95 năm Đảng dẫn dắt đất nước tiến vào những kỷ nguyên phát triển - Bài 1: Từ giải phóng dân tộc đến kỷ nguyên vươn mình

95 năm thành lập và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhiều lần đưa đất nước, dân tộc bước vào những giai đoạn mới, những kỷ nguyên mới phát triển hơn.

LTS: Hôm nay (3-2) là tròn 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Suốt hành trình kể từ khi thành lập, Đảng đã khởi xướng nhiều cuộc cách mạng, đổi mới mang tính đột phá, dẫn dắt đất nước vượt qua những thăng trầm, tiến vào các kỷ nguyên phát triển phù hợp với thực tiễn và định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ sứ mệnh giải phóng dân tộc đến ổn định đất nước sau chiến tranh, tiếp đó là công cuộc Đổi mới để phát triển đất nước và nay là hướng đến kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Mỗi giai đoạn đòi hỏi Đảng và Nhà nước không ngừng đổi mới tư duy, nhận thức, dám nhìn thẳng, nhìn thật, nhìn đúng vào những tồn tại, hạn chế ở tất cả khía cạnh chính trị, đời sống, kinh tế - xã hội…

Pháp Luật TP.HCM xin ra mắt loạt bài viết “95 năm Đảng dẫn dắt đất nước tiến vào những kỷ nguyên phát triển” để cùng với bạn đọc nhìn lại những đột phá, thành quả mà đất nước, dân tộc Việt Nam đạt được dưới sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản Việt Nam trong 95 năm qua, tầm nhìn đến năm 2045.

Đất nước ta đang trong những ngày vui lớn, kỷ niệm 95 năm thành lập (3-2-1930–3-2-2025) và nhiều sự kiện khác. Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, TS - nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nhận xét: 95 năm qua, Đảng và dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm nhưng tất cả đều có điểm chung là đưa đất nước tiến lên phía trước, bước vào những kỷ nguyên phát triển hơn.

 Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, chúc Tết người lao động thủ đô dịp Tết Ất Tỵ 2025. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, chúc Tết người lao động thủ đô dịp Tết Ất Tỵ 2025. Ảnh: TTXVN

Nhìn lại ba kỷ nguyên trước của dân tộc

. Phóng viên: Thưa ông, nhìn lại hành trình suốt 95 năm hình thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, có thể tóm tắt những dấu ấn nào quan trọng nhất của Đảng trong việc xây dựng và phát triển đất nước?

+ TS Nhị Lê (ảnh): Mỗi quốc gia đều sẽ có những cuộc hành trình, có khi thịnh, cũng có lúc khó khăn; có khi thuận lợi và cũng có lúc gặp nguy cơ. Điều quan trọng là lực lượng dẫn dắt đất nước phải có đủ khả năng để lèo lái “con thuyền” vượt bão và đón gió lành. Trong 95 năm kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, Đảng và nhân dân ta đã đưa đất nước trải qua bốn cột mốc lớn, tôi gọi đó là bốn cột mốc đưa đất nước tiến vào bốn kỷ nguyên phát triển khác nhau của dân tộc.

Đầu tiên, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập dựa trên sự thống nhất và hợp nhất từ ý chí đến thể chế của ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam, gồm Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Việc này không phải hợp nhất đơn thuần mang tính cơ học, lắp ráp mà dựa vào bài học xương máu, kinh nghiệm và sự sáng suốt trong nhận thức của đồng chí Nguyễn Ái Quốc sau nhiều năm bôn ba ở nước ngoài, từ Tây sang Đông, tiếp xúc với nhiều dân tộc chịu áp bức, những giai cấp vô sản bị bóc lột; cùng tham gia vào các hoạt động cách mạng tiến bộ, tân thời và hiệu quả. Cuối cùng thì Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tìm ra câu trả lời cho “bài toán” vô cùng nan giải giai đoạn bấy giờ: Vì sao đất nước vẫn chưa được độc lập, các phong trào yêu nước đều chịu thất bại.

Khi thành lập Đảng vào mùa xuân năm 1930, có thể thấy chúng ta đã chuyển dần các phong trào yêu nước vốn còn rời rạc, tự phát sang lập trường cộng sản vừa có tính khoa học, có triết lý, đồng thời có tính tổ chức. Đó là sự phối hợp hài hòa giữa chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phong trào công nhân và phong trào yêu nước truyền thống mấy ngàn năm của dân tộc. Tôi tạm gọi đó là kỷ nguyên thứ nhất của đất nước ta - kỷ nguyên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người tiến lên chủ nghĩa xã hội (CNXH).

Trong 95 năm kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, Đảng và nhân dân ta đã đưa đất nước trải qua bốn cột mốc lớn, tôi gọi đó là bốn cột mốc đưa đất nước tiến vào bốn kỷ nguyên phát triển khác nhau của dân tộc.

