Ai cũng có thể bị...tâm thần!
Khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài con người ta ai cũng phải thay đổi. Sự thay đổi theo hướng xấu có thể là từ dung dị, khiêm tốn trở nên bạo liệt, tự cao tự đại, ảo tưởng về chính mình, có thể trở nên hèn mọn...Và lúc không kiểm soát được, người ta dễ bị tâm thần.
Trong chúng tai, ai cũng có thể rơi vào tình cảnh không kiểm soát được chính mình
Con người ta càng tiếp xúc môi trường xã hội, càng thay đổi. Thay đổi, theo lẽ thông thường là lớn lên, trưởng thành, nhưng cũng có thể teo dần tư duy, mài mòn dũng khí, gia tăng sự hèn mọn...
Ai cũng có thể bị...tâm thần!
Tô Phán
Sự vô minh -tâm thần... nghiệt ngã!
Sự thay đổi có từ bên trong - tự thân bản chất sinh học, mà cũng có thể thay đổi từ bên ngoài do tác động của ngoại lực, tình huống, hoàn cảnh. Có những thứ thay đổi dần dần theo logich tuần tự, từ từ, thay đổi từ lượng đến chất, nhưng có những thứ thay đổi mang tính đột biến, không ngờ, không báo trước.
Lúc đó con người ta trở nên vô minh (hiểu ở góc độ là không biết đúng – sai). Và khi người không biết đúng – sai thì còn tồi tệ hơn người có định kiến tồi tệ. Ít ra định kiến dù tồi tệ cũng giúp người khác biết được ranh giới – mà ranh giới là cái để phân biệt đúng- sai. Còn "vô minh" thì hoàn toàn không!
Một vị bác sĩ tâm thần nói rằng: Khi tần suất trạng thái bất thường ở một người đó trở nên nhiều hơn thì họ đã bị tâm thần. Như vậy, trong chúng ta ai cũng có thể bị tâm thần!
Mỗi ngày 24 giờ đồng hồ, mỗi năm 365 ngày, đời người mấy chục năm, có mấy ai lúc nào cũng bình tĩnh, an nhiên? Có những phút giây con người trở nên bất thường, cứ như nước sôi trong cái nồi đậy kín nắp. Nước trào ra sùng sục, lênh láng, làm bỏng người bên cạnh, bỏng cả chính họ. Lúc đó là bị bệnh. Con người mấy ai không có những giờ phút sục sôi như vậy? Chỉ có điều người có tần suất nhiều là người bị bệnh mà thôi.
Vậy còn chúng ta - cũng rất dễ bị bệnh - sẽ đối xử như thế nào với những người bị tâm thần ngay bên cạnh ta, ở ngay trong nhà ta, cơ quan ta?
Xin dẫn ra đây một số trường hợp "ở cạnh ta", "trong nhà ta".
Trường hợp 1: Cô ấy là người phụ nữ nhiệt huyết trong công việc. Với không ít đồng nghiệp, cô là hình mẫu của sự năng động, dám nghĩ, dám làm, và không ngại cất tiếng nói thẳng thắn. Ở cơ quan hay trong gia đình, cô đều đảm nhận vai trò quan trọng, từng được thủ trưởng quý mến, tin tưởng, và nhiều đồng nghiệp yêu mến - dù cô có những biểu hiện thiên vị. Công việc tiến triển tốt đẹp, được thủ trưởng giúp đỡ rất nhiều nên sự nghiệp của cô thăng hoa.
Với sự khéo léo và vị trí mới có, cô tận dụng các mối quan hệ để đạt được nhiều lợi ích, từ bất động sản cho đến các ưu đãi đặc biệt, khiến cuộc sống gia đình của cô ngày càng sung túc. Người ta nói, không phải ai cũng may mắn có số hưởng như cô.
Nhưng rồi, một ngày kia, sếp từng nâng đỡ cô được cử đi cơ quan khác, sếp mới từ nơi khác được điều về. Lẽ thường là ăn cây nào rào cây ấy, cô kề vai với sếp mới. Không may sếp mới bị kỷ luật nặng, bị liên đới cô cũng bị kỷ luật nhè nhẹ. Dẫu vậy cũng khiến cô choáng váng, không thể tin nổi. Trong thâm tâm, cô luôn nghĩ mình không bao giờ sai lầm, rằng cuộc đời của cô sẽ luôn hưởng hương hoa, thế mà người khác hãm hại cô...
