8 ngày trong rừng rậm Việt Nam của hành khách duy nhất sống sót vụ máy bay rơi
Annette Herfkens coi 8 ngày nằm trong rừng hoang ở Khánh Hòa, với thân thể bầm dập cùng đói khát là một món quà tặng khắc nghiệt mà cuộc sống mang đến để thử thách bà.
Vào ngày 14/11/1992, Annette Herfkens, người Hà Lan, đang trên chuyến bay từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Nha Trang cùng chồng chưa cưới thì máy bay của họ rơi trong rừng, Herfkens là người sống sót duy nhất.
Khi máy bay của họ gặp trục trặc đầu tiên, Annette Herfkens đã nắm lấy tay hôn phu của mình. Sau đó, chiếc máy bay lao xuống, rồi thế giới của Herfkens chẳng còn gì ngoài bóng tối và tiếng la hét của những hành khách đồng hành.
Khi tỉnh lại, Herfkens đang ở trong rừng, xung quanh là những người chết và hấp hối. Herfkens phải đối mặt với sự lựa chọn: Cô có thể đầu hàng trước sự hoảng loạn và tuyệt vọng, hoặc có thể sống sót.
Trong 192 giờ tiếp theo, Annette Herfkens đã đưa ra những quyết định nhỏ nhưng đầy ý thức khiến trái tim cô vẫn đập ngay cả khi những người sống sót xung quanh dần ra đi. Cô tập trung vào không gian, kiểm soát hơi thở và buộc mình không được khóc. Cô tin tưởng rằng cuộc giải cứu sẽ đến - và nó thực sự đã đến.
Đó là câu chuyện ấn tượng về người sống sót sau vụ tai nạn máy bay khiến Annette Herfkens đã phải trải qua 8 ngày trong rừng rậm ở thung lũng Ô Kha, tỉnh Khánh Hòa.
Trước ngày định mệnh đó, Annette Herfkens đã sống một cuộc đời thật ấn tượng. Cô sinh ra ở Venezuela với cha mẹ là người Hà Lan và lớn lên ở Hà Lan. Ở đó, Herfkens theo học trường luật, rồi làm trong ngành ngân hàng. Công việc đã đưa cô đi khắp thế giới và Herfkens đã phá vỡ mọi rào cản khi trở thành nữ giám đốc điều hành đầu tiên được một ngân hàng Hà Lan cử ra nước ngoài.
Người mà Herfkens gắn bó trong 13 năm hành trình cuộc đời mình là Willem van der Pas, chồng sắp cưới và là bạn đại học thân thiết của cô.
Herfkens kể lại với tờ New York Post: “Từ năm thứ tư đại học, chúng tôi đã biết mình được định sẵn thành đôi. Sau này, vì làm việc trong ngành ngân hàng, chúng tôi sống cùng nhau hoặc có khi sống riêng tại nhiều thủ đô tài chính khác nhau ở Nam Mỹ và châu Âu”.
Herfkens trở thành một nhà giao dịch trái phiếu, còn Van der Pas là một quản lý ngân hàng. Tính chất công việc đôi khi khiến việc họ gặp nhau cũng khó khăn. Và đến năm 1992, Pasje làm việc tại Việt Nam, trong khi Herfkens làm tại Madrid. Vì vậy, tháng 11 năm đó, họ đã sắp xếp một cuộc gặp mặt tại Việt Nam.
Herfkens đã không gặp Pasje trong 8 tuần cho đến khi họ hội ngộ ở Thành phố Hồ Chí Minh. Trong cuộc gặp vui mừng, Pasje thông báo rằng anh có một bất ngờ dành cho cô - một kỳ nghỉ 5 ngày tới Nha Trang.
Nha Trang là một thành phố ven biển xinh đẹp nhưng họ cần phải đi máy bay để đến đó. Và chuyến bay đó đã thay đổi mãi mãi cuộc đời Annette Herfkens.
Bi kịch chuyến bay 474
Herfkens đã rất hào hứng với chuyến đi đến Nha Trang, cho đến khi cô nhìn thấy chiếc máy bay họ sẽ lên để đến đó. Đó là một chiếc phi cơ nhỏ Ykovlev Yak-40 do Liên Xô sản xuất, đã vận hành 16 năm; kích thước nhỏ và tuổi đời của nó khiến Herfkens có cảm giác lo lắng.
Thậm chí Herfkens cảm thấy ngột ngạt đến mức ban đầu cô từ chối lên máy bay. Nhưng Pasje đã thuyết phục cô rằng chuyến bay chỉ kéo dài 20 phút (thực tế là khoảng một giờ). Cuối cùng, Herfkens lên máy bay, ngồi vào chỗ của mình cùng với 23 hành khách khác và sáu thành viên phi hành đoàn.
Đang bay được khoảng 50 phút thì máy bay bất ngờ lao thẳng xuống. Đó là khi máy bay đâm vào vách núi lần đầu, một cánh bị gãy nhưng vẫn còn hoạt động được.
Herfkens nhớ lại: “Có tiếng động cơ tăng tốc. Sau đó là một cú rơi lớn và mọi người bắt đầu la hét. Chúng tôi nhìn nhau, anh ấy đưa tay ra nắm lấy tay tôi, tôi nắm tay anh ấy, và rồi mọi thứ trở nên tối đen”.
Sống sót sau 192 giờ trong rừng rậm
Annette Herfkens tỉnh dậy trong cơn ác mộng. Một người lạ đã chết phía trên đầu cô. Gần đó, Pasje cũng đã chết.
