Ai có nguy cơ mắc tay chân miệng?

Tôi nghe nói chỉ trẻ em mới mắc chân tay miệng. Điều này có đúng không? Bệnh này thường diễn ra vào thời điểm nào trong năm?

Tôi nghe nói chỉ trẻ em mới mắc chân tay miệng. Điều này có đúng không? Bệnh này thường diễn ra vào thời điểm nào trong năm?

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM

Mọi người đều là đối tượng có thể nhiễm bệnh tay chân miệng nhưng không phải ai bị nhiễm cũng xuất hiện triệu chứng.

Độ tuổi mắc tay chân miệng là trẻ em dưới 10 tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 3 tuổi. Trẻ càng nhỏ, biến chứng càng dễ diễn biến nặng.

Đối tượng mắc tay chân miệng thường là trẻ em vì có ít kháng thể hơn người lớn và khả năng miễn dịch cũng kém hơn khi tiếp xúc mầm bệnh. Hầu hết người lớn được miễn dịch nhưng vẫn có một số trường hợp mắc bệnh là thanh thiếu niên và người lớn.

Tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa và rất dễ lây lan nếu việc vệ sinh không đảm bảo. Bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm và tăng mạnh vào khoảng thời gian tháng 3-5 và tháng 9-12 hàng năm.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da. Chúng chủ yếu ở dạng phỏng nước, thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông, hậu môn. Hầu hết ca bệnh đều diễn biến nhẹ và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, một số trường hợp, bệnh có gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.

Các biện pháp phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ

Dưới đây là 8 biện pháp giúp phòng bệnh tay chân miệng hiệu quả phụ huynh nên tham khảo:

- Rửa tay sạch sẽ với xà phòng trước khi nấu ăn/ ăn uống, trước khi cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã cho trẻ, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với các bọng nước.

- Làm sạch môi trường và các vật dụng dễ bị ô nhiễm (đồ chơi, bàn ghế, tay nắm cửa…) với nước hoặc xà phòng, sau đó khử trùng bằng chất tẩy rửa thông thường và rửa lại bằng nước sạch.

- Tránh tiếp xúc gần như ôm, hôn, dùng chung đồ với các trẻ khác cũng là một cách để phòng bệnh tay chân miệng.

- Khi trẻ mắc bệnh không cho bé đi mẫu giáo, trường học hoặc những nơi đông người cho tới khi khỏi bệnh.

- Theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh và đưa trẻ đến bệnh viện nếu nhận thấy triệu chứng sốt cao, li bì, mất tỉnh táo, lờ đờ, khó thở…

- Che miệng và mũi khi hắt hơi, ho rồi vệ sinh tay bằng nước và xà phòng.

- Khăn giấy, tã lót đã sử dụng cần được xử lý đúng cách, tránh vứt bừa bãi ra môi trường.

- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, nơi vui chơi của trẻ sạch sẽ.

Độc giả Thu Hiền

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ai-co-nguy-co-mac-tay-chan-mieng-post1405461.html