. Còn kỷ nguyên thứ hai, thứ ba của đất nước là khi nào, thưa ông?

+ Kỷ nguyên thứ hai là vào tháng 8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta dù chỉ với 20 triệu đồng bào, đã quyết “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”, “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”. Kết quả là chỉ 16 ngày, dân tộc đã làm một cuộc Cách mạng Tháng Tám chấn động lịch sử, chấm dứt ách nô lệ thực dân kéo dài suốt hơn 80 năm. Bài Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình lịch sử vào ngày 2-9-1945 là câu trả lời mạch lạc nhất cho những ai còn hoài nghi về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cùng tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của dân tộc ta. Và đó cũng là dấu mốc đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên thứ hai, tôi gọi đó là kỷ nguyên độc lập, tự do và CNXH, đưa đất nước chuyển mình từ “vương quốc tất yếu” sang “vương quốc tự do”.

Trong kỷ nguyên thứ hai, đất nước vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng lòng của dân tộc, Việt Nam tiếp tục vượt qua nhiều sóng gió. Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 lừng lẫy năm châu, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, đưa miền Bắc vào xây dựng CNXH; chiến thắng mùa xuân năm 1975 đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước, Nam - Bắc liền một dải non sông…

Ở giai đoạn xây dựng đất nước trước khi Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 diễn ra, dù đất nước đạt được một số thành tựu về kinh tế - xã hội nhưng cũng xuất hiện những khó khăn, thách thức rất lớn mà bản chất chính là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Đại hội VI đã chỉ ra ít nhất 10 vấn đề lớn, bao quát toàn bộ các lĩnh vực về sản xuất, đầu tư, tài nguyên, môi trường, sự phân phối nguồn lực, giá cả, thâm hụt ngân sách, sự mất cân đối trong nền kinh tế, cấu trúc nền kinh tế, đời sống nhân dân, quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí… Đất nước giai đoạn này không đạt được mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đề ra là cơ bản ổn định tình hình kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân của nhân dân; không đạt được các chỉ tiêu của kế hoạch năm năm 1981-1985; nguy cơ lớn về sự suy giảm lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Nhà nước.

Trong bối cảnh ấy, Đại hội Đảng lần thứ VI đã rất thẳng thắn chỉ ra những thách thức, nguy cơ mà đất nước đối diện, mạnh dạn đề ra những chủ trương, giải pháp tiến bộ, thậm chí chưa từng có tiền lệ, chưa hề có khuôn mẫu để giải quyết những khó khăn. Một số nhà nghiên cứu về Việt Nam nhận xét những cải cách đột phá của Việt Nam kể từ Đại hội VI đã mang lại thành công rất lớn, sự tăng trưởng mạnh mẽ, gia tăng vị thế và uy tín đất nước chỉ trong thời gian ngắn. Với tôi, đây là khi đất nước tiến vào kỷ nguyên thứ ba kể từ khi Đảng thành lập - kỷ nguyên đổi mới.

Chìa khóa để dân tộc vươn mình

Chìa khóa lớn nhất để đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên vươn mình vẫn là “lấy dân làm gốc”. Xưa nay đồng bào ta vẫn thường nhắc nhở nhau: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Nhìn lại ba kỷ nguyên trước kể từ khi Đảng thành lập, câu nói này chưa bao giờ sai. Trong kỷ nguyên mới này, dân tộc ta có “vươn mình” thành công hay không sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc giải quyết mối quan hệ tự nhiên - đạo lý - và pháp lý giữa Đảng - Nhà nước - nhân dân.

Mọi quyết sách đều được Đảng và Nhà nước soi rọi xoay quanh nhân dân, vì nhân dân và cho nhân dân. Ví dụ, câu hỏi về chiếc áo xuất khẩu mà đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc vừa rồi, hay các câu hỏi tương tự kể trên thì người dân mình, đồng bào mình hưởng được bao nhiêu lợi ích, về túi người dân bao nhiêu tiền, đường sá, công trình, nhà ở, trường học, dịch vụ có thật sự phục vụ tốt cho người dân chưa… Khi đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nói dân tộc “vươn mình” ở đây không phải là khẩu hiệu, mà là thông điệp đưa đất nước vào kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, vươn lên thực sự về chất lượng đời sống, về văn hóa - lối sống, về chỉ số hạnh phúc, về uy tín - vị thế của người dân Việt Nam.

Khi lãnh đạo nghĩ cho dân, làm vì dân chứ không vì một mục đích, động cơ vụ lợi nào khác thì chắc chắn sẽ huy động được sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Từ những người dân trong nước đến kiều bào nước ngoài; từ người dân lao động chân tay đến trí thức; từ từng cá nhân đến các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư… Sức mạnh từ nhân dân không chỉ ở các nguồn lao động, tài chính, mà còn chất xám, sự đồng thuận chính trị, sự dấn thân tham gia theo lời hiệu triệu của Đảng, Nhà nước.