Cô trở nên đau đớn và oán giận như một con thú bị thương. Sự bảo vệ và nâng đỡ từ sếp cũ đã giúp cô vượt qua bao khó khăn trước đây, nhưng lần này, không ai đứng ra bênh vực cô. Những cơn giận dồn nén lâu nay bùng nổ. Cô cảm thấy như mình bị đối xử bất công, và sự phẫn nộ đó dần dần biến thành cay đắng. Điều đó khiến cô hành xử lỗ mãng, hỗn xược ngay cả với người sếp từng nâng đỡ mình để cô có được ngày hôm nay.
Thực ra cô ấy thường xuyên bị cảm xúc thúc đẩy thành những phút tâm thần, mà bắt nguồn từ ảo tưởng về phẩm chất, năng lực dẫn đến tự yêu mình thái quá. Cô ấy cố níu giữ hình ảnh và ảo giác về lòng tự tôn thái quá bằng hành động hỗn hào với bậc tiền bối, hành động vô ơn với người đã giúp đỡ mình. Bị cảm xúc chi phối bởi ảo tưởng về năng lực và sự tự cao quá mức, cô ấy rơi vào những phút giây mất kiểm soát, trở nên hoang dại, lệch lạc trong hành vi. Đó điều là biểu hiện của bệnh tâm thần.
Hình ảnh người phụ nữ năng động, đáng mến ngày nào, giờ đây dần phai mờ. Thay vào đó là những ánh nhìn ngao ngán và sự thất vọng về cả tính cách lẫn ngoại hình của cô.
Ranh giới là cái để phân biệt đúng - sai thật mong manh!
Tô Phán
Trường hợp 2: Anh ấy lâu nay chỉ được giao làm những việc làng nhàng, kiểu như có việc đó hay không, làm được tốt hay không cũng chẳng ảnh hưởng gì đến hệ thống. Nó giống như vài lát rau mùi tàu thêm vào bát bún, có cũng được mà không có cũng được. Anh ấy biết như vậy, tổ chức biết như vậy nên dù anh ấy nhiệt tình làm việc đến đâu cũng chỉ được giao làm cấp phó.
Theo anh ấy, cấp phó mà anh ấy đảm nhận là nhận việc và báo cáo quá trình, kết quả công việc đã nhận. Vậy thôi. Đến một ngày không như mọi ngày, vào thế cờ tổ chức, anh ấy được đặt vào nước đi với vai trò cấp trưởng một cơ quan lớn. Chưa bao giờ anh ấy mơ ước và được làm công việc quan trọng và nhiều quyền như vậy. Anh ấy choáng. Choáng vì sung sướng và cũng choáng vì ngợp.
Được đặt vào tay thanh thượng vương bảo kiếm, anh ấy thể hiện ngay uy lực. Trớ trêu anh ấy không cầm nổi thanh thượng vương bảo kiếm. Thực ra chiếc áo chức vị uy quyền đó quá rộng với cơ thể anh ấy. Ở đây năng lực không đi cùng với quyền lực nên anh ấy cảm nhận được sự bất phục của cấp dưới. Hậm hực, anh ấy phát minh ra đủ biện pháp thời mông muội, không ra trại lính cũng không ra hội đoàn. Anh ấy soi chi li từng cử chỉ, việc làm của cấp dưới theo kiểu "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành".
Đêm khuya anh ấy vẫn lục cấp dưới đang say nồng trên gường phải bật dậy giải thích cho anh ấy việc này việc kia. Một cái sơ suất nhỏ của cấp dưới cũng bị anh ấy "nâng quan điểm" thành nghiêm trọng.
Bất kể sai sót nào của cấp dưới mà bị cấp trên nhắc nhở, anh ấy cho họp hội đồng kỷ luật ngay. Quyết định kỷ luật cứ bay như tờ rơi ngoài phố. Cơ quan văn hóa biến thành trại lính vì cái cách quản lý không giống ai của anh ấy. Quá ngột ngạt, cơ quan trở thành nồi thuốc súng.
Cái gì đến cũng phải đến. Đơn thư bay khắp nơi. Họp hành, tranh cãi, đổ lỗi là những gì diễn ra trước khi anh ấy bị kỷ luật.
Anh ấy bị cảm xúc thúc đẩy khi phải bơi trong chiếc áo quá chật so với cơ thể nhỏ bé, khi bị cấp dưới coi thường ra mặt. Anh ấy cố chứng minh mình đủ năng lực xứng với vị trí đang nắm giữ, cố bắt cấp dưới tôn trọng mình bằng hành động quản lý kiểu trại lính. Anh ấy bơi trong quyền lực mà không đủ khả năng đối phó tác động ngược của quyền lực. Vì vậy anh ấy luôn mất kiểm soát, trở thành bệnh nhân tâm thần.
