A Lưới chủ động phòng, chống thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại

Tháng 10 và 11 là hai tháng trọng điểm của mưa lũ ở Huế. Là huyện miền núi với địa hình phức tạp, độ dốc và dòng chảy sông suối lớn, A Lưới luôn chủ động các phương án phòng, chống thiên tai nhằm giảm nhẹ thiệt hại.

 Cắm biển cảnh báo người dân ở các điểm ngập sâu ở A Lưới

Cắm biển cảnh báo người dân ở các điểm ngập sâu ở A Lưới

Chủ động ứng phó

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện A Lưới, năm 2023 và đầu năm 2024, huyện A Lưới liên tiếp chịu nhiều ảnh hưởng của các đợt mưa lớn, giông lốc gây thiệt hại khá nặng. Trong đó, mưa lớn gây sạt lở nhiều công trình giao thông, vùi lấp khoảng 13ha đất trồng lúa và hoa màu các địa phương với tổng thiệt hại do mưa lũ khoảng 4,5 tỷ đồng. Đặc biệt, đợt mưa trái mùa vào tháng 4 đến tháng 7 năm 2024, đã gây thiệt hại khoảng 300 triệu đồng với 18 nhà bị tốc mái, nhiều công trình hạ tầng, đất sản xuất nông nghiệp bị vùi lấp, trượt lở…

Để ổn định sản xuất, UBND huyện A Lưới đã hỗ trợ khắc phục tạm công trình thủy lợi xã A Roàng, với kinh phí 3 tỷ đồng. UBND xã A Roàng cũng huy động lực lượng vũ trang và Nhân dân trong xã 200 ngày công để giúp đỡ các hộ dân bị hư hại nhà cửa sửa chữa, gia cố. Huyện cũng khắc phục và chống sạt lở dòng suối thôn La Bạch, xã Lâm Đớt, với chiều dài khoảng 990m, kinh phí 500 triệu; sửa chữa, khắc phục hồ chứa thôn Quảng Lộc, xã Sơn Thủy, kinh phí 800 triệu đồng; khắc phục đường vào khu sản xuất Rơm Môm, xã Đông Sơn, kinh phí 500 triệu đồng và cống tại xã Hương Nguyên kinh phí 700 triệu đồng.

 Các lực lượng ở A Lưới chủ động khơi thông cống rãnh phòng, chống ngập úng trong khu dân cư

Các lực lượng ở A Lưới chủ động khơi thông cống rãnh phòng, chống ngập úng trong khu dân cư

Với tinh thần chủ động nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản, ngay từ đầu năm, UBND huyện A Lưới đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo thiên tai, bảo đảm thông tin đến với người dân một cách chính xác, nhanh chóng, đặc biệt là người dân ở vùng trũng thấp, ven sông suối và hạ lưu các hồ chứa thủy điện, thủy lợi để người dân sẵn sàng ứng phó trước các tình huống thiên tai bất thường, cực đoan. Vận động Nhân dân chủ động chuẩn bị, sẵn sàng phòng, chống bảo vệ tài sản của gia đình. Chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn, tránh tình trạng bị động, hoảng loạn khi có thiên tai xảy ra.

Vào mùa mưa lũ, huyện còn chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát, tăng cường quản lý việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là công trình giao thông, thủy lợi, hệ thống tiêu thoát nước khu dân cư, đảm bảo hạn chế tác động do thiên tai. Chủ động lồng ghép nội dung PCTT trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực.

Giảm thiểu thiệt hại

Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, trong các đợt mưa lũ vừa qua, các địa phương đã làm tốt công tác rà soát để chủ động di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng thiên tai, đặc biệt tại khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất do mưa lớn.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã chỉ đạo các địa phương rà soát, kiểm tra các hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, lũ quét, đặc biệt tại 3 điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng cao như khu vực Bốt Đỏ, xã Phú Vinh; thôn Trù Pỉ, xã Hồng Thủy; khu ngập lụt thôn A Sáp, xã Hồng Thượng để sơ tán đến các vị trí an toàn. Chủ động phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, đảm bảo an toàn cho các hộ ở những vùng có nguy cơ cao về thiên tai.

Huyện quán triệt công tác chỉ đạo thực hiện mục tiêu phòng tránh thiên tai là chính, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả nhanh chóng, hiệu quả với phương châm “4 tại chỗ”. Có kế hoạch phối hợp chặt chẽ các lực lượng, chỉ đạo kịp thời, đồng bộ nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác PCTT&TKCN. Chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, vật liệu, phương tiện để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ người, tài sản, sản xuất và công trình, khắc phục kịp thời.

Theo UBND huyện A Lưới, để kịp thời ứng phó với tình huống xấu xảy ra và trong điều kiện mưa lũ kéo dài, ngoài việc vận động Nhân dân tự dự trữ các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện A Lưới đã hợp đồng với các chủ cửa hàng dự trữ lương thực, gồm gạo và một số hàng nhu yếu phẩm khác như mì ăn liền, xăng dầu để cung ứng, hỗ trợ cho người dân khi cần thiết.

Cụ thể, hàng năm tổng số lượng hàng hóa dự trữ gồm gạo khoảng 20 tấn, nước uống đóng chai 90.000 lít, xăng đầu khoảng 30 nghìn lít. Dụng cụ, vật tư chuẩn bị ứng cứu gồm 400 rọ thép, bao tải, hàng trăm phao tròn, áo phao cứu sinh… Đồng thời, chuẩn bị một cơ số thuốc phục vụ công tác PCTT&TKCN trên địa bàn huyện do Sở Y tế trang cấp.

Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới Hồ Văn Ngưm đánh giá, hiện nay công tác dự báo loại hình thiên tai như mưa lớn tương đối chính xác và kịp thời. Công tác trực ban theo dõi diễn biến của thời tiết, xử lý thông tin được thực hiện nghiêm túc là một trong những yếu tố quan trọng giúp địa phương chủ động trong công tác kiểm soát tình huống và di dời dân vùng trọng điểm.

Huyện cũng chú trọng thực hiện tốt phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, trong đó chú trọng phương án dự trữ lương thực, thực phẩm trước mưa bão, rà soát các địa điểm xung yếu, lên kế hoạch di dời, sơ tán dân và công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai. Đồng thời, UBND huyện A Lưới cũng đề nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí kinh phí để triển khai các dự án cho vùng di dân tập trung bị ảnh hưởng do sạt lở tại thôn Trù Pỉ, xã Hồng Thủy; vùng di dân tập trung tái định cư thủy điện A Lưới thôn A Sáp, xã Hồng Thượng do ngập lụt và khu tái định cư vùng sạt lở đất thôn Phú Thành, xã Phú Vinh nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi có mưa bão, sạt lở đất...

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/a-luoi-chu-dong-phong-chong-thien-tai-giam-nhe-thiet-hai-147918.html