“Anh ấy có nụ cười rất đẹp trên khuôn mặt nhưng lúc này mặt anh trắng bệch, giống như một người chết”, Herfkens kể lại đau xót.
Không rõ bằng cách nào đó Herfkens đã văng khỏi máy bay và rơi xuống khu rừng. Cô sống sót sau vụ va chạm, nhưng không phải không bị thương nặng. Herfkens bị gãy 12 xương ở hông và đầu gối, hàm bị lung lay và một bên phổi của cô bị xẹp.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người trên máy bay đều thiệt mạng. Ban đầu Herfkens còn có một người sống sót đồng hành là một doanh nhân Việt Nam. Ông nói với cô rằng cuộc giải cứu sẽ đến và thậm chí còn cho Herfkens một chiếc quần vì váy của cô đã bị rách. Nhưng doanh nhân ngày càng yếu đi. Ông và những người sống sót khác lần lượt ra đi.
Sau đó, Annette Herfkens ở một mình trong rừng. Sau này cô nhớ lại: “Trong những ngày tiếp theo, mặc dù rất đau buồn cho Pasje nhưng tôi vẫn tập trung vào sự sống còn của mình. Tôi còn lựa chọn thay thế nào khác đâu?”
Để sống sót, Herfkens đã cố lết trong đau đớn đến cánh máy bay để lấy chất lỏng cách nhiệt làm nước uống. Cô buộc mình không được khóc, vì cô biết một khi đã bắt đầu thì cô sẽ không thể dừng lại được. Rồi Herfkens tập trung vào khung cảnh xung quanh, cô đặt tâm trí vào những chiếc lá, tới màu sắc, dáng hình, chuyển động của chúng, cố gắng để không nhìn tới cảnh tượng hãi hùng xung quanh mình.
Herfkens giải thích: “Tôi tin rằng họ sẽ tìm thấy tôi… Tôi không nghĩ: 'Nếu hổ đến thì sao?' Mà tôi nghĩ: 'Tôi sẽ xử lý thế nào khi hổ đến’. Tôi không nghĩ: 'Nếu mình chết thì sao?’, mà nghĩ: 'Tôi sẽ thấy điều đó nếu tôi chết.'”
Tám ngày sau đó, một dân quân Việt Nam đã phát hiện ra hiện trường vụ tai nạn. Herfkens kể, thoạt đầu anh ta bỏ chạy vì sợ. Cô giải thích: “Anh ấy nghĩ tôi là ma - anh ấy chưa bao giờ nhìn thấy một phụ nữ da trắng trong rừng". Nhưng người đàn ông đã báo cho chính quyền địa phương và quay trở lại. Sau 192 giờ vật lộn để sinh tồn, Herfkens cuối cùng cũng được giải cứu.
Hành trình hồi phục kéo dài
Annette Herfkens trở lại Việt Nam vào năm 2006 để thăm địa điểm máy bay rơi và gặp lại ông Cao Văn Hạnh, người đầu tiên tìm thấy cô.
Herfkens đã sống sót qua điều không thể. Nhưng tiếp đó còn là một chặng đường dài để hồi phục. Ngoài những vết thương về thể xác, trái tim cô đầy đau thương với sự ra đi của Pasje, vị hôn phu gắn bó suốt 13 năm.
“Tôi không cảm thấy như mình là góa phụ”, cô nhớ lại. “Tôi đã đến dự đám tang của anh. Được đưa vào nhà thờ trên cáng, tôi cảm thấy như siêu thực - giống như một cô dâu được đưa xuống lối đi để gặp chú rể trong quan tài của anh ấy.”
Tuy nhiên, cuộc sống của Annette Herfkens vẫn tiếp diễn. Cô quay trở lại với công việc của mình ở Madrid và sau đó kết hôn với một đồng nghiệp và có hai con. Họ định cư ở Thành phố New York, nơi Herfkens tập trung vào gia đình và chăm sóc cho cậu con trai được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ.
Annette Herfkens chia sẻ rằng việc không thắt dây an toàn có thể đã vô tình cứu mạng cô, vì dây an toàn của những hành khách khác đã nghiền nát xương sườn và phổi của họ. Cô cũng biết được rằng mình đã làm “tất cả những điều đúng đắn” để sống sót trong tình huống nguy hiểm. Herfkens lập kế hoạch, uống đủ nước, ăn mừng những chiến thắng nhỏ và thực hành chánh niệm. “Tôi lắng nghe trái tim và bản năng của mình chứ không phải lý trí, bởi vì tâm trí tạo nên những câu chuyện có thể khiến bạn sợ hãi”.
Nhiều thập kỷ sau, Herfkens quyết định kể lại câu chuyện về vụ tai nạn máy bay và viết cuốn tự truyện “Turbulence: A True Story of Survival”, ra mắt năm 2014.
Chính bài học sinh tồn từ thời gian ở trong rừng giúp bà biết cách đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống sau này. Trong cuốn tự truyện, Herfkens còn dành nhiều trang viết về tháng ngày cùng con trai chống chọi căn bệnh bẩm sinh. Từ chỗ không chấp nhận sự thật phũ phàng đang xảy đến với mình, Herfkens dần dần đối mặt với mọi chuyện. Giống như ngày xưa bà từng kêu gào trong rừng già ở một đất nước xa lạ, cuối cùng tự nhủ mình phải bình tĩnh để sinh tồn.
"Tôi biết mình phải chọn điều gì cần chú tâm trong cuộc đời mình. Điều gì thực sự quan trọng, tôi dành toàn tâm toàn ý cho nó, còn nếu không, hãy để nó trôi qua, biết chấp nhận thực tại để sống vui", bà chia sẻ.