Trường hợp 3: Cô gái ấy đẹp tựa hoa hậu, dịu dàng, ngoan ngoãn, ai gặp cũng quý mến. Vào tuổi 18, ngây thơ và lãng mạn, cô đem lòng yêu một người đàn ông đã có gia đình, chỉ vì cô bị cuốn hút bởi tài năng và những lời khen ngọt ngào. Trong cơn mê tình ái, cô được cưng chiều, tâng bốc, nhưng sau cùng nhận ra mình không thể tiếp tục mối quan hệ vô vọng này nên cô quyết định chia tay. Người đàn ông kia không muốn từ bỏ, nhưng cũng đành chấp nhận.
Tuy nhiên, ông ta giữ lại một số bằng chứng hai người yêu nhau để uy hiếp cô. Sau đó, cô quen một chàng trai trẻ. Vì ghen với người đàn ông kia và cũng muốn "đòi lại công bằng", cậu ta kéo cô cùng đến nhà ông kia. Cậu ta cho ông kia một trận, không may làm chết người. Cô hoảng loạn trước bi kịch. Người yêu của cô bị kết án tù vì tội ngộ sát, còn dư luận lên án cô như kẻ đồng phạm với người yêu mới giết người yêu cũ. Cô là nạn nhân của chính sự ngây thơ của mình, nhưng xã hội không tha thứ, coi cô là thủ phạm của bi kịch ấy.
Những ngày sau đó, cô sống trong mặc cảm và sự dằn vặt. Dù nhiều người khuyên cô đi thật xa để thoát khỏi áp lực dư luận, cô vẫn chọn ở lại, chờ đợi người yêu mãn hạn tù. Với cô, cuộc đời này chỉ có thể thuộc về người đàn ông ấy – người đã vì cô mà vướng vào vòng lao lý.
Sau nhiều năm, người yêu của cô ra tù, hai người làm đám cưới. Nhưng hôn nhân của cô lại là chuỗi ngày đau đớn và tủi nhục. Người chồng trẻ từng "vĩ đại" trong mắt cô, nay thành kẻ bạo hành, thường xuyên đánh đập vợ. Những cơn ghen tuông vô lý trở thành nỗi ám ảnh trong tâm trí anh ta. Khốn nạn nhất là mỗi khi lên cơn ghen, anh ta không chỉ rỉa rói mà còn kể vanh vách với đứa con nhỏ về quá khứ của mẹ nó bằng những lời cay nghiệt: rằng mẹ của chúng từng lăng loàn và bẩn thỉu ra sao.
Sau bao lần ly hôn rồi làm lành, cuối cùng cô cũng thoát khỏi cuộc hôn nhân địa ngục. Tại tòa án, trước mặt các con và hội đồng xét xử, người chồng gầm lên, nhục mạ cô với những lời lẽ bẩn thỉu, phơi bày hết những điều riêng tư trước tất cả mọi người.
Phải mất 20 năm, cô mới thực sự giải thoát khỏi mối quan hệ được xây dựng trên tình yêu, tình nghĩa và số phận – nhưng chẳng khác gì một địa ngục. Những điều bình thường như mái ấm gia đình, sự yêu thương của chồng – thứ mà cô gái xinh đẹp như cô đáng lẽ phải được hưởng – lại trở thành điều xa xỉ. Bạn bè và người thân chỉ biết thương cảm, nhưng chẳng ai có thể làm gì để cứu cô khỏi một người chồng tâm thần, luôn hành xử mất kiểm soát.
Sau tất cả, cô nhận ra rằng, trước những biến cố cuộc đời, con người rất dễ rơi vào trạng thái rối loạn tâm lý. Sự điên loạn của chồng cô vừa đáng giận, vừa đáng thương, khiến cô luôn mang trong lòng cảm giác tội lỗi không nguôi. Cả cô và người chồng cũ của cô đều bị tâm thần dù sắc thái khác nhau: Mặc cảm, dằn vặt tội lỗi rồi thu mình trở thành cái bóng như cô là một dạng tâm thần – dù chưa đến mức thân tàn ma dại; Hay điên khùng, phỉ nhổ vào các tiêu chuẩn văn hóa như chồng cô là một dạng tâm thần khác.
