9 dấu hiệu chứng tỏ bạn là người cầu toàn

Bạn đặt tiêu chuẩn quá cao, chỉ tập trung vào kết quả, thường phê bình..., rất có thể bạn là người cầu toàn, theo chủ nghĩa hoàn hảo, theo Verywell Mind.

1. Tất cả hoặc không có gì: Người cầu toàn thường suy nghĩ theo kiểu đen trắng, phải là tất cả hoặc không có gì. Họ sẽ không chấp nhận gì khác ngoài sự hoàn hảo; "hầu như hoàn hảo" sẽ được coi là một thất bại với họ. Ví dụ, thay vì hài lòng với việc một bài thuyết trình đã được đánh giá tốt, họ sẽ ủ rũ về lỗi đánh máy mà họ đã bỏ qua trên một slide.

2. Tiêu chuẩn quá cao: Người cầu toàn đặt ra cho bản thân và cả người khác những kỳ vọng và tiêu chuẩn của họ. Đó là lý do họ căng thẳng khi cố gắng đáp ứng tiêu chuẩn của mình, hoặc người khác không đáp ứng những gì họ tin là chuẩn mực. Ví dụ, họ khó chịu khi người khác dường như không quan tâm đến chi tiết và không đủ gọn gàng.

3. Thường chỉ trích: Người có tính cách cầu toàn thường có xu hướng chỉ trích bản thân và người khác nhiều hơn. Thay vì nhìn thấy cái tốt, họ sẽ luôn tìm thấy lỗi. Thay vì tự hào về thành tích của mình, họ tin rằng họ có thể làm tốt hơn. Khi những người cầu toàn thất bại trong điều gì đó, thay vì tập trung vào thành công hay bài học được rút ra, họ tìm ra hàng nghìn lý do khiến điều đó không diễn ra tốt.

4. Bị thúc đẩy bởi nỗi sợ: Nhu cầu tìm kiếm sự hoàn hảo thường xuất phát từ nỗi sợ không đủ tốt. Thông thường, người cầu toàn có niềm tin rằng họ chỉ được đánh giá cao và yêu thương nếu họ hoàn hảo. Đó là lý do hành động của họ được thúc đẩy bởi nỗi sợ không đạt được mục tiêu của mình, không đạt được kết quả hoàn hảo, làm trò cười cho chính mình và nỗi sợ thất bại. Đáng buồn là chính những nỗi sợ này thường ngăn cản họ đạt được kết quả tốt.

5. Trì hoãn: Liên tục lo lắng về sự hoàn hảo có thể ảnh hưởng đến hiệu suất. Nỗi sợ thất bại, sợ kết quả kém hoàn hảo khiến người cầu toàn trì hoãn và làm mọi việc chậm hơn nhiều so với người khác.

6. Chỉ tập trung vào kết quả: Những người cầu toàn luôn đặt tầm nhìn của họ vào kết quả hoàn hảo mà họ muốn đạt được. Họ không biết cách tận hưởng hành trình và tiến bộ. Thay vào đó, họ ám ảnh với việc đạt được mục tiêu theo cách họ đặt ra.

7. Dễ chán nản khi không đạt được mục tiêu: Người cầu toàn thường ít hạnh phúc hơn. Trong khi người khác có thể dễ dàng phục hồi từ sự thất vọng, người cầu toàn có xu hướng tự chỉ trích mình và đắm chìm trong những cảm xúc tiêu cực khi kỳ vọng cao của họ không được đáp ứng. Họ gặp khó khăn trong việc tiếp tục khi mọi việc không diễn ra như họ mong đợi.

8. Lòng tự trọng và sự tự tin thấp: Không thể đạt được các tiêu chuẩn cao có thể làm hỏng lòng tự trọng của người cầu toàn. Bên cạnh đó, việc thích phê bình và tập trung vào thất bại khiến họ gặp khó khăn trong việc đánh giá giá trị bản thân và có niềm tin vào chính mình. Ngoài ra, mặc dù rất hay chỉ trích bản thân và người khác, họ lại rất tệ khi tiếp nhận những lời góp ý mang tính xây dựng. Vì vậy, họ có xu hướng trở nên phòng thủ.

9. Ngại thay đổi: Để mọi thứ trở nên hoàn hảo, người cầu toàn muốn kiểm soát mọi thứ. Đó là lý do họ thấy khó đối mặt với những tình huống mới và không chắc chắn. Học điều mới có nghĩa là họ có thể mắc lỗi khi bắt đầu hoặc ít nhất là kém thành thạo. Người cầu toàn tin rằng họ chưa sẵn sàng, vì vậy, họ sẽ từ chối nhiều cơ hội để khám phá sở thích hay dự án mới...

Ngọc Bích

Ảnh: Pexels

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/9-dau-hieu-chung-to-ban-la-nguoi-cau-toan-post1493795.html