8 thách thức khi phát triển điện khí tại Việt Nam
TS. Chử Đức Hoàng - Chánh Văn phòng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ - cho rằng, với nguồn điện hiện nay thì trường hợp phát triển được điện khí sẽ giúp hỗ trợ được nguồn năng lượng một cách chủ động. Theo ông Hoàng, thách thức để phát triển loại hình này là không nhỏ.
Phát biểu tại diễn đàn "Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam" ngày 14/12, tại Hà Nội do Báo Điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức, ông Phạm Mạnh Hùng - Phó Tổng Giám đốc VOV - cho biết: Theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII) thì đến năm 2030, nguồn nhiệt điện khí sẽ chiếm tới 24,8% tổng công suất toàn hệ thống phát điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện, trong khi nhiệt điện than, thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi lần lượt chiếm tỷ trọng là 20%, 19,5% và 18,5%.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - nhấn mạnh, Việt Nam cần đưa ra một lộ trình phù hợp, vừa bảo đảm mục tiêu bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng giảm tối đa gánh nặng chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế và giải quyết tốt các vấn đề xã hội.
Để tăng thêm nguồn điện nền, cân bằng và khai thác hiệu quả nguồn điện rất lớn từ năng lượng tái tạo, về việc sử dụng LNG cho mục tiêu năng lượng chung của đất nước, tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 là 150.000 - 160.000MW, gấp đôi tổng công suất đặt ra hiện nay.
Điện khí LNG có nhiều ưu điểm trong việc giảm phát thải khí CO2 và NOx ra môi trường (giảm khoảng 40% khí CO2 và khoảng 90% khí NOx so với các nhà máy nhiệt điện than và dầu).
“Tuy nhiên, việc chuyển dịch sang năng lượng xanh sạch, trong đó có phát triển điện khí LNG không dễ dàng, không thể thực hiện một sớm một chiều”, ông Thi nói.
Thực tế, các dự án LNG thường đòi hỏi nguồn vốn lớn lên tới hàng tỷ USD. “Hiện chúng ta phải nhập khẩu hoàn toàn loại nhiên liệu khí hóa lỏng, chiếm từ 70-80% giá thành điện năng sản xuất nhưng lại nhiều biến động, cũng chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu”, ông Thi cho hay.
Trong vấn đề phát triển điện khí, ông Tạ Đình Thi cho rằng cần đặc biệt quan tâm đến các vấn đề như công tác quy hoạch, huy động nguồn lực, cơ chế giá, giải phóng mặt bằng.
TS. Chử Đức Hoàng - Chánh Văn phòng, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) - cho rằng, với nguồn điện hiện nay thì trường hợp phát triển được điện khí, sẽ giúp hỗ trợ được nguồn năng lượng một cách chủ động. Dù vậy, theo ông Hoàng, thách thức để phát triển loại hình này là không nhỏ.
Theo ông Hoàng, hiện nay trong việc phát triển điện khí Việt Nam còn tồn tại 8 thách thức gồm: Thiếu quy hoạch, thiếu hạ tầng, nguồn cung bị phụ thuộc các nước trên thế giới, chưa có phương án giá thành phù hợp, chưa có thị trường, chịu tác động bởi biến đổi khí hậu, công nghệ bị hạn chế, khuôn khổ pháp lý hạn chế.
Đại diện Bộ KH&CN cũng kiến nghị đề xuất tăng cường sử dụng khí tự nhiên và LNG; đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng điện khí, xây dựng chính sách hỗ trợ và khung pháp lý; đổi mới, chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh đó, ông Hoàng cũng cho rằng Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc trong lĩnh vực điện khí để học hỏi kinh nghiệm và áp dụng công nghệ tiên tiến, nắm bắt kịp thời xu hướng phát triển mới nhất và tận dụng tối đa tiềm năng của thị trường điện khí...