Vì vậy, từng đảng viên, cán bộ, lãnh đạo trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vốn đòi hỏi những cải cách lớn, táo bạo, cũng chưa từng có tiền lệ, khuôn mẫu, phải luôn lấy “lợi ích kép” này làm gốc: Đó là lợi ích chính trị của đất nước Việt Nam làm hạt nhân, song hành thống nhất với lợi ích cốt lõi của nhân dân Việt Nam.

TS NHỊ LÊ

Hướng đến kỷ nguyên thứ tư…

. Tổng Bí thư Tô Lâm vào cuối năm 2024 đã khởi xướng và kêu gọi cả nước tiến hành nhiều cải cách lớn, đưa đất nước tiến vào “kỷ nguyên vươn mình” của dân tộc. Đó có lẽ là kỷ nguyên thứ tư mà ông muốn nhắc đến?

+ Đúng là như vậy. Sau gần 40 năm kể từ khi Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (như lời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng).

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong một báo cáo cách đây khoảng năm năm nhận xét: Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đưa đất nước trở thành nền kinh tế thị trường mới nổi chỉ trong vòng 25 năm. Ngân hàng Thế giới (WB) thì nhận xét: Chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường đã giúp Việt Nam đạt nhiều thành tựu. Hiện tại, Việt Nam là một trong những quốc gia năng động nhất khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.

Việt Nam cũng được xem là “thỏi nam châm” thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), là “tổ” của nhiều đại bàng về sản xuất, công nghệ trên thế giới. Tính đến hết năm 2024, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với chín quốc gia, gồm Trung Quốc, Liên bang Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Pháp và Malaysia; thiết lập quan hệ chiến lược với khoảng 20 quốc gia và đối tác toàn diện với hơn 10 quốc gia.

Những thành quả của kỷ nguyên đổi mới mang lại là không thể đảo ngược, cũng không có gì để bàn cãi. Tuy nhiên, dư địa từ những cải cách mang tính đột phá trong của kỷ nguyên đổi mới đã giảm dần, gia tốc của các cơ chế, chính sách vượt trội giai đoạn trước đây đã giảm dần. Đảng ta tiếp tục nhìn ra những hạn chế, thách thức, đánh giá và tiếp cận được những thuận lợi, thời cơ để tiếp tục đưa ra những cải cách to lớn hơn, đưa đất nước và dân tộc tiến vào kỷ nguyên mới lần thứ tư - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - đưa đất nước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, như lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra.

…Với trọng tâm là những cuộc cải cách lớn

. Nếu trọng tâm của kỷ nguyên thứ nhất là giải phóng dân tộc; kỷ nguyên thứ hai là ổn định, xây dựng đất nước; kỷ nguyên thứ ba là cải cách kinh tế - xã hội, hội nhập sâu rộng và toàn diện; thì trọng tâm kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là gì?

+ Tôi xin mượn lại câu hỏi của Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI diễn ra vào giữa tháng 1 vừa qua: “Một cái áo bán ra mà thiết kế, vải, nhuộm, chỉ, cúc đều của người khác thì mình được bao nhiêu? Có chăng chỉ là công lao động và sự ô nhiễm môi trường?”.

Tôi đã nhiều lần cảnh báo trên báo chí rằng nếu không thay đổi, Việt Nam sẽ trở thành “người làm thuê” chứ không thể “tự làm chủ”, sẽ là nơi xây dựng công xưởng khổng lồ giá rẻ chứ không phải là những trung tâm công nghiệp, tài chính quốc tế đúng nghĩa; sẽ là một xã hội mà người lao động bán sức khỏe với chi phí thấp chứ không thể hưởng thụ những dịch vụ tốt…

Nhiều số liệu được trích dẫn từ báo cáo của lãnh đạo các bộ, ngành về xuất khẩu điện thoại di động thông minh, xuất khẩu linh kiện máy tính, xuất khẩu thiết bị máy tính, gia công phần mềm, thiết bị linh kiện điện tử… đều nằm trong top 10, thậm chí top 3 thế giới. Tuy nhiên, nói như đồng chí Tổng Bí thư thì “những con số này nhìn có vẻ ấn tượng, hoành tráng, đáng tự hào nhưng thử hỏi chúng ta đã bao giờ nhìn sâu vào bản chất những số liệu này chưa? Chúng ta đóng góp được bao nhiêu phần trăm giá trị trong đó? Hay là mình đang ở phân khúc thấp nhất của chuỗi giá trị, chủ yếu là gia công cho nước ngoài”.

