Ai chăm sóc y tá, bác sĩ trong đại dịch

Áp lực liên tục và kéo dài trong đại dịch đẩy các y, bác sĩ và nhân viên y tế rơi vào trạng thái mệt mỏi, kiệt quệ. Trong khi đó, họ cũng là những người cần được chăm sóc, bảo vệ.

Dịch Covid-19 tái bùng phát ở nhiều tỉnh thành, số ca nhiễm tăng cao mỗi ngày không chỉ là tình huống gây khó khăn cho cuộc sống người dân mà còn tạo sức ép lên lực lượng chăm sóc sức khỏe, bao gồm cán bộ y tế, nhân viên bệnh viện, tuyến đầu chống dịch hay nhân viên công tác xã hội và những đội ngũ hỗ trợ khác.

"Túc trực trong môi trường nhiều nguy cơ, luôn phải ở trạng thái sẵn sàng, thường xuyên bị bao vây bởi lo âu sẽ khiến nhân viên y tế tuyến đầu dễ bị lây lan các cảm xúc lo lắng, mệt mỏi, kiệt sức thấu cảm, hoặc căng thẳng sau sang chấn (PTSD).

Đây là các nguy cơ phổ biến của một người làm công việc chăm, chữa cho người khác nhưng lại không có được điều kiện và hỗ trợ tinh thần đủ để bản thân tái sản xuất năng lượng" - chuyên gia tâm lý Phan Tường Yên, phụ trách đào tạo huấn luyện tại Phòng tâm lý Saigon Psychub và là Phó chủ tịch Mạng lưới lãnh đạo trẻ toàn cầu Sunwah (khu vực TP.HCM), nói với Zing.

 Vấn đề đội ngũ nhân viên y tế, công tác xã hội mắc hội chứng kiệt sức nghề nghiệp cần được quan tâm và nhìn nhận sâu sắc hơn. Ảnh: Phạm Ngôn

Vấn đề đội ngũ nhân viên y tế, công tác xã hội mắc hội chứng kiệt sức nghề nghiệp cần được quan tâm và nhìn nhận sâu sắc hơn. Ảnh: Phạm Ngôn

Căng thẳng, lo âu kéo dài

Tỷ lệ trầm cảm chiếm 24,3%, tỷ lệ lo âu chiếm 25,8% và tỷ lệ stress chiếm 45%.

Đây là kết quả trong báo cáo The prevalence of stress, anxiety and depression within front-line healthcare workers caring for COVID-19 patients (tạm dịch: Tỷ lệ căng thẳng, lo lắng và trầm cảm ở nhân viên y tế tuyến đầu chăm sóc bệnh nhân Covid-19) do tạp chí Human Resources for Health công bố vào tháng 12/2020, gồm 29 nghiên cứu, khảo sát trên 22.380 người.

Theo Thạc sĩ Trương Nguyễn Xuân Quỳnh, chuyên gia trong lĩnh vực công tác xã hội y tế, giảng viên, cố vấn tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, có 4 nguồn cơn gây ra căng thẳng ở một cá nhân, bao gồm đe dọa tính mạng, mất mát, xung đột bên trong và trạng thái mệt mỏi.

“Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và mang theo nguy cơ làm sức khỏe yếu đi, thậm chí tử vong, ai cũng sẽ căng thẳng. Với các nhân viên y tế, trải nghiệm ấy còn nguy hiểm hơn khi họ tiếp xúc với bệnh nhân hàng ngày và khả năng lây nhiễm ở mức cao”, thạc sĩ Xuân Quỳnh cho hay.

Không giống các nghề nghiệp khác có thể duy trì từ xa, y, bác sĩ không thể né tránh môi trường làm việc trực tiếp là bệnh viện. Y đức cũng không cho phép họ rời bỏ vị trí của mình.

 Tại phòng điều hành thuộc Trung tâm hồi sức của Bệnh viện dã chiến số 14 (quận Tân Phú), nhân viên y tế phải dùng bộ đàm liên lạc và trao đổi thông tin của các ca bệnh với y bác sĩ phía bên trong khu điều trị. Ảnh: Chí Hùng.

Tại phòng điều hành thuộc Trung tâm hồi sức của Bệnh viện dã chiến số 14 (quận Tân Phú), nhân viên y tế phải dùng bộ đàm liên lạc và trao đổi thông tin của các ca bệnh với y bác sĩ phía bên trong khu điều trị. Ảnh: Chí Hùng.

Cảm giác mất mát khiến căng thẳng dâng cao khi chứng kiến người bệnh qua đời, còn bản thân họ cũng mất đi sự gần gũi với người thân, gia đình khi phải liên tục túc trực nhiều ngày trong viện.

Không ai biết rõ được tình hình dịch sắp tới sẽ diễn biến thế nào, khả quan hay xấu thêm, cũng khiến tâm trạng tệ đi.

Stress tích tụ lâu ngày, không có sự nghỉ ngơi, phục hồi và chăm sóc sức khỏe làm dẫn đến trạng thái “mòn dần” và “rách” ở tinh thần.

Nguyên nhân dẫn đến lo âu ở nhân viên y tế xuất phát từ nhiều nỗi sợ khác nhau. Nỗi lo đồ bảo hộ liệu có đủ an toàn, sợ bản thân mắc Covid-19, sợ lây cho đồng nghiệp và gia đình, lo con cái không ai chăm sóc, lo không biết mình có cứu sống được người bệnh.

Các lo âu liên quan đến công việc cứ thế lây lan sang các khía cạnh khác trong cuộc sống. Căng thẳng và lo âu kéo dài dẫn đến chứng kiệt sức.

 Khả năng lây nhiễm cao cùng việc chứng kiến sự mất mát, ra đi mỗi ngày khiến gia tăng căng thẳng ở lực lượng chống dịch. Ảnh: Chí Hùng.

