Ada Koonh, di sản truyền đời của người Pa Cô

Tháng 12-2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định công bố Lễ hội Ada Koonh của người Pa Cô, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế vào danh mục lễ hội truyền thống di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là lễ hội mừng lúa mới quan trọng nhất trong một năm của đồng bào Pa Cô.

Một gia đình người Pa Cô và chiếc trống da thường dùng trong lễ hội Ada Koonh. Ảnh: TTH

Một gia đình người Pa Cô và chiếc trống da thường dùng trong lễ hội Ada Koonh. Ảnh: TTH

Người Pa Cô hiện nay chủ yếu cư trú tại miền núi phía Tây của 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị. Mặc dù có ngôn ngữ riêng, nhưng lâu nay người Pa Cô được xếp vào nhóm dân tộc Tà Ôi cùng với nhiều nhánh khác của dân tộc Tà Ôi. Trong ngôn ngữ Tà Ôi, Pa Cô có nghĩa là người bên kia núi. Việc gọi tên có thể tiết lộ nguồn gốc của người Pa Cô và cũng là lý do họ luôn mong muốn được nhìn nhận là một dân tộc riêng có bản sắc văn hóa đặc trưng. Vì vậy, lễ hội mừng lúa mới mà đồng bào Pa Cô thường gọi là Lễ hội Ada Koonh được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được đón nhận trong sự vui mừng khôn xiết của những người Pa Cô.

Đồng bào Pa Cô hiện nay vẫn duy trì thiết chế buôn làng, mỗi làng có già làng là người có uy tín nhất trong cộng đồng có thể quyết định dịp tổ chức Lễ hội Ada Koonh hằng năm. Già làng quy tụ các gia đình, bàn bạc về thời gian tổ chức và ông cũng chính là người phân phối các công việc chuẩn bị cho Lễ hội Ada Koonh cho các gia đình. Vì là nghi lễ truyền thống chia thành 2 phần lễ và hội nên đàn ông trong làng sẽ chuẩn bị phần lễ cúng và phụ nữ thì lo phần hội, lương thực, thực phẩm cho bữa ăn chung. Người Pa Cô coi trọng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, nhưng họ không có nhiều lễ hội trong năm. Nên dịp Lễ hội Ada Koonh chính là thời điểm để những người con Pa Cô đi làm ăn xa trở về quê hương, gia đình, buôn làng để ôn lại truyền thống dân tộc, được sống trong không khí lễ hội, nhân lên niềm tự hào với gia đình, dòng tộc và duy trì tình cảm với quê hương.

Trong Lễ hội Ada Koonh, già làng đứng ra điều hành toàn bộ lễ hội của buôn làng. Già làng thực hiện nghi thức cúng tạ thần linh, trời đất đã ban cho mùa màng bội thu. Đây cũng là bữa ăn cơm mới đầu tiên sau vụ mùa nên già làng thường chọn thời điểm sau thu hoạch lúa, sàng sảy xay giã ra gạo để tổ chức lễ hội. Thường thì tháng Chạp âm lịch mỗi năm là thời điểm thích hợp để tổ chức lễ hội. Điều này phù hợp với đa số các dân tộc thiểu số Việt Nam đều có ngày lễ cúng cơm mới. Với ý nghĩa bát cơm đầu tiên dành cho trời đất và cảm tạ ơn của trời đất đã cho mưa thuận, gió hòa. Nếu vụ mùa thất bát và gặp thiên tai địch họa, buôn làng cũng sửa soạn lễ cơm mới để báo cáo tình hình với thần linh, khẩu cầu một vụ mùa sắp tới sẽ no ấm, đầy đủ và năng suất hơn để bù đắp cho những mất mát vừa qua. Lời cúng dâng lên thần linh cùng với lễ vật đầu mùa mong cho cây trồng không bị dịch bệnh, không bị thú rừng phá hoại và cho năng suất cao nhất. Đây cũng là phép làm an tâm, an trí và nuôi dưỡng niềm hy vọng cho tương lai, dù có mất mùa cũng không nhụt chí của những người làm nông nghiệp lúa nước.

Trong Lễ hội Ada Koonh của người Pa Cô có rất nhiều nghi lễ được thực hiện nhuốm màu sắc linh thiêng mà chỉ có người dân Pa Cô mới cảm nhận được hết ý nghĩa. Lễ hội bao gồm lễ tẩy rửa (a xa a rah), lễ chuẩn bị (cha chootq), lễ mời mẹ lúa (ka coong tro), lễ cúng giống cây trồng (ada), lễ cúng cho Giàng (các thần sông, suối, gió, núi, mây, lửa, đất), lễ cúng người đã khuất (ku muuiq), lễ cúng thần che chở cho buôn bán (Giàng Pa nuôn), lễ cúng thần ban tặng con người (Giàng A zel, Giàng Cợt), lễ ăn cơm mới (cha đooi âr beh).

Trong suốt các ngày lễ hội, cây nêu làm từ cành tre lớn được trồng xuống từ đầu đến cuối mới dỡ đi. Người Pa Cô cho rằng, những già làng cao tay làm phép có thể giao tiếp với thần linh và trời đất thông qua cây nêu này và chuyển lời khấn nguyện của buôn làng tới thần linh. Vậy nên lễ hội còn là dịp để người dân Pa Cô thể hiện lòng thành kính biết ơn đến các vị thần linh đã che chở cả đời sống con người và mùa màng làm cho mùa màng sinh sôi, nuôi dưỡng và phù chú cho nhiều thế hệ người Pa Cô sinh ra trưởng thành và duy trì nòi giống. Có thể nói, Lễ hội Ada Koonh chính là thông điệp khẳng định tình cảm gắn bó thiêng liêng, thiết chế làng xã bền chặt, gắn kết nhiều đời của cộng đồng người Pa Cô.

Người Pa Cô giữ cách giã gạo truyền thống trong các cối gỗ. Ảnh: TTH

Người Pa Cô giữ cách giã gạo truyền thống trong các cối gỗ. Ảnh: TTH

Có những hình ảnh không thể thiếu được trong các Lễ hội Ada Koonh hàng năm chính là những thanh tre lấy từ rừng được người Pa Cô khéo léo vót thành hình hoa, trái và cắm trên các lễ vật cúng tế, cầm trên tay và trang trí nhà cửa trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Những chiếc trống bịt bằng da thú và trang trí bằng dây rừng của người Pa Cô cũng rất đặc biệt. Mỗi mùa lễ hội, trống mới được mang ra đánh trong các điệu ca vũ của buôn làng chứ không được tùy tiện đánh vào bất cứ thời điểm nào. Sau buổi sáng thực hiện nghi thức cúng tế, phần hội chính là lúc người Pa Cô truyền dạy câu hát, điệu múa truyền thống cho các thế hệ con cháu. Cùng lúc đó, phụ nữ có thể dạy những đứa trẻ cách gói bánh a-koat, cách đồ xôi nếp nương và giã gạo bằng chày trong những chiếc cối gỗ truyền thống của dân tộc.

Lễ hội Ada Koonh truyền thống được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là động thái khẳng định giá trị tinh hoa văn hóa tốt đẹp, độc đáo của người Pa Cô. Trên cơ sở đó, lễ hội sẽ được gìn giữ, phát huy và duy trì tổ chức định kỳ hàng năm, trở thành nhân tố phát triển và bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Pa Cô - những cư dân kiên cường của dãy Trường Sơn.

Thụy Văn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ada-koonh-di-san-truyen-doi-cua-nguoi-pa-co/