82 người nhiễm thủy ngân ở ngưỡng cho phép sau vụ cháy Công ty Rạng Đông
Tính tới thời điểm hiện tại đã có 100 người tới Bệnh viện Bạch Mai làm xét nghiệm nhiễm độc thủy ngân sau vụ cháy Công ty Rạng Đông.
Bệnh viện Bạch Mai vừa có báo cáo cập nhật thông tin liên quan đến nguy cơ ngộ độc thủy ngân sau vụ cháy tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông).
Theo Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, kể từ sau khi vụ cháy xảy ra, tới nay đã có trên 100 người được làm xét nghiệm thủy ngân máu và một số người đã được lấy nước tiểu 24 giờ để xét nghiệm thủy ngân, kèm theo 1 số xét nghiệm khác như: Công thức máu, urea, creatinin, men gan, bilirubin, điện tim, một số được chụp X-quang phổi và khí máu động mạch…
Riêng các mẫu xét nghiệm thủy ngân máu được gửi đến Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Kết quả cho thấy đã có 82 trường hợp cho kết quả có nồng độ thủy ngân máu thấp dưới 10 mcg/L (mức tối đa cho phép). Các trường hợp khác đang đợi kết quả.
Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cũng khẳng định sẽ tiếp tục duy trì kết nối với các cơ sở y tế để tư vấn chuyên môn, hội chẩn, phối hợp trong việc đánh giá, chẩn đoán và điều trị các trường hợp theo dõi, nghi ngờ ngộ độc phức tạp sau vụ cháy Công ty Rạng Đông.
Theo BS. Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, các triệu chứng nhiễm độc thủy ngân khác nhau tùy thuộc dạng ngộ độc, khoảng thời gian, cường độ tiếp xúc và một vài điều kiện cơ thể. Nếu hít phải thủy ngân, thường có triệu chứng bệnh phổi nặng cấp tính. Triệu chứng đầu tiên là sốt do khói kim loại gồm sốt, ớn lạnh, thở khó. Những biểu hiện khác gồm: viêm miệng, lơ mơ, co giật, nôn và viêm ruột. Những biểu hiện này thường dịu đi trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên, trong một số tình huống diễn tiến nặng hơn gây phù phổi cấp, suy hô hấp và tử vong. Còn ngộ độc mãn do hít thủy ngân gây viêm lợi, run giật tay và rối loạn tâm thần kinh.
"Không thể kết luận tất cả đều có nhiễm độc thủy ngân, tuy nhiên nguy cơ là có. Những người có nguy cơ cao nên đi kiểm tra, cụ thể là trực tiếp có mặt ở vụ cháy, hít hơi nóng, khói trong vài giờ đồng hồ. Những người thấy bất thường như khó thở, ho nhiều, tức ngực, nôn mửa, ỉa chảy, choáng váng, tê chân tay… nên đi khám.
Những người ở xa không hít hơi nóng, hay khói thì nguy cơ thấp hơn nên không nhất thiết tất cả phải đi khám, làm xét nghiệm gây tốn kém, không cần thiết. Các cơ sở y tế đều có thể khám, lấy máu và nước tiểu để xét nghiệm thủy ngân, không nên dồn đến Trung tâm chống độc Bạch Mai", ông Nguyên nói.