8 thói quen phổ biến đang bí mật làm tăng mỡ máu ở giới trẻ

Nhiều người trẻ nghĩ mình sống lành mạnh nhưng vẫn mắc 8 thói quen này - nguyên nhân âm thầm khiến mỡ máu tăng cao, tăng nguy cơ tim mạch và đột quỵ. Liệu bạn có mắc những thói quen này không?

(Ảnh: iStock)

(Ảnh: iStock)

Trong nhịp sống hiện đại, rất nhiều người bị cuốn vào guồng quay hối hả của công việc với những deadline triền miên khiến lịch sinh hoạt hằng ngày của họ cũng bị gấp gáp, vội vã hơn.

Dù rằng nhiều người có ý thức sống lành mạnh với chế độ ăn kiêng, tập luyện, chỉ đôi lúc thưởng thức ly trà sữa ít đường, hoặc “xõa” một vài ly bia cuối tuần, nhưng khi nhiều thói quen tưởng chừng vô hại khi kết hợp với nhau thời gian dài cũng âm thầm trở thành tác nhân góp phần làm tăng mỡ máu - yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến các bệnh tim mạch, đột quỵ.

Thống kê mới nhất từ Điều tra quốc gia các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam (năm 2023) cho thấy 44,1% người trưởng thành tại Việt Nam có cholesterol máu cao, tăng mạnh so với mức 30,2% vào năm 2015.

Điều đáng nói là rất nhiều trường hợp không hề hay biết, bởi mỡ máu cao thường không có biểu hiện rõ ràng và chúng có thể bắt nguồn từ những thói quen nhỏ ít ai để ý.

 Mỡ máu cao có thể bắt nguồn từ những thói quen nhỏ ít ai để ý. (Ảnh: iStock)

Mỡ máu cao có thể bắt nguồn từ những thói quen nhỏ ít ai để ý. (Ảnh: iStock)

8 thói quen âm thầm làm tăng mỡ máu mỗi ngày

Ngủ ít hoặc thức khuya thường xuyên, dù tổng số giờ ngủ đủ

Không chỉ thiếu ngủ mới gây hại. Ngủ lệch giờ sinh học, thức khuya dù ngủ bù vào sáng hôm sau cũng ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của cơ thể, làm rối loạn chuyển hóa lipid, tăng cholesterol toàn phần và giảm cholesterol tốt (HDL-C).

Nghiên cứu trên Tạp chí Sleep (năm 2020) chỉ ra người ngủ lệch giờ, thức khuya dù ngủ đủ 7-8 tiếng vẫn có nguy cơ tăng mỡ máu cao hơn 18% so với nhóm ngủ sớm đều đặn.

Thường xuyên ăn đồ ăn nhanh, snack tiện lợi “ít béo”

Burger, pizza, khoai chiên hay snack “ít béo” tưởng lành mạnh nhưng lại chứa nhiều tinh bột tinh luyện và chất béo ẩn, làm tăng LDL-C (cholesterol xấu). Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo mỗi 5% năng lượng đến từ chất béo trans có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch lên tới 25%.

Uống nhiều trà sữa ít đường nhưng nhiều topping

Giảm đường trong trà sữa không đồng nghĩa với tốt cho mỡ máu. Topping như trân châu, pudding hay syrup trong nước ép đóng chai đều chứa lượng đường cao, dễ làm tăng triglyceride máu.

Theo Harvard Health Publishing, tiêu thụ nhiều đồ uống có đường làm tăng 53% nguy cơ mỡ máu cao.

Dùng quá nhiều thực phẩm “ăn kiêng” không béo nhưng giàu đường ẩn

 Thường xuyên ăn bánh protein có thể khiến bạn tăng lượng đường nạp vào cơ thể. (Ảnh: iStock)

Thường xuyên ăn bánh protein có thể khiến bạn tăng lượng đường nạp vào cơ thể. (Ảnh: iStock)

Sữa chua không béo, bánh protein bar hay ngũ cốc “healthy” có thể chứa lượng đường lớn để bù vị. Ăn nhiều lâu dài khiến mỡ máu khó kiểm soát.

Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyến cáo lượng đường thêm vào mỗi ngày nên dưới 25g với nữ và 36g với nam, nhưng rất dễ vượt ngưỡng khi ăn các loại thực phẩm “ăn kiêng” kiểu này.

Ngồi lâu liên tục, kể cả khi bạn có tập gym đều đặn mỗi ngày

Việc tập gym buổi sáng nhưng ngồi lỳ 6-8 tiếng đồng hồ liên tục sau đó vẫn làm tăng cholesterol và triglyceride máu. Nghiên cứu trên American Journal of Epidemiology (2019) cho thấy ngồi lâu trên 7 tiếng/ngày làm tăng 22% nguy cơ rối loạn mỡ máu, dù có tập thể dục.

Bỏ bữa sáng, ăn dồn vào chiều tối

Nhịn sáng, ăn tối muộn là thói quen của không ít dân công sở. Nghiên cứu tại Đại học Tokyo (năm 2021) chứng minh bỏ bữa sáng làm rối loạn chuyển hóa lipid, tăng LDL-C, giảm HDL-C và tăng nguy cơ mỡ máu cao hơn 21% so với người ăn sáng đều đặn.

 Nhịn bữa sáng nhưng ăn tối muộn là thói quen không tốt cho sức khỏe. (Ảnh: iStock)

Nhịn bữa sáng nhưng ăn tối muộn là thói quen không tốt cho sức khỏe. (Ảnh: iStock)

Lạm dụng đồ uống có cồn vào cuối tuần

Uống vài lon bia nhẹ hay ly rượu vang “xả stress” cuối tuần cũng đủ làm tăng triglyceride và LDL-C. Tạp chí BMJ Open (năm 2022) công bố nghiên cứu cho thấy uống quá 14 đơn vị cồn/tuần (tương đương 5 lon bia) đã làm tăng mỡ máu dù người đó có chế độ ăn uống lành mạnh.

Chủ quan với các bữa ăn “healthy”

Các loại hạt, yến mạch hay bơ hạt chứa nhiều chất béo tốt, nhưng ăn quá nhiều vẫn làm tăng tổng năng lượng và mỡ máu. Theo Mayo Clinic, chỉ nên dùng 1 nắm nhỏ hạt/ngày (khoảng 25-30g), nhưng nhiều người có thể ăn gấp đôi, gấp ba mà không nhận ra.

Sức khỏe tim mạch và mỡ máu không phải chỉ là chuyện của tuổi trung niên hay người lớn tuổi. Trong bối cảnh bệnh tim mạch đang trẻ hóa nhanh tại Việt Nam, việc chủ động điều chỉnh những thói quen đơn giản hàng ngày chính là cách dễ nhất để bảo vệ bản thân khỏi những hệ lụy âm thầm mà nghiêm trọng./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/8-thoi-quen-pho-bien-dang-bi-mat-lam-tang-mo-mau-o-gioi-tre-post1039328.vnp