Khả năng lây nhiễm cao cùng việc chứng kiến sự mất mát, ra đi mỗi ngày khiến gia tăng căng thẳng ở lực lượng chống dịch. Ảnh: Chí Hùng.

"Sức tàn lực kiệt" ở lực lượng y tế

Năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận kiệt sức (burn out) là một hội chứng nghề nghiệp. Trong đó, người lao động cảm thấy cạn kiệt năng lượng, có tinh thần tiêu cực, căng thẳng với công việc, giảm hiệu quả nghề nghiệp.

Ở giai đoạn đầu, nhân viên y tế sẽ cố, ép mình phải cố gắng, chăm sóc, chữa trị cho nhiều bệnh nhân nhất có thể. Đến thời điểm kiệt sức, động lực biến mất và tâm lý né tránh nhiệm vụ nảy sinh.

Niềm vinh dự khi cứu người không còn, nhường chỗ cho cảm giác hoài nghi tăng dần về mục đích, môi trường làm việc. Nói cách khác, các y, bác sĩ không còn thấy giá trị, ý nghĩa ở công việc của mình. Từ đó, họ dần xa cách, né tránh người khác và từ chối trách nhiệm.

Căng thẳng mạn tính dẫn đến nhiều triệu chứng về thể chất như đau đầu, đau nhức cơ, đau bụng, tiêu chảy, mệt mỏi, giảm miễn dịch, thay đổi thói quen ăn ngủ. Về mặt cảm xúc, lực lượng y tế dễ mất động lực, thiếu năng lực hoàn thành công việc, giảm sự hài lòng hoặc cảm giác hoàn thành, thấy bất lực, bị mắc kẹt hoặc bị đánh bại.

 Những tác động tiêu cực lên thể chất lẫn tinh thần lên nhân viên y tế khiến họ không còn trụ thêm nữa, có tâm lý né tránh và giảm hiệu quả công việc. Ảnh: BBC.

Những tác động tiêu cực lên thể chất lẫn tinh thần lên nhân viên y tế khiến họ không còn trụ thêm nữa, có tâm lý né tránh và giảm hiệu quả công việc. Ảnh: BBC.

Hệ quả, công việc chống dịch cũng bị ảnh hưởng theo khi người thuộc tuyến đầu có thể bỏ ngang, chần chừ, giảm hiệu suất, khó tập trung và mất đi sự linh hoạt.

"Đại dịch Covid-19 không phải là sang chấn của một cá nhân mà của cả tập thể. Nhận diện căng thẳng và lo âu để ứng phó là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe tinh thần của nhân viên y tế, nhất là khi đại dịch qua đi, các hệ quả vẫn còn", thạc sĩ Xuân Quỳnh nhấn mạnh.

Người chăm sóc cũng cần được chăm sóc

"Nhân viên y tế cũng cần được chăm sóc vì nếu không khỏe, họ không thể chăm sóc tốt cho người khác. Việc này giống như rót từ một cái cốc không có nước", thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Gia Hoàng, chuyên gia tham vấn tại Phòng tâm lý Saigon Psychub, nói.

Thiếu hụt sự hỗ trợ và chính sách từ tổ chức là yếu tố bên ngoài khiến việc tự chăm sóc sức khỏe tinh thần ở những người làm nghề y, công tác xã hội trong đại dịch chưa được coi trọng.

Một số rào cản bên trong đến từ chỗ các y, bác sĩ đã quen chấp nhận hy sinh, đặt người khác lên trước. Cảm giác tội lỗi, ích kỷ xuất hiện khi họ dành thời gian cho bản thân, cộng với đòi hỏi cao từ lượng bệnh nhân, lịch làm việc dày đặc.

 Niềm vinh dự cứu người, lòng trắc ẩn với bệnh nhân dần không còn khi các y, bác sĩ rơi vào tình trạng kiệt quệ cảm xúc. Ảnh: The Atlantic.

Niềm vinh dự cứu người, lòng trắc ẩn với bệnh nhân dần không còn khi các y, bác sĩ rơi vào tình trạng kiệt quệ cảm xúc. Ảnh: The Atlantic.

"Lời thề y đức vừa là trách nhiệm, là lời cam kết nhưng đồng thời cũng là một áp lực rất nặng mà các điều dưỡng, y, bác sĩ phải gánh vác. Sự hy sinh vừa là thiên tính của người hành nghề y, song ẩn chứa kỳ vọng rất lớn của xã hội bên trong đó.

Trách nhiệm mang tính chuyên môn và đạo đức có thể khiến họ không dám dành thời gian cho riêng mình - dù điều này là cần thiết - trong khi bệnh nhân còn đang vật lộn trên giường bệnh và quá nhiều ca bệnh khác đang chờ đợi hỗ trợ, quá nhiều câu hỏi đang cần nhận câu trả lời", chuyên gia Phan Tường Yên phân tích.

Để cải thiện, tổ chức và lãnh đạo cần lắng nghe hết mức nhằm hiểu, giúp các y, bác sĩ khi họ rơi vào mệt mỏi, làm theo ý kiến chuyên gia và kinh nghiệm tuyến đầu.

Ngoài ra, cần phải bảo vệ họ bằng cách giảm nguy cơ mắc bệnh của nhân viên và khả năng lây nhiễm cho gia đình; thừa nhận các giới hạn của con người trong thời điểm làm việc căng thẳng, nhiều thứ không chắc chắn; hỗ trợ toàn diện cho mỗi cá nhân và gia đình của họ nếu bị nhiễm bệnh hay đi cách ly.

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ai-cham-soc-y-ta-bac-si-trong-dai-dich-post1260694.html