Ai có nguy cơ bị tổn thương thận hậu Covid-19?

Những người mắc Covid-19 nặng, cần được chăm sóc ICU, có nguy cơ bị tổn thương thận lâu dài cao nhất.

Các hệ thống cơ quan như tim, phổi, gan và thận phụ thuộc và hỗ trợ chức năng của nhau. Vì vậy, khi SARS-CoV-2 gây tổn thương ở một bộ phận, những cơ quan khác cũng có thể gặp nguy hiểm. Ngoài việc tấn công phổi, SARS-CoV-2 cũng có thể gây hại nghiêm trọng và lâu dài ở các cơ quan khác, bao gồm cả tim và thận.

Theo Hopkins Medicine, một số người mắc Covid-19 nghiêm trọng có thể có dấu hiệu tổn thương thận ngay khi nhiễm virus hoặc kéo dài sau khi khỏi bệnh. Điều này xảy ra ở cả những người không có vấn đề cơ bản về thận trước khi mắc bệnh.

Các dấu hiệu của tổn thương thận ở bệnh nhân Covid-19 bao gồm mức độ cao của protein hoặc máu trong nước tiểu và máu hoạt động bất thường.

Trong nghiên cứu trên 1,7 triệu bệnh nhân của Mỹ, các nhà nghiên cứu phát hiện sau nhiều tháng khỏi bệnh, nhiều người có nguy gặp tổn thương thận khác nhau, từ giảm chức năng thận đến suy thận tiến triển.

Nghiên cứu này, được công bố trên tạp chí của Hiệp hội Thận học Mỹ, cho biết những người bị bệnh nặng - cần được chăm sóc ICU - có nguy cơ bị tổn thương thận lâu dài cao nhất. Ngoài ra, những bệnh nhân đã phát triển chấn thương thận cấp tính trong thời gian nhập viện điều trị Covid-19 cũng có nguy cơ cao hơn F0 không có vấn đề về thận trong thời gian nằm viện.

"Những người nhập viện vì Covid-19 hoặc cần chăm sóc ICU có nguy cơ cao nhất. Nhưng rủi ro không phải là nhỏ đối với những người mắc bệnh nhẹ", tiến sĩ Ziyad Al-Aly, trợ lý Giáo sư y khoa tại Đại học Washington (Mỹ), tác giả của nghiên cứu, cho biết.

 Các bệnh nhân Covid-19 nặng từng nhập viện điều trị có nguy cơ bị tổn thương thận lâu dài cao nhất. Ảnh: Wustl.

Các bệnh nhân Covid-19 nặng từng nhập viện điều trị có nguy cơ bị tổn thương thận lâu dài cao nhất. Ảnh: Wustl.

Theo Nature, nguyên nhân Covid-19 gây tổn thương thận được cho là SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm sang các tế bào của thận. Tế bào thận có các thụ thể cho phép SARS-CoV-2 gắn vào chúng, xâm nhập và tạo bản sao của chính nó, có thể làm hỏng những mô đó. Các thụ thể tương tự cũng được tìm thấy và gây tổn thương ở tế bào phổi và tim.

Ngoài ra, phản ứng của cơ thể đối với nhiễm trùng khi mắc Covid-19 cũng có thể là nguyên nhân. Phản ứng miễn dịch đối với SARS-CoV-2 có thể cực đoan ở một số người, dẫn đến cơn bão cytokine.

Khi điều đó xảy ra, hệ thống miễn dịch sẽ gửi lượng lớn cytokine vào cơ thể. Cytokine là những protein nhỏ giúp các tế bào tương tác khi hệ thống miễn dịch chống lại nhiễm trùng. Nhưng lượng cytokine lớn bất ngờ này có thể gây sưng tấy nghiêm trọng. Khi cố gắng tiêu diệt virus tấn công, phản ứng viêm này có thể phá hủy các mô khỏe mạnh, bao gồm cả mô của thận.

Bên cạnh đó, thận hoạt động như bộ lọc các chất độc, nước thừa và chất thải ra khỏi cơ thể. Trong khi đó, Covid-19 có thể gây ra các cục máu đông nhỏ hình thành trong máu, làm tắc những mạch máu nhỏ nhất trong thận và làm hỏng chức năng của nó.

Phương Mai

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ai-co-nguy-co-bi-ton-thuong-than-hau-covid-19-post1312524.html