Tuy nhiên, sau đó cô gái lại dồn tất cả bức xúc gần như bị kiềm tỏa suốt bao năm qua để đối xử cay nghiệt với người chồng thứ 2 khi họ sống chung với nhau. Và rồi một ngày cô ấy nhận ra rằng người chồng thứ 2 không hề có lỗi. Lỗi là ở lòng cô vốn tích tụ bao nhiêu căm hận biến thành nọc độc, nay mới tìm chỗ để xả.
Và rồi, cô ấy nhận ra rằng người chồng thứ 2 không hề có lỗi. Lỗi là ở lòng cô vốn tích tụ bao nhiêu căm hận biến thành nọc độc, nay mới tìm chỗ để xả...
Trường hợp 4: Người đó đối với ai cũng lên giọng trịch thượng. Lên giọng trịch thượng với cả những người có tuổi tác, có địa vị xã hội hơn mình. Người đó luôn cho rằng mình tài giỏi, coi khinh tiền bạc (nhưng lại đi năn nỉ ai đó cho mình ít tiền, lèm bèm tiền nong với vợ và cấp dưới). Người đó lên giọng đe dọa cho người khác "trở về thời đồ đá". Người đó bất cứ lúc cũng kéo bè kéo cánh kiện thủ trưởng nếu không vừa mắt. Có nghĩa là người đó không phải chỉ lên giọng dọa nạt mà thực sự bơm nọc độc vào người khác với tâm thế tàn ác. Người đó trở thành kẻ tâm thần ác độc lúc nào không hay.
Nhưng thủ trưởng của người đó "trên cơ" đến mức anh ta không bao giờ nghĩ tới. Người đó bơm nọc độc làm tổn thương thủ trưởng như vậy mà thủ trưởng vẫn coi như không và còn nói có thể thì cứ kiện, nhưng phải nghĩ đến hậu quả khi kiện sai! Đến khi người ấy bị kỷ luật nặng, không hiểu sao, chính thủ trưởng lại giang tay ra đỡ và kéo lại khi chỉ còn tích tắc nữa là rơi xuống. Thời điểm mà nhiều người cùng là chiến hữu với người ấy đang quay mặt đi. Cái gì đã chiến thắng lòng căm hận trong lòng thủ trưởng của người đó?
Trong cuộc đời, không ai có thể tránh khỏi việc phải đối diện với những hoàn cảnh, tình thế không thuận với mình. Khi không làm chủ được đa số người sẽ bột phát những giây phút khác thường, hoặc trở nên hèn mọn, hoặc hoang dại trong thái độ, hành vi - khi đó những chuẩn mực sẽ bị phá nát.
Số người giữ được bình tĩnh, an nhiên không nhiều. Mà cuộc sống là môi trường hỗn độn, không theo quy luật nào. Con người sinh học cũng như con người xã hội thường vận hành theo cảm xúc là chính. Cho nên, hầu như ai cũng tiềm tàng có những phút giây mắc bệnh tâm thần.
Cuộc sống không tuân theo bất kỳ quy luật nào, và con người vốn dễ dàng bị chi phối bởi cảm xúc. Vì thế, ai trong chúng ta cũng tiềm tàng khả năng rơi vào những giây phút mất kiểm soát. Khi đối diện với những người đang trải qua giai đoạn bất ổn như vậy, thay vì phán xét, hãy hiểu rằng họ cũng chỉ đang trải qua một trạng thái khó khăn, và đôi khi, một nụ cười thông cảm cũng có thể giúp họ vượt qua.
Hành động giang ta cứu người từng hại mình tức là ta đã vượt qua lòng căm hận và sự đau đớn mà người kia đã gây ra. Đó không chỉ là sự chiến thắng của lòng từ bi trước cảm xúc tiêu cực, mà còn là minh chứng cho sự trưởng thành và sức mạnh nội tại của bạn. Tuy nhiên, việc làm này có "nên" hay không còn phụ thuộc vào bối cảnh, mục đích, và những giá trị mà bạn theo đuổi.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói rằng: Do bản thân mình "chưa chín" (tu chưa tới) nên chưa có lòng từ bi. Và như vậy chưa thấy được người nói với mình những lời nặng nề xúc phạm là do họ có sự đau khổ. Mình có từ bi che chở thì sẽ không đau khổ khi bị xúc phạm, sẽ hiểu và thương người xúc phạm mình hơn vì họ đang gieo chính nghiệp ác cho chính họ.
