99,99% chứng khoán Việt Nam được nâng hạng trong năm 2025?

Sự kiện nâng hạng có thể coi là một sự kiện chắc chắn tới 99,99% trong năm 2025, vấn đề còn lại chỉ là thời điểm. Tổng giám đốc ACBS Nguyễn Đức Hoàn cho rằng khả năng cao quyết định nâng hạng sẽ diễn ra vào tháng 9/2025...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nhận định về triển vọng vĩ mô và thị trường chứng khoán năm 2025 trong Talk show Phố Tài Chính mới đây, ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, năm 2025 vẫn là một năm phù hợp để nhà đầu tư tích lũy các cổ phiếu hưởng lợi từ câu chuyện nâng hạng, chủ yếu là các cổ phiếu vốn hóa lớn.

Ngay từ đầu năm, kế hoạch tăng trưởng GDP đã được Chính phủ đặt ra rất tham vọng ở mức trên 8,0%, với mục tiêu sự tăng trưởng mạnh mẽ ở hầu hết các lĩnh vực, như chế biến chế tạo (9,7%), dịch vụ (8,1%), bán lẻ (12%) và xuất nhập khẩu (> 12%). Bên cạnh đó là các kế hoạch đầu tư công rất lớn, tăng gần 30% so với thực tế thực hiện năm 2024. Những yếu tố này sẽ hỗ trợ cho việc hoàn thành kế hoạch mục tiêu GDP của năm 2025.

Còn đối với thị trường chứng khoán, hiện định giá của thị trường đang ở mức P/E 12,5 lần, đây là mức định giá hấp dẫn và phù hợp để đầu tư lâu dài. Đặc biệt đối với nhóm ngành ngân hàng, là nhóm cổ phiếu có mức vốn hóa lớn nhất thị trường cũng như có khả năng dẫn dắt VN-Index đang có vùng định giá chỉ là 9,5 lần, là mức hấp dẫn trong 10 năm trở lại đây.

Ngoài ra, triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi FTSE trong năm 2025, dự kiến vào tháng 9 năm 2025 cũng là một sự kiện trọng yếu giúp thu hút dòng tiền của khối ngoại khoảng 300 triệu đến 400 triệu USD dòng vốn ETF và các dòng vốn chủ động khác. Dòng vốn này tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, cộng với nền tảng kinh tế vĩ mô tích cực từ đó sẽ giúp VN-Index bứt phá tăng điểm.

Theo tổng hợp và đánh giá từ đội ngũ ACBS, lợi nhuận trung bình của toàn bộ các doanh nghiệp niêm yết trên sàn năm 2024 tăng trưởng 22,3% so với năm 2023. Đà tăng được duy trì ổn định qua các quý. Trong đó, ngành ngân hàng, trụ cột của VN-Index tăng 17,4%, nhóm ngành chứng khoán tăng 23,4%, ngành hàng tiêu dùng nhanh tăng 23,7% và ngành bán lẻ phục hồi từ đáy, tăng gần gấp 5 lần. Tuy nhiên, đà phục hồi này vẫn thiếu sự đóng góp của ngành bất động sản (-5,7%), tiện ích (-2%) và dầu khí (-51,1%).

Trong năm 2025, ACBS kỳ vọng tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ đạt mức 15-16%, trong đó ngành ngân hàng sẽ đạt khoảng 14,9% mặc dù tăng trưởng tín dụng vẫn tích cực nhưng NIM sẽ thu hẹp để duy trì đà tăng trưởng. Đồng thời, các cổ phiếu xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng, cảng biển, bất động sản dân dụng sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng hơn.

Ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS).

Ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS).

Đến nay đã 7 năm kể từ khi Việt Nam được vào danh sách “watch list” thị trường chứng khoán mới nổi của FTSE. Tuy nhiên, phải tới cuối năm 2024, khi Bộ Tài chính ban hành xong Thông tư 68 tháo gỡ khó cho điều kiện Non-prefunding đối với nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài, thì mới thực sự hoàn thiện các nền tảng cho việc nâng hạng. Bước cuối cùng là ghi nhận ý kiến của các nhà đầu tư sau một thời gian sử dụng cơ chế Non-prefunding chính thức có hiệu lực từ 2/11/2024.

Vì vậy, sự kiện nâng hạng có thể coi là một sự kiện chắc chắn tới 99,99% trong năm 2025, vấn đề còn lại chỉ là thời điểm. Trong năm 2025, FTSE có 2 kỳ review chính, là tháng 3/2025 và tháng 9/2025. Tuy nhiên, theo Tổng giám đốc ACBS, khả năng cao quyết định nâng hạng sẽ diễn ra vào tháng 9/2025 vì kỳ review tháng 3 hàng năm thường để nhìn nhận lại tiến độ đáp ứng các chỉ tiêu nâng hạng, thay vì các quyết định chính thức nâng hạng. Và như vậy thì để cổ phiếu Việt Nam chính thức được đưa vào danh mục ETF sẽ là tháng 3/2026.

Đa phần các thị trường khu vực ghi nhận mức tăng điểm rất tốt trước giai đoạn nâng hạng chính thức từ 6 tháng đến 1 năm. Vì vậy, năm 2025 vẫn là một năm phù hợp để nhà đầu tư tích lũy các cổ phiếu hưởng lợi từ câu chuyện nâng hạng, chủ yếu là các cổ phiếu vốn hóa lớn.

Trong bối cảnh vĩ mô thế giới năm 2025 có nhiều bất định và biến động hơn cả so với năm 2024 như thương chiến, khả năng quay trở lại của lạm phát, và nguy cơ FED chậm hạ lãi suất. Theo ông Hoàn, những yếu tố này dự báo sẽ tác động mạnh mẽ tới thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, mức độ tác động như thế nào sẽ phụ thuộc nhiều vào vị thế của Việt Nam trong thương chiến.

ACBS vẫn nghiêng về kịch bản Việt Nam sẽ không bị xếp vào nhóm các nước bị áp mức thuế cao như Canada, Mexico và Trung Quốc. Vì vậy, trong trường hợp chúng ta cân bằng được một phần cán cân thặng dư với Mỹ thông qua nhập khẩu khí LNG, máy bay, chip,… vốn là những lĩnh vực chúng ta cũng đang rất cần phát triển, thì xét toàn diện, Việt Nam vẫn có thể hưởng lợi trong bối cảnh thương chiến.

Những ngành được hưởng lợi sẽ là doanh nghiệp Bất động sản khu công nghiệp, phục vụ cho các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp hạ tầng cảng, vận tải, và các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may, cá tra và đồ gỗ xuất khẩu sang Mỹ cũng có thể được hưởng lợi một phần nhờ lấy được thị phần từ Trung Quốc, trong khi đây không phải là những mảng sản xuất mà Mỹ thực sự cần chuyển dịch về lại Mỹ.

Tuệ Lâm

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/99-99-chung-khoan-viet-nam-duoc-nang-hang-trong-nam-2025.htm