AI, dữ liệu lớn và tương lai logistics số: Góc nhìn từ một doanh nghiệp tiên phong
Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong 'cuộc đua' logistics số, LEX Việt Nam đã có nhiều giải pháp để chuyển đổi số thành công.
Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Nguyễn Thanh Quang - Tổng giám đốc LEX (tiền thân là Lazada Logistics) – một trong những doanh nghiệp tiên phong của Việt Nam trong ngành logistics xung quanh vấn đề này.

Ông Phạm Nguyễn Thanh Quang - Tổng giám đốc LEX Việt Nam
Yếu tố nào giúp chuyển từ logistics truyền thống sang logistics số?
- Từ góc nhìn thực tiễn của LEX Việt Nam, đâu là yếu tố công nghệ cốt lõi quyết định sự chuyển mình từ logistics truyền thống sang logistics số trong kỷ nguyên 4.0?
Ông Phạm Nguyễn Thanh Quang: Một trong những công nghệ cốt lõi để có thể chuyển mình từ logistics truyền thống sang logistics số chính là việc ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là việc khai thác những cơ sở dữ liệu lớn và áp dụng công nghệ AI vào trong quá trình vận hành. Cụ thể hơn, là chúng ta sẽ phải làm sao để có thể đưa những cơ sở dữ liệu vào trong quá trình vận hành hàng ngày để đơn giản hóa, tăng tốc độ xử lý và nâng cao hiệu quả hoạt động. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có thể sử dụng cơ sở dữ liệu đó để phân tích, và giúp tối ưu chi phí.
Ví dụ tại LEX Việt Nam, AI đã được tích hợp sâu vào các hoạt động vận hành hằng ngày như: sử dụng để phân tích dữ liệu vận hành và đề xuất phương án tối ưu cho từng khu vực giao nhận. Chúng tôi sử dụng AI để thiết kế và tối ưu hóa mạng lưới logistics từ việc xác định vị trí đặt kho trung chuyển, kho đầu cuối (Lastmile), xây dựng tuyến đường giao hàng tối ưu, đến việc điều phối nhân sự và phương tiện vận tải. AI còn hỗ trợ dự báo nhu cầu đơn hàng theo khu vực, thời gian và hành vi người tiêu dùng để điều phối nguồn lực linh hoạt.
Đồng thời, LEX Việt Nam còn ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để phát triển kho thông minh. Doanh nghiệp áp dụng robot, cảm biến IoT và hệ thống quản lý kho tự động để nâng cao hiệu suất và giảm thiểu lỗi thủ công, và ứng dụng công nghệ chia chọn tự động mới nhất cho trung tâm chia chọn tự động tại Bình Dương.
Cùng với đó, là tăng tính kết nối trong chuỗi cung ứng: Các hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp ERP, quản trị kho WMS, quản trị vận tải TMS được tích hợp hoàn toàn bằng nền tảng công nghệ của tập đoàn Alibaba giúp kết nối dữ liệu xuyên suốt trong toàn bộ quá trình vận hành và vận chuyển của hàng hóa.

Toàn cảnh khuôn viên LEX Vietnam (trước đây là Lazada Logistics)
Logistics số mở ra tương lai cho thương mại điện tử Việt Nam
- LEX Việt Nam đã rút ra được kinh nghiệm gì từ việc áp dụng logistics số vào hoạt động giao hàng theo khung giờ, giao hàng tức thời? Những mô hình này mở ra điều gì cho tương lai thương mại điện tử Việt Nam, thưa ông?
Ông Phạm Nguyễn Thanh Quang: Việc áp dụng logistics số vào các mô hình giao hàng theo khung giờ và giao hàng tức thời đã giúp LEX Việt Nam nhận diện và vượt qua một số khó khăn. Một trong những thách thức lớn chúng tôi đối mặt là quản lý thời gian và lịch trình giao hàng. Với sự hỗ trợ của AI và hệ thống định vị GPS, logistics số đã cho phép chúng tôi tối ưu hóa lộ trình, giảm thiểu thời gian di chuyển và đảm bảo các đơn hàng được giao đúng thời gian cam kết.
Khả năng dự đoán và điều phối nguồn lực cũng là một yếu tố quan trọng trong giao hàng tức thời. Nhờ công nghệ dữ liệu lớn, LEX Việt Nam đã có thể phân tích và dự đoán nhu cầu theo thời gian thực, từ đó phân bổ tài nguyên và nhân lực một cách linh hoạt và hiệu quả.
Áp lực xử lý các đơn hàng giao tức thời trong thời gian ngắn cũng không nhỏ. Hệ thống tự động hóa và tích hợp dữ liệu từ các nền tảng logistics số đã nâng cao khả năng xử lý đơn hàng nhanh chóng và chính xác, đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách hiệu quả.
Giao tiếp và thông tin với khách hàng luôn là ưu tiên hàng đầu. Logistics số cung cấp các nền tảng giao tiếp trực tuyến, cho phép cập nhật trạng thái đơn hàng và giao tiếp với khách hàng trong thời gian thực, từ đó cải thiện trải nghiệm khách hàng và giảm thiểu các khiếu nại liên quan đến sự chậm trễ.
Nhờ vào việc áp dụng logistics số, LEX Việt Nam đã cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhu cầu giao hàng đa dạng của khách hàng và mở ra nhiều cơ hội phát triển cho thương mại điện tử tại Việt Nam.
Không chỉ tăng trưởng mà hướng tới tăng trưởng bền vững
- Trong bối cảnh logistics Việt Nam còn đối diện thách thức về nhân lực, dữ liệu chưa chuẩn hóa và đầu tư chồng chéo, LEX Việt Nam rút ra bài học gì để vừa tăng trưởng nhanh, vừa phát triển bền vững?
Ông Phạm Nguyễn Thanh Quang: Trong bối cảnh mà hiện giờ cơ sở hạ tầng kho cũng như sự phát triển của kho hàng vẫn còn chưa đồng bộ, chúng tôi luôn phải cân nhắc rất kỹ lưỡng trong những cái khoản đầu tư của mình.
Ngoài ra thì chúng tôi cũng dựa trên những thông tin và phân tích dữ liệu để đưa ra những hoạch định lâu dài để đưa ra những quyết định chuẩn xác hơn: về việc có thể chọn những khu vực nào để đặt những kho hàng tốt hơn, gần với người nhận hàng hơn để từ đó có thể giúp cho cái việc chuyển hàng sẽ được tối ưu hóa với chi phí tốt hơn.
Hơn hết là LEX Việt Nam luôn luôn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để hướng tới phát triển logistics bền vững, với mục tiêu giảm phát thải carbon, tối ưu hóa năng lượng và tăng cường sử dụng vật liệu tái sử dụng.
Chúng tôi cũng chú trọng đầu tư vào đào tạo nhân viên, nhằm nâng cao kỹ năng công nghệ và quản lý. Việc này không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực mà còn đảm bảo mọi quy trình được thực hiện một cách hiệu quả và linh hoạt nhất, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Xin cảm ơn ông!