Thế nhưng, thiền sư mới nói ở mối quan hệ gia đình người thân với nhau, vì dù sao giữa họ là tình thân, dễ tha thứ. Còn khi ở mối quan hệ xã hội, người ta làm điều ác với mình là do trong lòng người ta toàn nọc độc. Nọc độc trong con người họ làm cho mình trở nên đau đớn, thậm chí thân tàn ma dại, thì làm sao mà từ bi được? Đó là một thách thức thực tế mà rất nhiều người gặp phải: Làm thế nào để giữ được lòng từ bi khi đối mặt với sự ác ý thậm chí là tổn thương quá mức từ người khác?
Từ bi ở đây là một trạng thái của tâm trí, một cách nhìn sâu sắc hơn vào nguồn gốc của hành vi ác ý. Khi một người hành động bằng nọc độc, chính họ cũng đang chịu sự dày vò bởi nỗi khổ bên trong họ. Việc nhận ra điều này không có nghĩa là chấp nhận sự ác ý hay không tự bảo vệ bản thân, mà là giữ cho tâm mình không bị trói buộc bởi hận thù.
Khi đối mặt với một người làm điều ác, ta có thể giữ một khoảng cách tâm lý và thực tế, nhưng không để sự căm ghét chiếm lấy tâm trí mình. Sự căm ghét không làm giảm đau đớn mà chỉ khiến ta bị mắc kẹt thêm trong vòng luân hồi của khổ đau.
Làm sao từ bi được khi chính mình bị tổn thương nặng nề? Điều này đòi hỏi sự thực hành lâu dài, vì từ bi không tự nhiên mà có, đặc biệt là trong những hoàn cảnh khó khăn. Không phải ta phải ngay lập tức từ bi với người gây hại cho mình, mà là bắt đầu từ việc không để hận thù nuôi dưỡng trong lòng.
Từ bi không đồng nghĩa với việc để người khác tiếp tục làm tổn thương mình. Sự bảo vệ chính đáng vẫn là cần thiết. Một trong những cách để đối mặt với những người mang "nọc độc" là không để chính mình trở thành nguồn nọc độc thứ hai. Thực hành từ bi giúp chúng ta giảm bớt sự đau khổ nội tâm và giữ cho bản thân không bị cuốn vào vòng xoáy hận thù, dù không dễ dàng.
Hành động từ bi là chiến thắng bản thân. Khi bạn chọn giang tay giúp đỡ người đã làm tổn thương mình, bạn không chỉ cứu họ khỏi rơi xuống vực, mà còn cứu chính mình khỏi rơi vào vực sâu của oán hận và trả thù. Việc bạn vượt qua cảm xúc tiêu cực, chọn giúp đỡ thay vì thờ ơ hoặc để họ tự chịu hậu quả, chính là chiến thắng của sự hiểu biết và lòng từ bi.
Từ bi không phải là yếu đuối. Đôi khi, người ta nhầm lẫn lòng từ bi với sự yếu đuối hay nhu nhược. Nhưng cần rất nhiều sức mạnh nội tâm để vươn tay giúp đỡ một người từng làm tổn thương mình. Hành động này không chỉ làm người kia kinh ngạc, mà còn có thể gieo vào lòng họ một sự thức tỉnh. Có thể họ sẽ nhận ra lỗi lầm và thay đổi, nhưng cũng có thể không. Dù thế nào, lòng từ bi của bạn vẫn giữ nguyên giá trị.
Ta sẽ cảm thấy thế nào khi tha thứ, bỏ qua chuyện người khác làm tổn thương mình?Nếu hành động giúp đỡ khiến ta cảm thấy thanh thản, nhẹ nhõm và không còn gánh nặng của căm hận, thì đó là sự lựa chọn đúng. Nhưng nếu điều đó khiến ta cảm thấy bất an hoặc bị lợi dụng, bạn nên xem xét lại.
Giang tay giúp đỡ người từng làm tổn thương mình là biểu hiện cao cả của lòng từ bi, một chiến thắng của tâm hồn ta trước sự nhỏ nhen và thù hận. Nhưng hành động này chỉ nên thực hiện khi ta cảm thấy đủ mạnh mẽ để vượt qua nỗi đau cũ và đảm bảo rằng việc giúp đỡ không dẫn đến hậu quả tiêu cực cho ta hoặc người khác.
Trong mọi trường hợp, sự sáng suốt và cân nhắc kỹ lưỡng là cần thiết để không kiểm soát được chính ta, nếu không chính ta lại bị bệnh tâm thần...
Tô Phán