8 quốc gia EU yêu cầu biện pháp kiềm chế dòng người di cư trước hội nghị thượng đỉnh

8 quốc gia EU đã yêu cầu cải cách triệt để hệ thống tị nạn của khối và kiềm chế chặt chẽ hơn đối với tình trạng di cư bất thường trước hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra tại Brussels.

Các đề xuất được nêu bao gồm chính phủ Đan Mạch, Litva, Latvia, Estonia, Slovakia, Hy Lạp, Malta và Áo gửi cho Ủy ban Châu Âu và những người đứng đầu Hội đồng Châu Âu. Một số yêu cầu tương tự đã được đề cập trước đó trong một bức thư gửi cho các quốc gia thành viên vào ngày 26 tháng 1, tập trung vào cuộc chiến chống lại những kẻ buôn người, các thỏa thuận với những nước thứ ba và đẩy nhanh các cuộc đàm phán về Hiệp ước chung EU về Di cư và Tị nạn.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đề xuất của 8 quốc gia thành viên cũng nhấn mạnh đã đến lúc tạo ra một khuôn khổ tị nạn hài hòa của EU để quản lý tất cả các tuyến đường di cư có liên quan đồng thời kêu gọi kiểm soát biên giới hiệu quả và chặt chẽ hơn. Ngoài ra, các chính phủ nhấn mạnh cần có chính sách mạnh mẽ hơn về hồi hương và thỏa thuận với các nước thứ ba.

Vấn đề di cư một lần nữa được đưa ra làm ưu tiên trong chương trình nghị sự của EU sau khi chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của những người di cư trái phép qua biên giới EU. Theo dữ liệu mới nhất từ biên giới EU và cơ quan bảo vệ bờ biển Frontex, khoảng 330.000 vụ vượt biên bất thường đã được báo cáo tại biên giới bên ngoài của EU vào năm 2022, tăng 64% so với năm trước.

Một vấn đề đang thu hút được sự chú ý là làm thế nào để tài trợ cho việc xây dựng hàng rào biên giới bằng quỹ của EU và có thể sẽ là một điểm gây tranh cãi tại hội nghị thượng đỉnh, trong khi Ủy ban đã lên tiếng phản đối nhưng một số nước EU như Áo và Hà Lan và các nhóm bảo thủ trong Nghị viện châu Âu đang có quan điểm ủng hộ mạnh mẽ. Thủ tướng Áo Karl Nehammer cho rằng EU cần hỗ trợ Bulgaria để bảo vệ biên giới hiệu quả hơn nữa. Theo ông, Bulgaria sẽ cần ít nhất 2 tỷ euro hỗ trợ để xây dựng một hàng rào ở biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Thủ tướng Hà Lan đã cảnh báo vào cuối tháng 1 rằng khu vực Schengen sẽ không tồn tại trừ khi EU tính tới quy định xác định quốc gia EU nào chịu trách nhiệm xử lý đơn xin tị nạn. Cao ủy EU về các Vấn đề Nội vụ, Ylva Johansson đã tuyên bố muốn tìm một giải pháp thực tế về hàng rào biên giới./.

Hải Đăng/VOV -Praha

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/8-quoc-gia-eu-yeu-cau-bien-phap-kiem-che-dong-nguoi-di-cu-truoc-hoi-nghi-thuong-dinh-post1000638.vov