Cơm là món ăn phổ biến ở Đông Nam Á. Tuy nhiên mỗi quốc gia lại sở hữu những phiên bản đặc sắc riêng mà du khách không thể không thử khi ghé thăm.
Lemang món ăn truyền thống có nguồn gốc từ Indonesia, được tìm thấy ở nhiều nước Đông Nam Á như Malaysia, Brunei và Singapore. Đây là món cơm được làm bằng gạo nếp, nước cốt dừa, hương liệu tùy chọn và muối trộn với nhau, rồi nấu trong ống tre. Bên trong ống thường lót lá chuối để cơm không bị dính. Theo truyền thống, lemang được ăn vào ngày cuối cùng của tháng Ramadan, đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ ăn chay. Người ta thường thưởng thức lemang với các món thịt. Ảnh: Shutterstock.
Nasi goreng ayam là món cơm chiên truyền thống của Indonesia cũng phổ biến ở Singapore, Brunei và Malaysia. Mặc dù có nhiều phiên bản của loại nasi goreng này, nhìn chung món ăn thường được làm từ các nguyên liệu gồm gạo, đùi gà, dầu, muối, tiêu trắng, hẹ, nghệ, nước tương, nước mắm, riềng hoặc gừng, tỏi, hành lá, kecap manis và ớt cay. Hầu hết thành phần được chiên với cơm, sau đó nasi goreng ayam được ăn kèm với trứng ốp, hành phi, ớt thái lát và bánh phồng tôm. Ảnh: Detik Food.
Cơm vịt Singapore là món ăn kết hợp cơm trắng và vịt quay hoặc om. Với vịt quay, các loại gia vị khác nhau như quế, gừng, hồi được cho vào bên trong con vịt, sau đó treo và quay cho đến khi giòn. Còn vịt om thường được nấu chậm trong nước dùng nhiều gia vị. Vịt có thể được chế biến và phục vụ theo hai kiểu Phúc Kiến hoặc Triều Châu. Loại thứ nhất thường được chấm với nước sốt làm từ đậu nành đặc, trong khi loại thứ hai phục vụ kiểu cắt lát và rưới nước sốt nhẹ. Món cơm thường đi kèm với đậu phụ, rau củ hoặc trứng luộc chín, ăn kèm với nước chấm cay. Ảnh: Shutterstock.
Không có món ăn nào ở Malaysia nổi tiếng như nasi lemak. Đây là món cơm nấu trong nước cốt dừa được ăn cùng cá cơm, dưa chuột, đậu phộng và trứng luộc. Ngoài ra, còn một thành phần đặc biệt là tương ớt cay sambal. Nasi lemak là "món ăn quốc dân" của Malaysia với sự phổ biến không ngừng tăng kể từ những năm 1980. Ảnh: Shutterstock.
Theo truyền thống, khao mok gai chủ yếu được tiêu thụ bởi người Thái theo đạo Hồi. Đây là một món ăn Halal được giới thiệu đến Thái Lan bởi các thương nhân Ba Tư từ nhiều thế kỷ trước. Trên thực tế, món ăn này là phiên bản Thái Lan của món gà biryani. Cũng giống như công thức ban đầu, cả thịt gà và cơm đều có hương vị đậm đà của các loại gia vị biryani truyền thống như bột cà ri, rau mùi, bạch đậu khấu, nghệ, thì là và quế. Ở Thái Lan, món ăn được phục vụ với cà chua tươi hoặc dưa chuột và nước chấm nam jim. Ảnh: Shutterstock.
Nasi goreng thường được gọi là cơm chiên Indonesia. Món ăn quốc gia của Indonesia này cũng thường được ăn ở Malaysia và Singapore. Người ta tin rằng truyền thống chiên cơm ở Indonesia bắt nguồn từ văn hóa Trung Quốc, khi thương mại giữa hai nước bắt đầu phát triển. Nasi goreng thường được ăn vào bữa sáng và được làm bằng cơm thừa từ ngày hôm trước. Ảnh: Shutterstock.
Khao phat là loại cơm chiên đặc trưng của ẩm thực miền Trung Thái Lan. Món ăn này khác với cơm chiên Trung Quốc ở chỗ được chế biến bằng gạo lài Thái Lan thay vì gạo hạt dài thông thường. Ở Thái Lan, cách ăn truyền thống của món ăn này là có một quả trứng ốp bên trên và khao phat thường được ăn kèm với chanh cùng nước chấm cay nam pla prik (nước mắm trộn với ớt Thái).
Nasi uduk là một trong nhiều món ăn làm từ gạo của Indonesia. Cơm trong nasi uduk được nấu trong nước cốt dừa cùng với sả, đinh hương, lá dứa và quế. Khi ăn, mỗi phần cơm thường được rắc hành khô chiên lên trên. Các món ăn phụ cùng nasi uduk là thịt hầm, mì gạo, trứng, tempeh, đậu phụ, cá cơm chiên và bánh gạo. Trong khi gia vị phổ biến là sambal thông thường hoặc sambal đậu phộng. Ảnh: Shutterstock.
Cơm tấm là món ăn đường phố đặc trưng ở TP.HCM, Việt Nam. Món cơm được nấu từ gạo tấm có kết cấu tương tự như gạo bình thường nhưng nhỏ hơn. Khi phục vụ, cơm tấm được ăn kèm với bì heo, sườn heo nướng, chả trứng và nước chấm. Ngoài ra, các thành phần trang trí còn có đồ chua, dưa chuột, cà chua. Ảnh: Christopher Crouzet.