Số ca mắc Covid-19 tăng: Chủ động phòng ngừa nhưng không gây hoang mang
Những tuần gần đây, tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng, với số ca mắc mới được ghi nhận ở nhiều địa phương. Sự gia tăng này cho thấy nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh. Vậy, đâu là nguyên nhân của hiện tượng này?
Chúng ta cần ứng phó như thế nào để kiểm soát hiệu quả Covid-19 mà không gây hoang mang trong cộng đồng? Để làm rõ những vấn đề này, PV Ban VOV Giao thông Quốc gia đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế, hiện là Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.

Chủ động bảo vệ sức khỏe mỗi ngày bằng những thói quen đơn giản (Ảnh minh họa: ChatGPT)
PV: Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, ông đánh giá như thế nào về mức độ của dịch bệnh hiện tại? Liệu đây có phải là dấu hiệu cảnh báo cho một đợt bùng phát mới hay chỉ là sự biến động theo chu kỳ?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Covid-19 sau đại dịch thì nó không mất đi và nó trở thành một bệnh lưu hành, kể cả nó có thể tính chất chu kỳ. Hiện nay nó là một bệnh lưu hành như cúm mùa. Các xét nghiệm thì cũng thấy rằng, nó đang là chủng của omicron.
Mặc dù nó có tính chất lây lan nhưng nó không có những triệu chứng nặng và như vậy nó không gây ra tỉ lệ nhập viện cao cũng như là khả năng tử vong lớn, tôi nghĩ rằng chúng ta không chủ quan nhưng mà cũng không quá lo lắng.
Tất nhiên những đối tượng dễ bị tổn thương, người già, người mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch thì nguy cơ tăng nặng vẫn xảy ra và khả năng nhập viện cũng như là tử vong cũng có thể xảy ra, và tôi cho rằng diễn biến đang như là cúm mùa.
Tôi vẫn nói rằng, chúng ta phải đánh giá đúng nguy cơ, nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó, nếu mà không đánh giá được đúng nguy cơ thì chúng ta không đáp ứng được phù hợp với dịch bệnh. Nhưng nếu mà đáp ứng nguy cơ một cách thái quá thì cũng sẽ gây nên sự tốn kém như là chưa phải phong tỏa mà đã phong tỏa, chưa cần cách ly đã cách ly.
PV: Vậy hiện nay việc người dân cần làm là gì để đáp ứng phù hợp với diễn biến của Covid-19?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Covid-19 là bệnh lây theo đường hô hấp, như vậy thì chúng ta cũng phải phòng bệnh theo như bệnh hô hấp, nhưng ở đây là phòng bệnh như thế nào để không ảnh hưởng tới đời sống kinh tế, an sinh xã hội. Nó như cúm mùa thì chúng ta cũng phải phòng bệnh tương ứng.
Ví dụ như người mà có triệu chứng nghi ngờ thì phải đeo khẩu trang, không lây bệnh cho những người khác, nhất là nhóm dễ tổn thương như người già, người bệnh nền, phụ nữ có thai, người suy giảm miễn dịch, chúng ta mà tiếp xúc với những người có triệu chứng nghi ngờ thì cũng nên đeo khẩu trang.
Việc thứ hai là chúng ta thực hiện tốt biện pháp rửa tay với xà phong, kể cả trong thời điểm hiện nay là chúng ta phòng được cả những bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa đang gia tăng vào mùa hè này.
Khi chúng ta có những triệu chứng chuyển nặng, có những vấn gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thì chúng ta cần có sự tiếp cận với dịch vụ y tế, xét nghiệm, chẩn đoán điều trị. Bởi vì trong thời điểm hiện nay rất nhiều tác nhân virus khác cũng có thể những triệu chứng như là Covid-19.

Giám sát chặt, phản ứng nhanh, để Covid-19 không còn là nỗi lo (Ảnh minh họa: ChatGPT)
PV: Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 gia tăng nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, ông có khuyến nghị gì để chủ động phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Trước hết là Bộ Y tế phải giám sát để đánh giá đúng nguy cơ. Ở đây đánh giá nguy cơ là ví dụ như đánh giá sự biến chủng của virus, số mắc ca tăng nặng để đảm bảo cảnh báo nguy cơ, đồng thời phối hợp với các tổ chức quốc tế để chúng ta theo dõi tình hình diễn biến của Covid-19 và bên cạnh đó thì cũng phải chuẩn bị thuốc men, cơ số giường bệnh đề phòng.
Nếu như có những diễn biến bất thường, trầm trọng thì chúng ta đáp ứng được. Chúng ta không bị động trước việc Covid-19 có những thay đổi, biến đổi. Vừa rồi, tôi cũng nghe một số thông tin người dân rất lo là khi vào bệnh viện phải cách ly như những giai đoạn đại dịch, rồi các xét nghiệm thì tôi nghĩ rằng là Bộ Y tế cũng đã có kinh nghiệm giải quyết việc này làm sao cho đáp ứng một cách hợp lý và trong thời điểm hiện nay, tôi nghĩ rằng xử lý Covid-19 như vấn đề cúm mùa.
PV: Xin cảm ơn ông!