ACB, HDBank, OCB đặt mục tiêu lợi nhuận, tăng vốn lên bao nhiêu trong năm nay?
Hầu hết các nhà băng đã công bố kế hoạch kinh doanh cho năm 2025 chuẩn bị trình đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thông qua, với chỉ tiêu lợi nhuận và vốn tăng cao.
ACB (mã: ACB) sẽ tiến hành ĐHĐCĐ thường niên 2025 trong sáng nay (8/4), với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 23.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm ngoái. ACB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 14% ước đạt 984.967 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng và giấy tờ kỳ vọng đạt 728.409 tỷ đồng; cho vay khách hàng là 673.596 tỷ đồng, tăng 16%. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 2%, trong khi cuối năm 2024 là 1,49%.
Đồng thời, ACB cũng lên kế hoạch chia cổ tức năm 2024 từ nguồn lợi nhuận giữ lại của năm 2024 và còn lại từ các năm trước chưa chia là gần 23.634 tỷ đồng. HĐQT Ngân hàng dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt, tương ứng với gần 11.167 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức này cũng được Ngân hàng dự kiến tiếp tục áp dụng cho năm 2025 với mức vốn sử dụng tương ứng là gần 12.842 tỷ đồng.

ACB lên kế hoạch lãi 23.000 tỷ đồng trước thuế năm nay, chia cổ tức 25% bằng tiền mặt và cổ phiếu.
Với kế hoạch chia cổ tức trên, ACB dự kiến sẽ phát hành thêm gần 670 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tăng vốn điều lệ thêm gần 6.700 tỷ đồng lên gần 51.367 tỷ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ là quý III/2025.
Theo ACB, việc tăng vốn điều lệ là hết sức cần thiết nhằm thêm nguồn vốn trung dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ; đồng thời có thêm nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất, các dự án chiến lược của ngân hàng và nâng cao năng lực tài chính, thích ứng với biến động của thị trường. ACB cũng dự kiến trình đại hội thông qua việc niêm yết trái phiếu ra công chúng trên hệ thống giao dịch chứng khoán.
HDBank sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 tại ĐHĐCĐ thường diễn ra ngày 24/4 tới, với mục tiêu lợi nhuận hơn 21.179 tỷ đồng trước thuế trong năm 2025, tăng 27% so với năm rồi. Dự kiến tổng tài sản tăng trưởng 28% lên 890.442 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng có thể tăng 32% lên 579.896 tỷ đồng, đảm bảo không vượt quá hạn mức tăng trưởng do Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Huy động vốn tăng khoảng 28% lên 792.812 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ kiểm soát tỷ lệ nợ xấu không quá 2%. Các tỷ lệ sinh lời như ROE và ROA mục tiêu cải thiện lên 26,2% và 2,15%. HDBank cho biết sẽ nâng tầm quy mô, tối ưu tăng trưởng tín dụng theo hạn mức NHNN phê duyệt. Trong đó, nâng cao chất lượng danh mục cho vay, mở rộng cho vay vào các lĩnh vực có rủi ro thấp, các sản phẩm vay xanh và sản phẩm đầu tư thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, ngân hàng sau khi nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng TMCP Đông Á sẽ triển khai các biện pháp hỗ trợ, phối hợp, tích hợp nhằm tối ưu hiệu quả kinh doanh và vận hành thông suốt. Đáng chú ý, ngân hàng cũng cho biết dự kiến lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và đối tác Bancassurance trong năm nay, chuyển huyển đổi mạnh mẽ khách hàng của hệ sinh thái để tăng trưởng mạnh số lượng khách hàng HDBank, phát triển các kênh phân phối đại lý thanh toán, ngân hàng đại lý...
Trước đó, năm 2024, sau thuế và trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại năm qua của HDBank là 10.134 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại các năm trước chưa chi là 261 tỷ đồng. Theo đó, hiện HDBank có 10.396 tỷ đồng lợi nhuận có thể sử dụng để chia cổ tức, tương đương tỷ lệ có thể chia là 28%.
Hội đồng quản trị (HĐQT) HDBank cho biết, sẽ trình ĐHĐCĐ bằng văn bản để thông qua kế hoạch chia cổ tức cụ thể vào thời điểm phù hợp với kế hoạch phát triển kinh doanh. HDBank cũng là ngân hàng chia cổ tức cho cổ đông cao trong nhiều năm liền. Tại ĐHCĐ năm 2024, nhà băng này đã trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức dự kiến thực hiện trong năm 2025 lên đến 30%, gồm tối đa 15% tiền mặt, tương đương năm 2024 và 15% bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Với OCB sẽ trình ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 22/4 tới, mục tiêu lơịi nhuận trước thuế đạt 5.338 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2024, tăng trưởng tín dụng khoảng 16% đồng thời duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Cụ thể, ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 13% so với mức thực hiện 2024, ước đạt 316.779 tỷ đồng trong năm 2025. Tổng huy động và tổng dư nợ thị trường một tăng lần lượt 14% và 16% lên 218.842 tỷ đồng và 208.472 tỷ đồng; duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới mốc 3%.
Năm 2024, lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 4.006 tỷ đồng, giảm 3% so với năm 2023 và chỉ hoàn thành 58% so với kế hoạch. Sau khi trừ thuế, trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại năm 2024 của Ngân hàng là 2.508 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại lũy kế là 3.706 tỷ đồng. OCB dự kiến sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 7%, tương đương với quy mô 1.726 tỷ đồng.
Đây sẽ là lần đầu tiên OCB có kế hoạch chia cổ tức tiền mặt kể từ khi lên sàn chứng khoán. Các năm trước đó, OCB chủ yếu sử dụng phương thức chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ, không chi trả cổ tức bằng tiền mặt.
Đồng thời, trong năm nay, OCB tiếp tục có kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu (cổ phiếu thưởng). Cụ thể, Ngân hàng dự kiến phát hành 197,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 8%. Theo đó, vốn điều lệ OCB sẽ tăng từ 24.657 tỷ đồng lên 26.630 tỷ đồng.
Trong năm 2024, OCB cũng đã tăng vốn từ 20.548 tỷ đồng lên gần 24.658 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Tuy nhiên, phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và phát hành cổ phiếu riêng lẻ chưa được triển khai do tình hình thị trường chưa phù hợp.