậm chí nặng lời với nhau, vô tình làm tổn thương nhau bằng lời nói. Lời nói sắc như dao, chỉ vì quá nôn nóng mong cầu mà đeo tràng hạt trên tay vẫn có thể quên đi chánh ngữ.

“Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Nhiều tăng sĩ vẫn lặp lại lời dạy này của cha ông ta trong các thời pháp, để nhắc nhở việc rèn luyện đạo đức trong nhiều môi trường khác nhau. Càng những nơi phức tạp, ô hộn, càng là nơi thử thách người tu.

Ai cũng đang trên con đường “tu” của chính mình, sửa mình mỗi ngày cho bớt đi sự khó thương, để thêm phần dễ thương, dễ mến. Con đường sẽ đẹp biết bao, nếu Phật tính hiển lộ nơi nơi, mà chẳng phải đợi lúc ngang qua một mái chùa.

Kiều Tuyết/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/phat-tinh-giua-duong-post1200263.vov