Những vấn đề này không chỉ xuất phát từ tư duy, nhận thức trong lãnh đạo và điều hành đất nước, mà còn từ “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn” - thể chế. Về tư duy, nhận thức thì lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã xác định rất rõ các thách thức đương thời, thẳng thắn chỉ ra những vấn đề cốt lõi khiến đất nước đứng trước các nguy cơ về tụt hậu, bị bỏ lại phía sau. Về giải quyết những “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn” thì Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan đang triển khai nhiều hoạt động để tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, xây dựng các cơ chế có tính ưu việt, vượt trội, phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rầm rộ.

Đó là những trọng tâm trong kỷ nguyên thứ tư này, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Những trọng tâm này không chỉ hướng đến 100 năm kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2030, mà có tầm nhìn đến năm 2045 và thậm chí xa hơn.

. Xin cảm ơn ông.•

Góc nhìn

Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định vị thế trên trường quốc tế

Thủ tướng Phạm Minh Chính đón Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres thăm chính thức Việt Nam nhân kỷ niệm 45 năm Việt Nam tham gia Liên hợp quốc. Ảnh: VGP

Gần 10 năm qua, một số chuyên gia quan hệ quốc tế nghiên cứu về Việt Nam trong thời gian qua thường đặc biệt chú ý đến các chuyến công du nước ngoài của lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như chuyến thăm của lãnh đạo các nước đến Hà Nội. Trong đó, một số người chú ý nhiều đến những biệt lệ về lễ tân ngoại giao mà các nước dành cho lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Điển hình và rõ ràng nhất là việc lãnh đạo cấp cao, nguyên thủ quốc gia nhiều nước trên thế giới, trong đó có những nước lớn, đã nhận lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sang thăm, làm việc với nước ta. Ở chiều ngược lại, lãnh đạo một số nước cũng mời đồng chí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sang thăm, làm việc chính thức nước họ. Chuyến thăm chính thức của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam hồi tháng 9-2023 theo lời mời của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam khi đó - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; hay trước đó (tháng 7-2015), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên đường thăm chính thức Mỹ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama, được đích thân ông Obama đón tiếp tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng.

Trong các hoạt động lễ tân ngoại giao, lãnh đạo các nước cũng dành cho lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam sự đón tiếp trọng thị, nồng hậu, có nhiều biệt lệ tích cực, thể hiện sự tôn trọng ở mức cao nhất.

Điều này có thể thấy rõ nhất trong các chuyến công du gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm như chuyến công du đến Mỹ, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 hồi tháng 9-2024 hay chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm đến Ireland và Pháp hồi đầu tháng 10 năm ngoái.

Như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” không chỉ được nhân dân Việt Nam thống nhất thừa nhận, mà còn thuyết phục được niềm tin, sự công nhận và ủng hộ từ bạn bè quốc tế. Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ được công chúng, người dân Việt Nam ủng hộ, mà còn được lãnh đạo, nguyên thủ các nước tôn trọng, công nhận là nguyên thủ quốc gia.

Thành quả ấy đến từ nhiều nỗ lực lớn của Đảng qua nhiều thời kỳ trong suốt 95 năm kể từ khi Đảng được thành lập. Thứ nhất, dưới sự dẫn dắt của Đảng, đất nước từ chỗ chiến tranh, nghèo đói, thuộc địa đã độc lập, tự do, tự chủ, tự cường; từ chỗ khó khăn toàn diện, bị cấm vận bủa vây đến tăng trưởng, năng động bậc nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hội nhập mạnh mẽ, sâu rộng và toàn diện. Hiện Việt Nam được nhiều nước công nhận là một trong những quốc gia ổn định về chính trị, an ninh được đảm bảo, đóng nhiều vai trò và cung cấp nhiều sáng kiến uy tín cho các tổ chức quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc, ASEAN và nhiều tổ chức liên chính phủ khác.

Thứ hai, tư duy đối ngoại của Việt Nam dưới sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Cùng với công cuộc đổi mới từ Đại hội VI (năm 1986), Đảng khẳng định chủ trương “sẵn sàng thiết lập và mở rộng quan hệ với các đảng xã hội - dân chủ, các phong trào dân chủ và tiến bộ trên thế giới” ở Đại hội VII (năm 1991). Đến Đại hội XIII, Đảng xác định rõ nhiệm vụ: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”.

Tư duy phù hợp, chủ trương đúng đắn, quyết sách phù hợp, hành động quyết liệt đã giúp Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn dắt đất nước vượt qua nhiều cột mốc lớn, để đón “gió lành” để phát triển đất nước. Từ đó, không ngừng gia tăng vị thế quốc tế của Đảng, Nhà nước, dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.

ĐẠI THẮNG

ĐỖ THIỆN

Nguồn PLO: https://plo.vn/95-nam-dang-dan-dat-dat-nuoc-tien-vao-nhung-ky-nguyen-phat-trien-bai-1-tu-giai-phong-dan-toc-den-ky-nguyen-vuon-minh-post832432.html